20 năm 'con đường xanh đỏ'

Thuý Hằng 26/07/2020 08:15

Chứng khoán Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, có lúc thăng lúc trầm. Giai đoạn hậu Covid 19, thị trường gắn với hai màu xanh - đỏ đang có những hiệu ứng rất tích cực.

Giao dịch chứng khoán vẫn khả quan trong dịch Covid-19.

Từ không đến có

Ngày 28/7/2000, giới chứng khoán gọi đây là ngày khai sinh của thị trường. Lùi lại quãng thời gian cho biết vào ngày này, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (tiền thân của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM) bắt đầu phiên giao dịch đầu tiên chỉ với 2 mã cổ phiếu là REE và SAM. Đến cuối năm 2000, thị trường chứng khoán (TTCK) cũng chỉ có 5 mã chứng khoán niêm yết với tổng số 32,1 triệu cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường thời điểm đó chỉ đạt 986 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP. Dù đây là một kênh huy động vốn hiệu quả nhưng giai đoạn từ 2000-2005, số lượng các công ty niêm yết tăng chậm.

Tính ra TTCK chỉ bắt đầu có sự tăng trưởng mạnh từ năm 2006 sau khi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đi vào hoạt động và trở thành sàn giao dịch cổ phiếu dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bên cạnh Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM - nơi niêm yết các doanh nghiệp vốn lớn. Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán đầu tiên được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007 đã dần cải thiện những bất cập, xung đột với các văn bản pháp lý khác. Tính đến tháng 3/2020, số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn Hose đã đạt 380 doanh nghiệp. Qua 20 năm, các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE đã huy động hơn 295 ngàn tỷ đồng qua 834 đợt phát hành thêm. Đặc biệt, giai đoạn 2010-2019, có trung bình 66 đợt phát hành thêm mỗi năm với giá trị vốn huy động hơn 26,5 ngàn tỷ đồng.

Lửa thử vàng, gian nan vượt Covid-19

Có thể nói, TTCK Việt Nam có thăng có trầm trong suốt chặng đường 20 năm qua. Theo khẳng định của Chủ tịch UBCK, ông Trần Văn Dũng, trên thực tế, TTCK còn nhiều biến cố khách quan khó lường, có thể là sự cố hệ thống, có thể là khủng hoảng kinh tế trên thế giới, hay mới đây là đại dịch Covid-19 vẫn đang “nóng hổi”… Các biến cố này được phản ánh một cách khách quan vào thị trường.

Thế nhưng, điều đáng mừng, dòng tiền dồi dào từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã thúc đẩy đà tăng của chỉ số. Chỉ tính riêng trong quãng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5/2020, có gần 100.000 tài khoản mở mới. Trong khi đó, dòng vốn nước ngoài của các quỹ đầu tư chủ động (active fund) đóng góp khá nhỏ bé trong đợt hồi phục này và có sự cải thiện trong những tuần gần đây. Dòng vốn các quỹ đầu tư có trở lại TTCK Việt Nam trong tháng 5 nhưng đã quay đầu rút ròng trong 2 tuần đầu tháng 6. Giao dịch của khối ngoại trên TTCK có phần cải thiện sau chuỗi bán ròng liên tiếp 3 tháng nhưng các phiên mua ròng và bán ròng vẫn đan xen...

Nhìn vào diễn biến thị trường có thể thấy, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, TTCK Việt Nam được đánh giá là thị trường phục hồi nhanh và mạnh nhất khu vực.

Theo ông Trần Văn Dũng, TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều điểm tựa đến từ yếu tố nội tại của nền kinh tế và công tác kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả. Nếu dịch bệnh trong nước tiếp tục được khống chế thì doanh nghiệp chỉ chịu ảnh hưởng yếu tố bên ngoài, còn các yếu tố nội tại sẽ cơ bản được hỗ trợ. TTCK do đó sẽ cơ bản được hậu thuẫn tích cực.

“Chúng ta cần tiếp tục duy trì sự “chủ động trong bị động”, “tấn công nhưng trong phòng thủ”, để hỗ trợ TTCK giữ được nhịp tăng trưởng ổn định”- ông Dũng khẳng định.

Mới đây, tại buổi kỷ niệm 20 năm TTCK, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương tập trung nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp nhằm phát triển nhanh quy mô và chất lượng của TTCK như: Đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, tăng cường tính công khai minh bạch trên TTCK thông qua việc áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế, cải tiến chất lượng dịch vụ kiểm toán và khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các thông lệ tốt nhất về quản trị doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi để đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia TTCK. Cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước với các bộ, ngành liên quan cần được củng cố để tăng cường năng lực dự báo tình hình và áp dụng các giải pháp ứng phó với các biến động bất thường nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho TTCK nói riêng và thị trường tài chính - tiền tệ nói chung.

Đặc biệt chủ động hội nhập TTCK vào thị trường tài chính quốc tế để tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực tốt nhất, phấn đấu sớm nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đưa TTCK Việt Nam thành điểm đến của các tổ chức tài chính quốc tế lớn.

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, hiện chúng ta đã có cơ sở chắc chắn để trông chờ vào một sự phát triển của TTCK trong 10, 20 năm tới. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định về việc sắp xếp lại các Sở Giao dịch Chứng khoán, thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, để chuyên nghiệp hóa các mảng TTCK. Chúng ta cũng đã hoàn thiện những khâu cuối của hệ thống công nghệ thông tin mới, áp dụng cho toàn thị trường - đây là cơ hội để TTCK phát triển an toàn hơn và có thể phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ, nghiệp vụ mới. Bên cạnh đó, cơ sở nhà đầu tư đã có sự phát triển, các nhà đầu tư tham gia trên TTCK đã có sự trưởng thành vượt bậc, cho nên sự tham gia của các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ rất tích cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    20 năm 'con đường xanh đỏ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO