4 trường hợp kiểm soát đặc biệt

M. Loan-H.Vũ 21/11/2017 07:35

Chiều ngày 20/11, với 88,8% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo đó, Luật quy định TCTD được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong các trường hợp: mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất; 2 năm liên tục bị xếp hạng yếu kém theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật này trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời hạn 6 tháng liên tục.

Luật này cũng quy định, khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán, TCTD phải kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng, các biện pháp dự kiến áp dụng để khắc phục và các đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Đo đạc và bản đồ. ĐB Nguyễn Trọng Bình (đoàn Hải Phòng) cho rằng, các loại sơ đồ, bản đồ phục vụ cho hoạt động bay, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải thống nhất với Bộ Quốc phòng vì toàn bộ vấn đề hoạt động bay đều do Bộ Quốc phòng quản lý. Xác định như vậy sẽ đảm bảo tính chặt chẽ, đảm bảo an ninh quốc phòng. Ông Bình cũng cho rằng, hiện đang có lặp bản đồ giữa Bộ Tài nguyên và môi trường với bản đồ của Bộ Quốc phòng.

Dữ liệu đầu vào thống nhất nhưng chỉ khác nhau ký hiệu đầu vào. Cho nên cần có sự phối hợp để chia sẻ dữ liệu phục vụ vấn đề quân sự và đa ngành. “1 năm để phục vụ cho công tác huấn luyện, và các bộ ngành, Bộ Quốc phòng xuất bản hơn 2 triệu bản đồ các loại, có cơ quan chuyên trách về đo đạc ở các khu vực quân sự để tránh lộ lọt thông tin về địa lý. Cho nên giao cho Bộ Quốc phòng quản lý các loại bản đồ nhỏ và trung bình là phù hợp. Chưa kể hải đồ có phạm vi bao trùm toàn bộ vùng biển, đảo, thềm lục địa và chỉ có Bộ Quốc phòng mới đo đạc được”- ông Bình cho hay.

Theo ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre), luật cho phép tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài đo đạc bản đồ. Khai thác sản phẩm bản đồ, công nhận bản đồ số trên mạng internet. Do vậy bà Thủy đề nghị luật cần quy định, tổ chức cá nhân kinh doanh bản đồ số trên mạng internet phải đặt máy chủ ở Việt Nam. Còn ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, hiện luật còn nhiều điều giao cho Chính phủ quy định do đó cần luật hóa ngay trong luật, tránh việc giao cho nhiều bộ ngành quy định chi tiết.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, sáng 20/11 về vấn đề phòng, chống tham nhũng, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò- phó tư lệnh Quân khu 2 cho rằng, kê khai tài sản là một việc nhưng vấn đề là kê khai xong thì cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm thẩm định, xác minh. Bản kê khai tài sản của cán bộ phải được xác minh ở địa phương mà cán bộ đó cư trú hay cơ quan mà cán bộ đó làm việc xem đã đúng hay chưa đúng thì mới có ý nghĩa. Về thực tế thu hồi tài sản tham nhũng thấp, ông Sùng Thìn Cò cho rằng, chủ yếu là do ta chưa cương quyết. Đã tham nhũng thì rõ ràng phải có tài sản chứ không lẽ của cải có cánh mà bay? Nó chỉ chạy vào những chỗ người thân, người quen nào đó thôi chứ chẳng đi đâu cả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    4 trường hợp kiểm soát đặc biệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO