3 trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2018

PV 03/12/2017 06:00

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ định hướng xây dựng dự thảo Nghị quyết 01 năm 2018 và trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2018.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ Ảnh: Quang Hiếu.

Đó là hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018 theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; chú trọng hơn nữa phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Theo Thủ tướng, trong 3 nội dung trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2018 thì quan trọng nhất là hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018 theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ hai, quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Thứ ba, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; chú trọng hơn nữa phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Thủ tướng yêu cầu mỗi Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ tự đánh giá xem năm 2017 đã làm được gì và năm 2018, công việc của bộ, ngành mình là gì để thực hiện những định hướng quan trọng mà Chính phủ đưa ra.

Về cách thức xây dựng Nghị quyết 01 của năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chung là phải ngắn gọn, rõ ý, có trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên; không đưa công việc thường xuyên thuộc chức năng của của bộ, ngành mình vào dự thảo Nghị quyết. Các bộ ngành tập trung rà soát toàn bộ các cơ chế chính sách, pháp luật liên quan, phân tích đánh giá rõ những điểm tồn tại, hạn chế, khó khăn thách thức để khắc phục ngay và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực ngay từ đầu năm có giải pháp trung, dài hạn với thời gian cụ thể và thứ tự ưu tiên hợp lý để triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội. Thủ tướng lưu ý tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. “Trì trệ là một vấn đề mà chúng ta cần phải lên án” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 15-12 để đưa ra thảo luận tại Hội nghị Chính phủ mở rộng với các địa phương. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại Hội nghị sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình Thủ tướng ký ban hành và triển khai ngay từ những ngày đầu năm 2018.

Lùi thời hạn thực hiện quy định ghi tên các thành viên hộ gia đình vào sổ đỏ
Tại cuộc họp báo phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, sẽ lùi thời gian thực hiện Thông tư 33, cụ thể là quy định tại Khoản 5 Điều 6 ghi tên tất cả thành viên gia đình vào trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo ông Trần Hồng Hà, thực tế có nhiều trường hợp quyền sử dụng đất của từng thành viên trong gia đình không được xác lập cụ thể, gây khó khăn rất lớn. Bộ TNMT đã xây dựng Thông tư 33 để quản lý tốt hơn, triển khai quy định thực hiện thi hành Luật Đất đai. Tuy nhiên, Thông tư này quy định thiếu rõ ràng nên dẫn tới hiểu khác nhau, hiểu không chính xác về khái niệm “hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất” trong Luật Đất đai và hộ gia đình sử dụng đất đồng nhất với hộ gia đình theo sổ hộ khẩu như cách gọi phổ biến trong xã hội.

Như vậy, Thông tư 33 sẽ được lùi thời hạn đến khi Bộ TNMT nghiên cứu kỹ, làm công tác truyền thông để người dân hiểu được quyền lợi, đảm bảo cơ sở pháp lý sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    3 trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2018

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO