4 năm không đóng cửa được mỏ vàng

Tấn Thành 07/12/2020 09:27

Tình trạng khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam diễn biến phức tạp, thế nhưng hơn 4 năm qua thủ tục đóng cửa mỏ vàng này vẫn không triển khai được, do đâu?

Tại Bồng Miêu, tình trạng vàng tặc đã rất nóng nhiều năm qua.

Vàng tặc lộng hành

Đã nhiều lần phóng viên Đại Đoàn kết đi vào mỏ vàng điều tra, phản ánh và có nhiều bài viết về tình trạng vàng tặc lộng hành ở đây. Nhất là sau khi Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (Công ty Vàng Bồng Miêu) chấm dứt hoạt động.

Thế nhưng hơn 4 năm qua, việc đóng cửa mỏ vẫn chưa triển khai khiến tình trạng khai thác vàng trái phép ở khu vực này như “nấm mọc sau mưa”, gây phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên quốc gia.

Mới đây, trong văn bản số 5278 ngày 19/9/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam gửi Bộ TN&MT cũng đã nhận định: “Từ khi giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Vàng Bồng Miêu hết hạn (tháng 3/2016) đến nay, tình hình ANTT tại mỏ vàng Bồng Miêu diễn biến hết sức phức tạp. UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh, UBND huyện Phú Ninh tổ chức nhiều đợt truy quét, chốt chặn, bảo vệ, nhưng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và mất ANTT vẫn còn diễn ra…”.

UBND tỉnh cũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép từ nhiều địa phương khác đến và một số người dân bản địa đã lợi dụng địa hình vùng rừng núi, diện tích mỏ vàng lớn với hệ thống đường lò phức tạp, nhiều cửa lò thông gió để tiến hành khai thác, tận thu khoáng sản trái phép, đặc biệt ở khu vực hầm lò Núi Kẽm, khu khai thác lộ thiên Hố Gần, khu vực đập thải 3A, 3B.

“Trong khi lực lượng quản lý địa bàn còn mỏng, kinh phí sử dụng cho việc quản lý, truy quét bảo vệ mỏ vàng tốn kém. Thủ tục đóng cửa mỏ kéo dài đã gây khó khăn cho địa phương trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, ANTT tại địa phương”, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định.

Ai đứng đằng sau?

Công ty Vàng Bồng Miêu được Bộ Công nghiệp nay là Bộ Công thương cấp giấy phép khai thác vàng gỗ tại mỏ vàng Bồng Miêu vào tháng 7/1992. Đến tháng 7/2017, Bộ TNMT đã phê duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu và giao cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì thực hiện nhiệm vụ này.

Như đã nói, sau khi Công ty Vàng Bồng Miêu dừng hoạt động, nơi đây vàng tặc đã lộng hành nhiều năm qua. Trước tình trạng này và theo Luật Khoáng sản, chính quyền địa phương nhận định là phải đóng cửa mỏ vàng. UBND tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ TNMT khẩn trương hoàn tất các thủ tục để đóng cửa mỏ.

Tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Quảng Nam, ngày 29/11/2019 cũng đã thông qua Nghị quyết về việc bố trí ngân sách để thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu với nhiều hạng mục như xử lý môi trường các hồ nước, trồng cây phủ xanh, trồng cỏ chống trôi lấp, xây dựng tường rào, biển báo. Xây tường bịt kín các cửa ra vào hầm lò chính bằng bê tông cốt thép có chiều dày 1m. Tại 15 cửa lò phụ xây gạch bít lối ra vào, sử dụng mìn đánh sập các cửa đường lò khai thác trái phép... với tổng kinh phí lên đến 19,081 tỉ đồng.

Thế nhưng chẳng hiểu vì sao mỏ vàng Bồng Miêu hơn 4 năm qua không đóng được. Còn vàng tặc thì tiếp tục lộng hành.

Mỗi ngày trôi qua tài nguyên khoáng sản lại bị khai thác trái phép, nhiều cuộc đẩy đuổi rồi đâu cũng vào đó. Vì sao vàng tặc cứ ngang nhiên tồn tại, lộng hành? Tình hình an ninh trật tự tại mỏ vàng nhiều lúc phức tạp.

Dư luận đặt câu hỏi, ai đứng đằng sau những phi vụ khai thác vàng trái phép này? Hậu quả của việc buông lỏng quản lý khoáng sản và vấn nạn ô nhiễm môi trường ai sẽ chịu trách nhiệm?

Vì sự vào cuộc không quyết liệt, hay vì những vấn đề gì mà mỏ vàng Bồng Miêu nếu theo Luật Khoáng sản đã phải đóng cửa mỏ từ lâu mà vẫn không đóng được?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    4 năm không đóng cửa được mỏ vàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO