40 năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc: Những tháng ngày không thể lãng quên

H.Vũ 16/02/2019 07:30

Sáng 15/2, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại (1979-2019)”. 60 báo cáo tham luận tại Hội thảo tập trung vào những vấn đề cơ bản, khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Bài 4: 40 năm nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc

40 năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc: Những tháng ngày không thể lãng quên

Quang cảnh Hội thảo.

Bài 1: Một cuộc chiến bắt buộc

Bài 2: Họ đã ngã xuống cho đất nước trường tồn

Bài 3: Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc tạo nên mốc son chói lọi

Hội thảo có sự quan tâm nhiều nhà khoa học, giảng viên từ các Viện nghiên cứu và các trường đại học uy tín; đặc biệt có sự tham dự của các nhân chứng, các cựu quân nhân đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn- Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhấn mạnh, nhìn lại lịch sử nhằm đúc rút những bài học cho tương lai là vô cùng cần thiết, ý nghĩa

Sẵn sàng chiến đấu khi lãnh thổ của Tổ quốc bị xâm hại

Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, cha ông ta luôn quan tâm giữ gìn vùng biên cương của Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đây là chiến công, dấu son của lịch sử dựng nước và giữ nước, viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc trong việc bảo vệ giữ vững độc lập dân tộc của đất nước. Do đó việc nhìn lại lịch sử từ cuộc chiến này để rút ra bài học kinh nghiệm là điều vô cùng cần thiết, ý nghĩa.

GS.NGND Vũ Dương Ninh cho rằng, theo tư liệu lịch sử và phân tích của các nhà sử học thì có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng về bản chất, phía Trung Quốc lúc ấy đã tiến hành cuộc chiến đối với một quốc gia độc lập, có chủ quyền và quân dân Việt Nam đã kiên cường chống trả nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Cuộc tấn công của quân Trung Quốc bắt đầu từ ngày 17/2/1979 bằng việc đồng loạt nổ súng xâm lấn vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam và quân dân Việt Nam đã đánh trả anh dũng để bảo vệ đất nước.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhật- Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, hầu hết các nghiên cứu đều thừa nhận rằng quân đội Việt Nam đã “trên tay” quân Trung Quốc trên chiến trường. Về phía Trung Quốc, theo đánh giá của quốc tế, đó là sự thất bại vì những mục tiêu cơ bản mà họ đề ra đều không thực hiện được trong khi đó cái giá phải trả là rất lớn. “Chính Trung Quốc chứ không phải Việt Nam đã rút ra một bài học từ cuộc chiến này. Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và qua đó cũng khẳng định với thế giới rằng chúng ta là nước yêu chuộng hòa bình và sẵn sàng chiến đấu khi lãnh thổ của Tổ quốc bị xâm hại”- ông Nhật cho hay.

GS.TS Đỗ Tiến Sâm- Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhìn nhận, trong thời điểm hiểm nghèo đó, quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc với sự hỗ trợ của quân và dân cả nước cùng với sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đã chiến đấu ngoan cường và vô cùng dũng cảm đã giành được thắng lợi, giữ yên núi sông bờ cõi buộc quân Trung Quốc phải rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Theo ông Sâm, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta cách đây 40 năm là một thử thách lớn mà Việt Nam phải đương đầu trong bối cảnh đất nước vừa trải qua chiến tranh vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống đoàn kết phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại nên đã giành được thắng lợi. Lịch sử là một tấm gương soi, bài học kinh nghiệm lịch sử từ cuộc chiến này cần được tiếp tục đi sâu nghiên cứu để có biện pháp ứng phó sao cho không để tái diễn và nếu không thể tránh được thì cũng không bị động, bất ngờ.

Nhắc lại quá khứ để có cách ứng xử đúng đắn

Theo GS.NGND Vũ Dương Ninh, tất cả những người Việt Nam từng đổ xương máu để gìn giữ từng tấc đất, từng hòn đảo của nước Việt Nam đều xứng đáng được các thế hệ con cháu vinh danh và tri ân. Sách giáo khoa lịch sử, văn học và nhiều môn khoa học xã hội khác cần quan tâm đầy đủ công việc này như chúng ta từng viết về 2 cuộc kháng chiến trước. Không khơi gợi hận thù song nhắc lại quá khứ để có cách ứng xử đúng đắn hôm nay và phòng ngừa cho ngày mai là điều rất cần thiết và cấp thiết đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà.

40 năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc: Những tháng ngày không thể lãng quên - 1

Những ngày tháng 2/1979. Ảnh: Tư liệu.

Cùng chung quan điểm, GS.TS Phạm Hồng Tung- Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia ở vùng biên giới phía Bắc và ở Biển Đông từ năm 1979-1991 có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, cũng giống như lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Tây Nam thì quá trình lịch sử này cho tới nay còn chưa được nghiên cứu và trình bày đầy đủ, đặc biệt là trong nội dung giáo dục lịch sử trong nhà trường phổ thông các cấp. Do đó, phải đặc biệt chú ý đến bản chất nhân văn, nhân bản của giáo dục lịch sử và mục tiêu cao cả nhất của giáo dục lịch sử là hướng đến tương lai hòa bình, hữu nghị và hợp tác vì vậy phải hướng dẫn để học sinh tìm hiểu rõ nguyên nhân sâu xa và trực tiếp đã dẫn đến cuộc chiến thông qua đó làm rõ tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước các hành vi gây hấn, xâm lược.

Trong khi đó, GS.TS Đỗ Tiến Sâm, nhìn lại tổng thể quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong gần 70 năm qua dù có những thời khắc thăng trầm nhưng hữu nghị và hợp tác vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ hai nước. Trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng và bất ổn đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới hiện nay thì sự phát triển ổn định và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam và Trung Quốc trong những năm qua càng khẳng định sự cần thiết và tính đúng đắn của việc lựa chọn con đường phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản hai nước do đó quan hệ giữa hai Đảng, hai nước đang trên đà phát triển lành mạnh tích cực là tiền đề và động lực quan trọng đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ngày càng tốt đẹp vì lợi ích của nhân dân hai nước, khu vực và thế giới.

“Năm 2019 cũng vừa tròn 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, cho nên đây cũng là lúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cùng nhau đoàn kết phấn đấu hoàn thành sứ mệnh lịch sử là xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất độc lập, dân chủ và giàu mạnh góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới như Bác Hồ căn dặn trước lúc đi xa”- ông Sâm cho hay.

Những bông hoa tháng Hai

Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới (17/2/1979 - 17/2/2019), NXB Văn hóa - Văn nghệ vừa phát hành cuốn sách “Những bông hoa tháng Hai” của nhóm tác giả Tô Phương, Hà Đình Cẩn, Hoàng Huân, Trần Nam Tiến.

Cuốn sách gồm 3 phần: Ở mặt trận Cao Bằng, Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc tháng 2/1979 và Những bông hoa tháng Hai. Tập sách gồm những câu chuyện, những tấm gương tiêu biểu trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc 40 năm về trước. Chia sẻ về tác phẩm, nhà văn Hà Đình Cẩn cho rằng, chúng ta rất cần khắc sâu trong tim niềm tự hào dân tộc, những hy sinh thầm lặng của những người con đất Việt tiêu biểu đã hy sinh cho cuộc chiến vệ quốc. “Những bông hoa tháng Hai” chính là cơ hội tỏ tường và đối thoại với chính những sự kiện - những nhân chứng trong lịch sử tường thuật lại thật sự chân thật.

Minh Quân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    40 năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc: Những tháng ngày không thể lãng quên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO