'3 cùng' để cùng nhau thắng lợi

Trung Kiên - Đ.Tháp 30/03/2022 00:14

Qua chuyến khảo sát các mô hình Hợp tác xã (HTX), Hội quán của tỉnh Đồng Tháp ngày 29/3, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, tinh thần “3 cùng”: “cùng nhau xây dựng, cùng nhau quản trị, cùng nhau thụ hưởng” phải được nhân lên để hướng đến mục đích cuối cùng là “cùng nhau thắng lợi”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình sản xuất của HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2. Ảnh: VOV.

Tổ chức sản xuất gắn với nâng cao thu nhập

Sau khi thăm và trao đổi trực tiếp các hội viên ở Hội quán và HTX trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc nâng cao thu nhập cho người nông dân là một thành quả rất lớn, gắn với lợi ích thiết thực. Chính từ việc nâng cao thu nhập đã khuyến khích người nông dân tích cực tham gia Hội quán, bởi nếu cứ sản xuất riêng lẻ thì không thể chống chọi với nền kinh tế thị trường có quy mô lớn, mang tính chất toàn cầu.

Chủ tịch nước gợi ý, với vẻ đẹp và sự đa dạng của làng hoa trăm năm tuổi, Sa Đéc có thể tổ chức lễ hội hoa để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, người trồng hoa cần liên kết, hợp tác sản xuất quy mô lớn và theo hướng hữu cơ, nghiên cứu đa dạng các sản phẩm từ hoa... Chủ tịch nước mong muốn, tinh thần “3 cùng: cùng nhau xây dựng, cùng nhau quản trị, cùng nhau thụ hưởng” phải được nhân lên để hướng đến mục đích cuối cùng là “cùng nhau thắng lợi”.

Báo cáo với đoàn công tác của Chủ tịch nước, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Hội quán là mô hình mới, tập hợp nông dân lại để thực hiện đúng định hướng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo tư duy mới, cùng nhau phát triển kinh tế tập thể, định hướng người dân thành nông dân chuyên nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái theo chiều sâu. Từ đó, một số hội quán phát triển đi lên hợp tác xã, tạo ra giá trị trong nông nghiệp rõ nét.

Đoàn công tác của Chủ tịch nước cũng đã đến thăm và làm việc tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, Thuận Tâm Hội quán thuộc xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười. HTX Mỹ Đông 2 thành lập từ năm 2013, hàng năm thực hiện liên kết đầu vào, đầu ra sản phẩm với nhiều công ty, doanh nghiệp với diện tích gần 2.000ha. Được sự quan tâm của tỉnh, huyện, HTX thực hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Trong đó, có mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0.

Mô hình thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, mật độ gieo sạ, bón phân thông minh, quản lý dịch hại, đến chăm sóc, thu hoạch và gắn liên kết - tiêu thụ. Tham gia mô hình, thu nhập của nông dân cao hơn từ 5 - 8 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.

Chủ tịch nước biểu dương những kết quả của HTX, nhất là áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tự động hóa trên cánh đồng; tổ chức tốt khâu liên kết đầu vào và đầu ra gắn với thị trường, đặc biệt là nâng cao thu nhập cho nông dân; HTX đã gắn hiệu quả sản xuất với hiệu quả xã hội theo hướng bền vững. Kết quả của HTX Mỹ Đông là kinh nghiệm để áp dụng rộng rãi cho các HTX nông nghiệp tại Việt Nam.

Nhiều mô hình phát huy hiệu quả

Mô hình Hội quán thành lập đầu tiên tại tỉnh Đồng Tháp, những năm qua đã phát triển cả chiều rộng, lẫn chiều sâu. Đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng 120 Hội quán, trong đó 80% là Hội quán về nông nghiệp.

Tại TP Sa Đéc, Hội quán cùng nhau làm du lịch ra đời vào năm 2019, hiện hội quán có 27 thành viên, đây là nơi sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin thị trường, xây dựng sản phẩm cây hoa kiểng, liên kết hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Theo ông Trần Thanh Hùng- Chủ nhiệm Hội quán, so với nghề trồng hoa truyền thống thì khi các hội viên tham gia vào Hội quán, lợi nhuận của các thành viên sẽ tăng ổn định gấp 4 đến 5 lần. Thời gian qua, mô hình này giúp bà con trồng hoa kiểng ở đây thay đổi tư duy, hướng đến xây dựng người nông dân chuyên nghiệp và cũng là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế hợp tác.

Từ nền tảng Hội quán sau khi hoạt động mang lại nhiều hiệu quả, số lượng hội viên tham gia ngày càng nhiều, Đồng Tháp đã thành lập một số HTX hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, làm ăn quy mô lớn hơn, thu nhập của hội viên cũng ổn định và đang phát huy hiệu quả rất rõ nét.

Điển hình là HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười được thành lập từ năm 2013 với 108 thành viên, hoạt động 3 dịch vụ chính là: Dịch vụ tưới tiêu, nạo vét kênh mương và liên kết tiêu thụ lúa, hàng năm HTX đều có lợi nhuận trên 300 triệu đồng.

Đây là HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh được chọn thực hiện thí điểm mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0” với diện tích 66,5 ha.

Qua thực hiện, mô hình giúp nông dân nắm bắt được những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các khâu quan trọng như: Giảm giống gieo sạ, giảm số lượng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước, quản lý nước ngập khô xen kẽ bằng hệ thống bơm tưới tự động, sử dụng phân thông minh duy nhất chỉ bón 1 lần cho cả quá trình sinh trưởng cây lúa, góp phần giảm phát khí thải nhà kính. Bên cạnh đó, giúp giảm chi phí sản xuất từ 150 - 250 đồng/kg, nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân hơn từ 5 - 8 triệu đồng/ha so với canh tác bình thường. Ngoài ra còn tạo được vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiến tới thực hiện cánh đồng lớn, góp phần xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    '3 cùng' để cùng nhau thắng lợi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO