2019: Niên lãm làng Kịch Việt

Nguyễn Hiếu 23/01/2020 13:00

Nếu nhìn về bề ngoài năm 2019 làng Kịch Việt Nam cũng không có gì khác lắm so với hơn một thập niên trở lại đây.

2019: Niên lãm làng Kịch Việt

Cảnh trong vở Tấm Cám của Sân khấu Lệ Ngọc.

Vẫn những trại sáng tác chính thống do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (NSSKVN) được mở ra, và mặc dù nước ta chỉ kém một năm nữa tròn nửa thế kỉ giang sơn thu về một mối mà tác giả sân khấu cả nước - ngành duy nhất trong 9 ngành nghệ thuật Trung ương vẫn chịu cảnh, người miền nào đi dự trại sáng tác ở khu vực ấy. Tác giả ở Nam đi trại phía Nam, tác giả ở Bắc đi trại phía Bắc. Cái khác năm nay là Hội NSSKVN mở thêm trại sáng tác kịch bản các thể loại kịch truyền thống ở Tam Đảo hồi tháng 9 có sự hòa trộn tác giả cả nước.

Các hội diễn năm nay đến kì vẫn mở ra từ Liên hoan Tuồng và dân ca ở Thanh Hóa, Liên hoan Chèo ở Bắc Giang, và Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ IV tại Hà Nội cùng đợt phong danh hiệu nghệ sĩ các thứ hạng đã ít nhiều phá đi bức tranh buồn của sân khấu nước ta khi chưa tìm lại hào quang một thời. Nếu đi sâu vào các hoạt động này thì thấy. Bên cạnh những đợt mưa huân, huy chương, các danh hiệu được đánh giá chính xác và chưa chính xác là sự lên ngôi về nghề của số không nhiều các nghệ sĩ tài năng mà đa phần thuộc về các đạo diễn được xếp vào hàng trẻ và đã thành danh trong nghệ thuật. Đó là NSND Nguyễn Tiến Dũng với tấm HCV không đối thủ cùng danh hiệu Đạo diễn xuất sắc với vở diễn “Thân phận nàng Kiều” trong Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ IV, cũng trong Liên hoan này cần ghi nhận tên tuổi của NSƯT Trần Lực, của đạo diễn trẻ Milê… Trong Liên hoan Chèo toàn quốc là NSND Hoàng Quỳnh Mai khi chị mạnh dạn chuyển dịch tài năng của mình từ cải lương sang chèo. Đạo diễn Lê Tuấn Cường thuần chèo đã gặt hái 2 HCV, một HCB, và danh hiệu Đạo diễn xuất sắc trong trong tổng số 26 vở diễn của Liên hoan Chèo. Bên cạnh những thành tựu nghệ thuật cần ghi nhận ở chỗ này, chỗ khác trong các Liên hoan cũng nổi lên những xì xèo không đáng có trong giới kịch VN về những hiện tượng bản quyền tác giả, về đánh giá của ban giám khảo ở một vài tiết mục của không chỉ một hội diễn vô tình trở thành những chứng minh cho mệnh đề lưu truyền trong nghề “Hội đồng Giám kháo nào giải thưởng ấy”.

Mộ tình trạng đáng nói nữa là làng kịch VN trong năm 2019 vừa qua mặc dù các Liên hoan sân khấu ít nhiều kéo được khán giả đến rạp, và làm sôi động trong một quãng thời gian nào đó thì tình hình chung của sân khấu nước ta vẫn trầm lắng, còn quá ít vở diển nào thực sự đủ sức lôi kéo được người xem. Trong khi trên màn ảnh nhỏ, đã có những bộ phim đi thẳng vào đề tài chống tham nhũng – cuộc đấu tranh mà cả nước ta đang hưởng ứng nhiệt liệt dưới ngọn cờ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động. Các đơn vị kịch vẫn e ngại trước các kịch bản có đề tài nóng bỏng phản ánh những vấn đề trung tâm của cuộc sống - những đề tài thường được tế nhị gọi là “nhậy cảm”- mà đông đảo nhân dân quan tâm. Phải chăng đây vẫn là nguyên nhân chính từ hơn thập niên qua khiến sân khấu nước ta trong năm 2019 vẫn kéo dài tình trạng chưa khởi sắc, khán giả còn quay lưng với sân khấu.

Trong bức tranh chưa mấy lạc quan về sân khấu nước ta năm 2019 này lại nổi lên hiện tượng mà các ngành, các cấp liên quan đến sân khấu cần nghiên cứu để khả dĩ có thể nhân lên, giúp sân khấu trở lại thời thịnh vượng. Hiện tượng này thuộc về sân khấu tư nhân Lệ Ngọc. Cũng với sân khấu Team Trần Lực, Sân khấu Lệ Ngọc đây là một trong hai đơn vị sân khấu tư nhân ở phía Bắc và đều của Hà Nội.

Nói đến sân khấu tư nhân phải kể đến TP HCM và đôi ba tỉnh phía Nam. Hơn 10 năm trước sân khấu tư nhân ở các địa phương đó và nhất là TP HCM hoạt động khá hiệu quả, nhưng vài ba năm trở lại đây đi vào thoái trào với những tiếng thở dài về lỗ, thu không đù chi dù đã tìm đủ ngón mong hấp dẫn khán giả từ kịch ma, kịch đồng tính…Sự tạo lạ này cũng nhanh chóng trở nên nhàm chán trước khán giả bởi kịch là thể loại nghệ thuật chỉ hấp dẫn khi cho người xem những gì họ cần xem và nói hộ họ những gì họ cần nói.

Trong khi kịch tư nhân ở trung tâm kịch tư nhân là TP HCM chết dần chết mòn thì sân khấu Lệ Ngọc trong năm 2019 tạo ra hàng loạt kỉ lục mà bất kì đơn vị sân khấu nào cũng thèm muốn. Năm 2019, Sân khấu Lệ Ngọc dựng liền ba kịch bản, tham gia hai Liên hoan sân khấu quốc tế. Hai kịch mục đi dự Liên hoan sân khấu quốc tế Trung Quốc - ASEAN đều được giải cao; giải Hoa dâm bụt - tương đường giải vàng của sân khấu Việt Nam - một giải cho kịch bản hay. Riêng vở Tấm Cám của Sân khấu Lệ Ngọc trở thành hiện tượng của mùa hè 2019 khi liên tiếp đỏ đèn trong gần 100 suất diễn đông nghẹt khán giả chỉ hơn một tháng. Đặc biệt không chỉ chiếm lĩnh khán giả trong nước mà năm 2019 cũng là năm Sân khấu Lệ Ngọc trở thành đơn vị sân khấu duy nhất của nước ta liên tiếp được thực hiện các hợp đồng mời diễn ở nước ngoài từ các nước ASEAN, đến châu Á và châu Âu. Điều gì làm nên thành công của sân khấu Lệ Ngọc ? Câu hỏi này xin dành cho các nhà quản lý.

Năm 2019 cũng là năm cuối của nhiệm kì 5 năm ( 2015-2019) của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN trước khi bước vào Đại hội mở đầu cho nhiệm kì năm năm mới. Để chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kì mới giai đoạn nửa năm cuối 2019 các Chi hội sân khấu trực thuộc HNSSKVN đã lần lượt mở ra những đại hội của mình.Về cơ bản các đại hội này đều thành công, tuy vậy ở chỗ này chỗ khác còn có đôi ba hiện tượng cần được mổ sẻ và xử lý kịp thời như việc tư cách đại biểu, vấn đề rạch ròi về kinh tế...

Một trong những hoạt động bên lề của năm cuối nhiệm kì là sự tổ chức các cuộc hội thảo nghiệp vụ, nghệ thuật... Nhìn chung các hội thảo này kể cả hội thảo về cố nhà viết kịch Xuân Trình được coi là thành công nhất cũng đều chưa thoát được lối mòn là liên tiếp các vị được mời viết tham luận lên đọc các tham luận được viết sẵn mà chưa có sự tranh luận tức thời, trực tiếp trong khán phòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    2019: Niên lãm làng Kịch Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO