29 năm sau cuộc chính biến tháng Tám tại Moskva: Những ký ức còn nguyên

Hoàng Tú - Trần Long 28/08/2019 15:25

Ở thời điểm cuối năm 2018 đầu năm 2019, Cơ quan Nghiên cứu Dư luận Xã hội LB Nga cho biết: hiện nay có tới 62% số công dân LB Nga muốn “quay về với Liên bang Xôviết”. Có lẽ cũng chính vì thế nên ở dịp kỷ niệm 29 năm ngày diễn ra “cuộc chính biến tháng Tám” năm 1991, nhiều phương tiện truyền thông ở Nga đã đưa tin bài soi rọi các góc độ khác nhau về sự kiện chính trị hết sức trọng đại này.

29 năm sau cuộc chính biến tháng Tám tại Moskva: Những ký ức còn nguyên

Boris Yeltsin trước tòa nhà Quốc hội ở Moscow ngày 19/8/1991. (Ảnh: DIane LU-HOVASSE).

Con đường chiến bại

Tới đầu những năm 1990, theo lời nguyên soái Dmitri Yazov nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, ở nhiều người Xôviết lúc đó đã xuất hiện những tình cảm tiêu cực: “Tôi cho rằng sở dĩ như thế là bởi vì mức sống của nhân dân tụt xuống, nền kinh tế đổ vỡ, các cuộc đụng độ sắc tộc ngày càng nghiêm trọng hơn, xung đột giữa các nước cộng hòa xuất hiện.... Dần dà trở nên rõ ràng hơn ý nghĩ cho rằng, Gorbachev trong vai trò nhà hoạt động quốc gia tích cực đã dần dà kiệt lực, ở đâu đấy, ông ta hoặc rất mệt mỏi, hoặc đã đánh mất các tiêu chí... Chính sách kinh tế của ông ta thể hiện ở việc ông ta cầu xin tín dụng, vay nợ và làm rất ít cho nền kinh tế... Bộ máy kinh tế của chúng ta bị hư hỏng hoàn toàn. Đất nước đang đứng sát bờ vực tan vỡ”... Trong cơn rối lẫn trí tuệ của mình, Gorbachev có lúc đã dự định “duy trì Liên Xô trong đường biên giới đã tồn tại khi đó nhưng dưới một cái tên mới phản ánh đúng bản chất những cuộc cải cách dân chủ đang diễn ra” (trích theo bài phát biểu tại trường đại học tổng hợp Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ). Ông ta muốn giữ nguyên tên viết tắt của quốc gia CCCP bằng tiếng Nga (tức là Liên bang Các nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xôviết) nhưng với nội dung khác là “Liên bang Các nước Cộng hòa Tự do Có Chủ quyền”. Thế nhưng, mọi sự không theo ý muốn của nhà chính trị đang xuống thế này. Cuộc họp mùa hè năm 1991 tại Novo-Ogarevo giữa Tổng thống Gorbachev với các thủ lĩnh các nước cộng hòa đã không mang lại điều gì tích cực theo hướng củng cố cơ chế Liên bang. Boris Yeltsin, sau khi nắm được chính quyền ở Cộng hòa Liên bang Nga (CHLB), chủ thể có giá nhất trong thành phần CCCP, đã khôn khéo từng bước một phối hợp với một số vị Tổng thống ở các nước cộng hòa thành viên CCCP khác, dồn ép Gorbachev lùi dần từng bước nhằm làm suy yếu và xóa sổ CCCP.

Theo chứng nhận của Vladimir Kruytskov, nguyên Chủ tịch UB An ninh quốc gia (KGB), chính Yeltsin đã thuyết phục được Gorbachev cho bí mật biên soạn dự thảo Hiệp ước liên bang mới, không cho Xôviết tối cao Liên Xô hay Đại hội các đại biểu nhân dân hay biết, hoàn thành vào cuối tháng 7/1991. Theo dự thảo này, mức thuế và số lượng thuế nộp cho ngân sách liên bang chỉ do chính quyền các địa phương quy định và trong tất cả các cơ cấu sức mạnh thì sẽ chỉ có KGB mang quy mô liên bang, còn các lực lượng vũ trang, Bộ Nội vụ cũng như một số chức năng thuộc về lĩnh vực đối ngoại khác sẽ nằm trong tay chính quyền các nước cộng hòa... Điều này có nghĩa là chính quyền liên bang sẽ không còn công cụ hữu hiệu nào để tiến hành quản lý quốc gia.

Theo thỏa thuận giữa Gorbachev với Yeltsin, Hiệp ước Liên bang phải được ký vào ngày 20/8/1991. Tình thế này khiến cho nguyên soái Yazov cũng như nhiều đảng viên cộng sản Liên Xô đang ở những vị trí cao trong bộ máy liên bang “bỗng hiểu ra rằng, bằng cách đó, sự tan vỡ của Liên bang đã tiến tới sát chỗ chúng ta. Tất cả đều nói ủng hộ Liên bang Cộng hòa XHCN Xôviết, vậy mà lại đưa ra dự thảo Hiệp ước Liên bang trong đó có nói tới các quốc gia có chủ quyền. Chúng tôi đã tin chắc rằng, đây không đơn giản là các sai lầm đang diễn ra có định hướng rõ ràng nhằm đạt mục đích không có một Liên bang nào cả, mà chỉ có một liên minh các nước cộng hòa có các vị Tổng thống riêng”.

Cách tiến hành công cuộc cải tổ của Gorbachev đã dần dà làm “quá mù ra mưa”, xa rời định hướng ban đầu và CCCP đã tan vỡ. Gorbachev đổ lỗi cho “tính thèm khát quyền lực của Boris Yeltsin” đã gây nên thảm họa này. Tuy nhiên, trách nhiệm cá nhân của Gorbachev cũng vẫn là điều không thể chối bỏ.

Cho tới hôm nay, mọi người đều biết rằng Gorbachev không chỉ chịu sức ép từ phía Yeltsin mà trong sâu thẳm tâm can của mình, cho tới tháng 8/1991 ông ta đã có nhiều hành động phản bội lại lợi ích quốc gia và lợi ích của Đảng Cộng sản mà ông ta là người lãnh đạo cao nhất. Theo chứng nhận của cựu Chủ tịch KGB Kruytskov, khi đã yên vị ở cương vị nguyên thủ quốc gia rồi, Gorbachev đã không chuyển lại cho Bộ Chính trị xem các biên bản ghi chép nội dung các cuộc trò chuyện của mình trong các chuyến thăm nước ngoài nữa. Thông thường, theo truyền thống, việc làm này là thể lệ bắt buộc vì nguyên thủ quốc gia không thể có chuyện riêng tư trong các chuyến công tác xuất ngoại... Khi KGB thông qua con đường nghiệp vụ thu thập được những biên bản đó, họ đã phải kinh ngạc trước lời lẽ và những thỏa thuận của Gorbachev với các nhà lãnh đạo Mỹ và các nước phương Tây. Chính ngay từ cuối những năm 1980, Gorbachev đã nói tới việc thay đổi thể chế chính trị ở Liên Xô và đồng ý thực hiện không ít việc trái ngược với lợi ích đất nước. Theo chứng nhận của ông Kruytskov, chính Gorbachev đã “bán đứng” CHDC Đức. Trong cuộc gặp với Thủ tướng CHLB Đức lúc đó là Helmut Kohl tại Bắc Cápcadơ năm 1990, Gorbachev đã nói thẳng rằng CHDC Đức có thể trở thành một bộ phận của Tây Đức và để đạt mục tiêu này là một việc quá dễ dàng. Ông Kohl đã không tin vào tai mình nữa và yêu cầu người phiên dịch nhắc lại câu nói này của Gorbachev...

Trước nguy cơ Liên bang Xôviết sẽ mặc nhiên không còn tồn tại nữa nếu Hiệp định Liên bang mới được ký kết đúng vào ngày 20/8/1991, ông Kruytskov, lúc đó là Chủ tịch KGB, đã nhận về mình chức năng tập hợp lực lượng để tìm cách giải nguy. Chiều tối thứ bẩy 18/8/1991, ở cuối buổi làm việc, ông Kriutskov đã gọi điện cho một số người thân cận, mời tới một căn cứ quân sự tại Moskva bàn đại sự. Cuộc họp kín quyết định cử một phái đoàn gồm: Bí thư trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Oleg Shenin, Phó chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Quốc phòng Liên bang Oleg Baklanov, Trưởng ban Tổng hợp trung ương Valeri Boldin và Cục trưởng Cục 9 KGB Yuri Plekhanov tới nơi nghỉ mát của Tổng thống ở Foros để gặp Gorbachev. Họ đã thuyết phục Gorbachev đứng về phía họ và hủy bỏ việc ký Hiệp định Liên bang mới, nhưng không thành công. 21h tối 18/8/1991, phái đoàn “thuyết khách” từ Foros về tới Moskva với dáng điệu khá ủ rũ. Lúc này, những nhân vật chủ lực của cuộc chính biến sắp diễn ra đang ngồi trong điện Kremli, tại phòng làm việc của Thủ tướng Pavlov.

Đúng 6h5 ngày 19/8/1991, tại Moskva đã công bố sắc lệnh bất thường của Phó Tổng thống Liên Xô Guennadi Yanayev về việc Tổng thống Gorbachev do tình trạng sức khoẻ suy yếu nên không thể đảm đương được chức trách của mình và bắt đầu từ ngày 19/8/1991, ông Yanayev sẽ chính thức giữ chức quyền Tổng thống Liên Xô trên cơ sở điều 127 mục 7 Hiến pháp Liên Xô.

6h15, ban lãnh đạo mới của Liên Xô tuyên bố lệnh áp dụng tình trạng khẩn cấp ở một số khu vực trong thời hạn 6 tháng. Một UB nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKTsP) đã được thành lập bao gồm Phó chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Quốc phòng Oleg Baklanov, Chủ tịch UB An ninh Quốc gia (KGB) Vladimir Kruytskov, Thủ tướng Valentin Pavlov, Bộ trưởng Nội vụ Boris Pugo, Chủ tịch Liên minh Nông dân Vasili Starodubsev, Chủ tịch Hiệp hội các Xí nghiệp Nhà nước và các Công trình Công nghiệp, Xây dựng, Giao thông và Liên lạc Aleksandr Tizyakov và quyền Tổng thống Guennadi Yanayev. Chữ ký dưới bản tuyên bố này thuộc về ba người: Yanayev, Pavlov và Baklanov. 9 phút sau (6 giờ 34 phút), GKTsP đã cho ra lời kêu gọi quốc dân đồng bào và nhận trách nhiệm về số phận Tổ quốc. 9 giờ sáng, giờ người Nga thường đi làm, các đoàn xe bọc thép tiến vào Moskva, trấn giữ các cơ sở quan trọng, các quảng trường và đường giao thông chính nhằm ngăn chặn trước không cho bạo lực xẩy ra. 11h6, GKTsP công bố quyết định đầu tiên về việc bình thường hóa nền kinh tế, kiểm soát chặt chẽ báo chí và cấm mít tinh, biểu tình.

Ban lãnh đạo nước CHLB Nga do Yeltsin đứng đầu lập tức có phản ứng chống lại GKTsP. 11h46, Tổng thống CHLB Nga ra tuyên bố rằng GKTsP là “không hợp hiến” và kêu gọi bãi công vô thời hạn. 13h chiều 19/8, những người ủng hộ Yeltsin tụ họp quanh nhà Quốc hội Nga bắt đầu dựng chướng ngại vật.

Thực ra, theo lời ông Kruyskov, số người xuống đường trong hai ngày 19 và 20/8/1991 ủng hộ Yeltsin không đông, cùng lắm chỉ vào khoảng 160 nghìn người ở khắp cả nước. Nếu GKTsP cũng ra lời kêu gọi lực lượng ủng hộ mình xuống đường như thế, hẳn con số tham gia có thể lên tới hàng triệu. Đáng tiếc là những người lãnh đạo GKTsP lúc đó lại chỉ trông mong vào các công cụ quyền lực chính thức đang nằm trong tay mình. Tới 17h6, Chủ tịch Xôviết tối cao Liên bang Anatoli Lukyanov ra tuyên bố triệu tập kỳ họp bất thường Xôviết Tối cao Liên Xô vào ngày 26/8/1991 để chuẩn y quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở một số vùng. Đây là hành động biểu lộ sự ủng hộ của cơ quan lập pháp liên bang đối với GKTsP. 23 phút sau đó, quyền Tổng thống Yanayev ra sắc lệnh thiết lập tình trạng khẩn cấp tại Moskva. 6 phút sau đó, GKTsP ra tuyên bố chỉ cho phép các ấn phẩm sau phát hành: Lao động, Diễn đàn công nhân, Tin tức, Sự thật, Sao Đỏ, Nước Nga Xôviết, Ngọn cờ Lênin và Sinh hoạt nông thôn. Tới 21h15 ngày 19/8, GKTsP ra thông báo cho biết “tình hình đất nước yên tĩnh” và cảnh báo ban lãnh đạo Nga về quan điểm và hành động của họ.

Tuy nhiên, sang tới ngày sau, có vẻ như GKTsP núng thế. Họ không có một vị thủ lĩnh bạo tay như phía CHLB Nga, cũng không thuyết phục được các Tổng thống ở các nước cộng hòa khác trong Liên bang hành sự theo mình. Các thủ lĩnh ở các nước cộng hòa như Kazakhstan, Gruzia, Ukraina... có vẻ như muốn đứng ngoài những xung đột ở Moskva để xem “ai thắng ai” và kêu gọi nhân dân mình bình tĩnh, tình trạng khẩn cấp không có hiệu lực ở vùng lãnh địa do họ đang quản lý. Tới 9 giờ sáng ngày 20/8/1991, đã có tin về việc số lượng các mỏ than bãi công tăng lên và gần 50 nghìn người tới tụ tập tại cạnh nhà Quốc hội Nga để biểu lộ sự ủng hộ Yeltsin. 13h36 ngày 20/8, ban lãnh đạo Nga trao cho Chủ tịch Xôviết Tối cao Liên Xô Lukyanov bản kiến nghị đòi cho Yeltsin gặp trực tiếp Gorbachev trong vòng 24 giờ và đòi giải thể GKTsP. 19h3 phút, thị trưởng Leningrad Anatoly Sobchak thông báo rằng các cơ quan hợp hiến vẫn đang hoàn toàn kiểm soát tình hình trong thành phố và quân đội sẽ không vào “kinh đô phương Bắc”.

29 năm sau cuộc chính biến tháng Tám tại Moskva: Những ký ức còn nguyên - 1

Boris Pugo.

Tình hình trở nên đặc biệt bất lợi cho GKTsP khi tới 19h48 phút, Chủ tịch Xôviết Tối cao Liên Xô Lukyanov tỏ ra núng thế và ngỏ ý đồng tình với đòi hỏi của ban lãnh đạo Nga về việc rút các đơn vị quân đội ra khỏi Moskva. Mặc dầu vậy, tới 21h31 phút, lệnh giới nghiêm đã được ban hành ở Moskva. Trong đêm đó đã xảy ra đụng độ dẫn tới thương vong giữa những người ủng hộ Yeltsin và lực lượng an ninh. Tới 10 giờ 36 phút ngày 21/8, Bộ Nội vụ cho biết rằng trong đêm vừa qua đã có tới 32 nghìn người mít tinh biểu tình. 11h39 phút ngày 21/8, kỳ họp bất thường của Xôviết Tối cao Nga đã khai mạc tại Moskva. 12h9 phút, theo sự uỷ nhiệm của Ban Bí thư BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô, Phó tổng Bí thư Vladimir Ivashko yêu cầu quyền Tổng thống Yanayev cho gặp Tổng bí thư Gorbachev.

Cảm thấy mình đang ở trên thế đi lên, Yeltsin cùng các cộng sự tỏ ra bạo liệt hơn trong những cố gắng thu hút lực lượng vũ trang. 13h21 phút, phát biểu trong kỳ họp bất thường Quốc hội CHLB Nga, Yeltsin tuyên bố đích thân ông ta sẽ nhận quyền lãnh đạo các lực lượng vũ trang đóng trên lãnh thổ Nga. Bằng những thủ đoạn chính trị khác nhau, Yeltsin cũng tìm được cách phân hoá đội ngũ GKTsP. Không ngẫu nhiên mà tới 19h8 phút ngày 21/8, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Aleksandr Besmernưkh tổ chức họp báo và tuyên bố rằng hành động “cướp chính quyền” của GKTsP là không hợp hiến. Trước đó, Besmernưkh có tới dự cuộc họp trù bị cho chính biến nhưng xin đừng ghi tên mình vào GKTsP vì “nếu các đồng chí lôi tên tôi lên đó thì khai tử mọi công việc ngoại giao”.

Tới 19 giờ 35 phút, Đoàn Chủ tịch Xôviết Tối cao Liên Xô họp ra thông cáo “coi việc gạt bỏ trên thực tế tổng thống Gorbachev khỏi việc thực hiện các trách nhiệm được Hiến pháp quy định và trao quyền cho Phó tổng thống là không hợp pháp”. 19 giờ 51 phút, Uỷ ban trực thuộc Tổng thống Liên Xô nhận về mình quyền lãnh đạo các cơ quan bảo vệ luật pháp, có nhiệm vụ phối hợp với quân đội bảo đảm an ninh cho Tổng thống Gorbachev trở về điện Kremli.

20h17 phút, Viện Công tố Liên Xô bắt đầu khởi tố điều tra về các hành động của các thành viên GKTsP. 21h42 phút, Tổng thống Gorbachev tuyên bố rằng ông đã hoàn toàn làm chủ tình hình. “Chính biến” tháng 8/1991 được coi như kết thúc. Không lâu sau đó, các thành viên GKTsP đã bị giam tại trại giam “Bầu im lặng Thuỷ quân” ở Moskva.

29 năm sau cuộc chính biến tháng Tám tại Moskva: Những ký ức còn nguyên - 2

Dmitry Yazov.

Số phận khác nhau

Một trong những người tổ chức “cuộc chính biến Tháng Tám” là Bộ trưởng Nội vụ CCCP Boris Pugo. Ông vốn là dòng dõi của thế hệ những người Latvia tham gia cách mạng Tháng Mười 1017, nói tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ và rất nhiệt thành ủng hộ việc ban bố tình trạng khẩn cấp tháng 8/1991. Sau khi mọi sự không thành, ông Pugo bị khởi tố với tội danh tham gia một âm mưu vi hiến. Ngày 22/8/1991, nhóm quan chức được cử tới để bắt giam ông có Chủ tịch KGB CHLB Nga Victor Ivanenko, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ CHLB Nga Victor Erin, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát CHLB Nga Yevgueni Lisov. Nhóm này cũng mời theo để làm chứng cựu Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng CHLB Nga Grigori Yavlinsy. Tuy nhiên, họ đã không gặp được Pugo còn sống. Ông đã cùng vợ tự sát trước khi họ tới... Trong những dòng lưu bút, ông Pugo đã viết: “Tôi đã phạm một sai lầm tuyệt đối bất ngờ đối với chính mình, tương đương với một tội lỗi. Phải, đó là sai lầm chứ không phải là quan điểm. Giờ tôi mới hiểu ra rằng tôi đã bị lầm lẫn về những người mà tôi đã từng rất tin tưởng. Thật khủng khiếp nếu làn sóng phi lý trí này bục phát vào số phận những người trung thực nhưng bị rơi vào một hoàn cảnh tất khó khăn”...

Phần lớn các thành viên của GKTsP đều sinh ra từ những năm 1920-1930, chính vì thế nên không có gì lạ nếu họ không còn nữa ở thời điểm đã 29 năm trôi qua sau sự kiện bi thảm này. Lần lượt qua đời một cách tự nhiên là các ông Phó tổng thống Liên Xô Yanayev, Chủ tịch KGB Liên Xô Kruytskov, Thủ tướng Pavlov, Chủ tịch Liên minh Nông dân Liên Xô Starodubtsev và Chủ tịch Hiệp hội các Xí nghiệp Nhà nước và các Công trình Công nghiệp, Xây dựng, Giao thông và Liên lạc Tizyakov. Ông Tizyalov mới qua đời hồi đầu năm nay (2019). Tại thành phố Yekaterinburg quê ông, dư luận xã hội đang kêu gọi đặt tên họ ông cho một đường phố ở đây. Chủ tịch Hội Cựu Sĩ quan Xôviết của thành phố Yekaterinburg, Vyacheslav Enbayev, nói: “Khi ông còn ở trong chính quyền, còn có chức vụ, ông đã luôn luôn giúp đỡ mọi người. Ông đã hỗ trợ cho cuộc sống của rất – rất nhiều người, luôn đối với xử với mọi người bằng một tinh thần nhân văn. Tất nhiên, ông đã không chấp nhận chủ nghĩa tư bản. Và đối với ông, con người đã luôn được đặt lên vị trí hàng đầu. Và mọi người đã tới nhờ cậy ông ở trong rất nhiều việc: nhờ xin việc, nhờ giới thiệu giúp hoặc nếu có vấn đề gì đó về sức khỏe. Ông đã có vô cùng nhiều các mối quan hệ. Rất nhiều người biết ơn ông”...

Phần lớn các nhân vật trên đều đã khá thọ, mặc dù họ từng bị tống giam vào nhà tù “Bầu im lặng Thủy quân” Moskva, nơi có điều kiện giam giữ rất khắc nghiệt...

Người có danh vị cao thứ hai trong GKTsP là nguyên soái Liên Xô Yazov. Thật kỳ diệu là cho tới hôm nay ông vẫn trong tình trạng sức khỏe tốt dù từng phải ở tù khi tuổi đã khá cao. Ông từng nhớ lại: “498 ngày đêm đèn sáng suốt ngày, đêm tới thì cháy lên đèn đỏ. Tôi định dùng tờ báo che bớt ánh sáng, thì một viên thiếu tá tới gỡ đi: Không được thế!”. Trước khi được ân xá, ông Yazov đã bị loại ngũ và được tặng một khẩu súng ngắn có khắc tên. Sau khi được trả lại tự do, nguyên soái Yazov đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động liên quan tới lực lượng cựu chiến binh. Năm 2008, sau khi tái thành lập cơ quan Tổng thanh tra của Bộ Quốc phòng LB Nga, ông Yazov đã được cử làm một Tổng thanh tra. Trước đó ông đã từng làm cố vấn quân sự của Tổng cục Hợp tác Quân sự Quốc tế Bộ Quốc phòng LB Nga, rồi làm tư vấn chính của Giám đốc Học viện Bộ Tổng Tham mưu. Tháng 11/2014, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh, nguyên soái Yazov đã được Tổng thống LB Nga Vladimir Putin chúc mừng, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valeri Garesimov. Theo đánh giá của báo chí Nga, mọi việc của vị nguyên soái lừng danh này tới nay vẫn rất ổn thỏa...

29 năm sau cuộc chính biến tháng Tám tại Moskva: Những ký ức còn nguyên - 3

Valentin Varennikov.

Số phận của thành viên GKTsP Valentin Varennikov, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Tư lệnh lực quân Liên Xô, cũng rất thú vị. Đại tướng Varennikov đã bị kết tội âm mưu cướp chính quyền. Khác với các thành viên khác của GKTsP, ông không bị đưa vào trong “Bầu im lặng Thủy quân” mà chỉ bị giam tại gia. Tuy nhiên, chính ông lại là người công khai từ chối lệnh ân xá và tuyên bố sẽ đấu tranh để bác bỏ mọi lời buộc tội đối với mình tại tòa án. Và ông đã đạt được mục tiêu này: năm 1994, tòa án đã xử trắng tội cho ông. Sau đó, ông Varennikov đã ra ứng cử và đắc cử vào Duma Quốc gia Nga, thậm chí ông còn được bầu làm Chủ tịch Ủy ban về các Cựu Chiến binh Nga tại Duma Quốc gia. Năm 2003, ông Varennikov lại được bầu vào Duma Quốc gia và đã được vinh dự khai mạc phiên họp đầu tiên với tư cách đại biểu cao niên nhất. Năm 2009, đại tướng Varennikov qua đời tại quân y viện mang tên Burdenko, khi đang tĩnh dưỡng sau một ca phẫu thuật hết sức phức tạp. Vị tổng thống Nga ở thời điểm đó Dmitri Medvedev (nay đang là thủ tướng Nga), đã nêu cảm tưởng hết sức tốt đẹp của mình trước sự ra đi của đại tướng... Năm 2018 tại khu vực đóng quân của lữ đoàn bộ binh cơ giới vùng Bắc cực thuộc Hạm đội Biển Bắc ở làng Alakrutti thuộc tỉnh Murmansk đã dựng tượng tưởng niệm đại tướng Varennikov.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    29 năm sau cuộc chính biến tháng Tám tại Moskva: Những ký ức còn nguyên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO