1 luật sửa 13 luật liên quan đến Luật Quy hoạch: Có loại bỏ được những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường?

H.Vũ 17/05/2018 08:30

Ngày 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Khoa học công nghệ; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc ban hành Luật để sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến quy hoạch tại các luật trên để có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019 là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030.

Đề cập đến tính khả thi của luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại hiện nay sẽ loại bỏ những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh; đồng thời, để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch.

Đây sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả theo tinh thần tại Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và Nghị quyết số 11-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Dự án Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch.

Tuy nhiên đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật khác có các quy định liên quan đến quy hoạch và giải trình đầy đủ báo cáo thẩm định, các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Đồng thời phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật này cần tuân thủ nguyên tắc chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định trong các luật có nội dung liên quan đến quy hoạch để bảo đảm đồng bộ và thống nhất với Luật Quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: Khi bàn đến luật này, liên quan đến chuyên ngành, các bộ trong Chính phủ đã thống nhất chưa? Đồng thời làm rõ nội hàm để không vướng với Luật Quy hoạch.

Giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nội dung liên quan đến các luật sửa quy hoạch, giữa các bộ đã thống nhất với nhau về nội dung, không có gì không thống nhất trong Chính phủ. Tuy nhiên, tinh thần sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo chất lượng.

Đề cập đến quy hoạch vùng tỉnh trong Luật Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân trần, lúc đầu có một số ý kiến nói trùng với quy hoạch vùng tỉnh. Sau đó 2 bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư và Xây dựng đã ngồi lại với nhau bàn để làm sao giảm thiểu thủ tục và thống nhất thấy rằng quy hoạch vùng tỉnh là vấn đề nằm trong quy định chuyên ngành, cho nên đã thống nhất trình Quốc hội xem xét giữ lại quy hoạch vùng tỉnh như quy hoạch chuyên ngành và thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.

Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, quy hoạch vùng tỉnh là quy hoạch tồn tại nhiều năm, là quy hoạch của 1 tỉnh chứ không phải của nhiều tỉnh đã được quy định tại Luật Xây dựng từ những 2013-2014 trong địa bàn tỉnh. Quy định như vậy để các địa phương có cơ sơ quản lý quy hoạch vùng tỉnh từ nội dung hạ tầng kỹ thuật. Nếu tích hợp hết vào thì không thể, do đó sau khi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống nhất đề nghị giữ lại.

Liên quan đến việc Chính phủ đề nghị bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng trong Luật Công chứng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc luật giao Chính phủ quy định chính là “đẻ” thêm thủ tục hành chính cho nên luật cần phải tránh.

Trong khi đó, theo ông Vũ Hồng Thanh, Luật Công chứng đã quy định cụ thể về điều kiện hành nghề của công chứng viên, điều kiện thành lập và hoạt động của Văn phòng công chứng. Tuy nhiên luật này lại có 8 nội dung giao Chính phủ quy định, trong đó có cả điều kiện về trụ sở của văn phòng công chứng do đó không giao Chính phủ quy định thêm các điều kiện khi chưa có đánh giá tác động về nội dung này.

Ngay sau đó Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với ý kiến trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    1 luật sửa 13 luật liên quan đến Luật Quy hoạch: Có loại bỏ được những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO