10 năm xung đột ở Syria: Cơn ác mộng kéo dài

Phan Quang vũ 15/03/2021 06:30

Vào thời điểm này 10 năm trước, từ những cuộc biểu tình nhỏ đã dần dẫn tới bạo lực và xung đột, lan rộng trên toàn đất nước Syria.

Sau 10 năm, đến nay “cơn ác mộng” vẫn chưa chấm dứt. Dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các bên đẩy nhanh tiến trình hòa bình và xây dựng hiến pháp mới cho đất nước Syria “xinh đẹp và cổ kính”, mang lại cuộc sống hòa bình cho người dân.

Khói đen cuồn cuộn bốc lên từ những chiếc lốp xe cháy tại Tel Tamer trong cuộc xung đột chưa có hồi kết ở Syria. Ảnh: AFP.

Cơ hội sau 10 năm đau đớn

“10 năm về trước, từ các cuộc biểu tình bạo lực, Syria đã bị đẩy vào một cuộc chiến kinh hoàng. Sau một thập kỷ xung đột, giữa thời điểm thế giới xảy ra đại dịch Covid-19, Syria đã rời khỏi bản đồ thế giới và tình hình ở Syria vẫn là “ác mộng giữa đời thường” - Tổng Thư ký LHQ nói.

Theo thống kê của LHQ, 10 năm xung đột ở Syria đã khiến 500.000 người chết, hơn 1 triệu người khác bị thương và một nửa dân số nước này phải tha hương, trong số này có đến 5 triệu người phải tị nạn ở nước ngoài. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá, cộng thêm sự lan rộng của dịch Covid-19, cuộc sống của người dân Syria vô cùng khó khăn.

Ông Guterres cảnh báo, nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế thì 60% người dân Syria có nguy cơ đối mặt với nạn đói trong năm nay; đặc biệt là người dân tại các khu vực biên giới và tại các khu vực xung đột.

Theo Tổng Thư ký LHQ, 10 năm đau đớn đã đi qua, bây giờ là lúc các bên thể hiện thiện chí tìm kiếm điểm chung, tìm ra và chấp nhận giải pháp để đáp ứng khát khao hợp pháp của người dân, cũng như vì toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của đất nước Syria.

Tới nay, Chính phủ Syria đã giành lại gần hết quyền kiểm soát lãnh thổ nhưng hạ tầng cơ sở đã bị tàn phá nặng nề và sự chia rẽ dân tộc thì vẫn còn đó. “Nay, các bên có cơ hội thoát khỏi tình trạng xung đột thông qua đối thoại ngoại giao bền vững và mạnh mẽ, nếu không, người dân Syria sẽ tiếp tục đối mặt với tương lai bất ổn”- ông Guterres cảnh báo.

Những đứa trẻ nạn nhân của bạo lực, suy giảm kinh tế và Covid-19

“Có hàng triệu trẻ em ở Syria không biết đến bất cứ thứ gì ngoài cái chết, ly tán và sự tàn phá” - đó là một trong những thông tin gây sốc được Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố trong báo cáo về tình hình Syria sau 10 năm nội chiến.

Theo UNCEF, quốc gia Trung Đông này cùng lúc phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng là bạo lực, suy giảm kinh tế và đại dịch Covid-19. Cứ 3 gia đình người Syria thì có đến 2 gia đình không thể đáp ứng được những nhu cầu cơ bản cho cuộc sống.

UNCEF lên tiếng rằng trẻ em chính là đối tượng bị tác động nặng nề nhất. Ước tính có đến 90% trẻ em Syria đang rất cần được hỗ trợ cả về vật chất và tâm lý. Trong vòng 10 năm qua, hơn 1 triệu trẻ em phải ra đời trong các trại tị nạn, ngoài Syria. Chúng không biết đến bất cứ điều gì ngoài chết chóc, li tán và tàn phá.

Sự kết hợp của các yếu tố bạo lực, suy giảm kinh tế và đại dịch Covid-19 đã làm tăng đáng kể rủi ro cho cả trẻ em trai và trẻ em gái. Đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ tại Syria, Bo Viktor Nylund, cho biết, từ giữa năm 2011 đến năm 2020 có những trẻ em ở 7 tuổi ở Syria đã được tuyển làm lính. Trong giai đoạn 2011-2020, hơn 1.300 cơ sở giáo dục và y tế ở quốc gia Trung Đông này trở thành mục tiêu của các vụ tấn công.

“Nền giáo dục ở Syria đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Chúng ta chứng kiến 3,5 triệu trẻ em Syria thất học, trong đó 40% là trẻ em gái. Chúng ta không thể dự đoán được tác động của vấn đề này đối với các em, với cộng đồng và cả đất nước Syria trong những năm tới” - Đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ tại Syria nhấn mạnh.

Gánh trên vai nhiệm vụ tái thiết

“Những người trẻ ở Syria đang phải gánh chịu những tổn thất cá nhân vô cùng to lớn, nhưng họ vẫn phải gánh trên vai nhiệm vụ tái thiết đất nước đã bị tàn phá nặng nề sau một thập kỷ xung đột ở quốc gia Trung Đông này. Đó là nhiệm vụ không công bằng nhưng họ vẫn phải làm vì không ai có thể làm thay” - theo Giám đốc Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế về khu vực Trung Đông, Fabrizio Carboni.

Theo đó, hàng triệu người Syria đã phải tha hương trong 10 năm qua; trường học, bệnh viện và các dịch vụ công đã bị phá hủy trong các cuộc không kích và đạn pháo, kể từ khi xung đột bùng ra vào giữa tháng 3/2011.

Trong cuộc chiến đó, những người dân Syria từ 18 đến 25 tuổi đã phải trả giá đắt nhất. “Thật không công bằng khi họ đã đi qua tuổi thanh xuân trong xung đột, chết chóc và ly tán, cho đến khi kiệt sức thì lại phải gánh vác công việc tái thiết đất nước” - ông Fabrizio Carboni nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 năm xung đột ở Syria: Cơn ác mộng kéo dài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO