4.0 và cuộc đua của những 'ông lớn'

Linh Chi 02/09/2018 09:00

Từ smartphone cho tới tủ lạnh thông minh, công nghệ hiện nay đóng vai trò quan trọng trong phần lớn các lĩnh vực cuộc sống, thậm chí làm thay đổi nền công nghiệp toàn thế giới. Công nghiệp 4.0 là tên gọi của của sự phối hợp giữa hoạt động sản xuất truyền thống, các hoạt động công nghiệp với những công nghệ đang phát triển.

4.0 và cuộc đua của những 'ông lớn'

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là hướng nghiên cứu mạnh mẽ.

Công nghiệp 4.0 là gì?

Công nghiệp 4.0 (CN4.0) bao gồm việc sử dụng các hệ thống không gian mạng thực-ảo (cyber-physical system), Internet Vạn Vật (IoT), điện toán đám mây và điện toán nhận thức (cognitive computing). Nó được áp dụng nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất và người tiêu dùng nhờ tăng cường khả năng tự động, cải thiện liên lạc và quản lý, cơ chế tự phân tích để cung cấp các phương thức sản xuất đạt năng suất cao trong tương lai.

Nhờ CN4.0, các nhà máy sản xuất ngày càng được tự động hóa hơn và tự kiểm soát, khi mà các máy móc bên trong chúng có khả năng phân tích, liên lạc với nhau và với cả các lao động là con người; từ đó giúp các công ty vận hành trơn tru hơn, giải phóng lao động khỏi các công việc phức tạp và nặng nhọc.

CN4.0 không phải một công nghệ mới, hay một quy chuẩn kinh doanh, mà trên thực tế nó là một hướng tiếp cận mới nhằm đạt được những kết quả mà con người không thể với tới được cách đây một thập kỷ nhờ áp dụng các bước tiến trong công nghệ.

Nhiều người nói rằng công nghệ 4.0 thực chất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, điều này có nghĩa là gì?

Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên đã chứng kiến nước Anh chuyển dịch từ trồng trọt sang sản xuất tại nhà máy, trong thế kỷ 19. Cuộc cách mạng công nghiệp lần hai thì nằm trong khoảng thời gian từ những năm 1850 đến Thế chiến I và bắt đầu từ ngành công nghiệp sản xuất thép, sau đó bắt đầu quá trình sản xuất quy mô lớn. Và, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 chuyển đổi từ công nghệ cơ khí, điện tử sang công nghệ kỹ thuật số, diễn ra trong khoảng thời gian cuối những năm 1950 cho tới cuối những năm 1970.

Cuộc cách mạng công ngiệp lần 4 chính là bước chuyển dịch tới số hóa. CN4.0 sử dụng IoT và các hệ thống không gian mạng thực-ảo như các bộ cảm biến có khả năng thu thập dữ liệu, được các nhà sản xuất sử dụng. Thứ hai, bước tiến trong công nghệ dữ liệu và phân tích cho phép các hệ thống máy móc thu thập lược lớn dữ liệu để từ đó đưa ra hành động xử lý nhanh chóng. Thứ ba, cơ sở hạ tầng thông tin nhanh chóng giúp cho các công nghệ này áp dụng được trong các ngành công nghiệp nặng.

Sự ra đời của các nhà máy thông minh, tâm điểm của CN4.0, sẽ áp dụng công nghệ thông tin và liên lạc để tạo nên một cuộc cách mạng trong chuỗi sản xuất và cung ứng, nâng tầm sự tự động hóa và số hóa lên một đẳng cấp mới. Điều này có nghĩa rằng các máy móc bên trong nhà máy thông minh sử dụng các cơ chế tự tối ưu hóa, tự cấu hình và sử dụng cả trí thông minh nhân tạo (AI) để thực hiện những nhiệm vụ phức tạp, mang tới sự hiệu quả trong sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ và hàng hóa...

Ai khởi xướng công nghiệp 4.0?

Một biên bản ghi nhớ của chính phủ Đức công bố trong năm 2013 được xem là lần đầu tiên mà cụm từ “Công nghiệp 4.0” được đề cập tới. Văn bản chiến lược công nghệ cao này vạch ra một kế hoạch xây dựng ngành công nghiệp sản xuất được điện toán hóa hoàn toàn, không có sự tham gia của con người.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lên tiếng thúc đẩy khái niệm CN4.0 trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức ở Davos hồi tháng 1/2015, gọi “CN4.0” là cách thức giúp con người “bắt kịp nhanh chóng với sự giao thoa của thế giới trực tuyến và thế giới của sản xuất công nghiệp”.

Và để đạt được điều đó, chính phủ Đức hiện đang đầu tư khoảng 200 triệu Euro (216 triệu USD) để khuyến khích hoạt động nghiên cứu trong các cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu và cả doanh nghiệp. Và Đức không phải là quốc gia duy nhất phát triển theo con đường CN4.0.

Ở nước Mỹ có một tổ chức có tên Liên minh lãnh đạo sản xuất thông minh (SMLC), một tổ chức phi lợi nhuận có thành viên là các nhà sản xuất, cung ứng, công ty công nghệ, cơ quan chính phủ, trường đại học và các phòng thí nghiệm có chung một mục tiêu là thúc đẩy và áp dụng CN4.0.

SMLC có nhiệm vụ xây dựng các nền tảng sản xuất cởi mở và thông minh để áp dụng cho mạng lưới các nhà sản xuất. Họ hy vọng rằng sẽ tạo điều kiện cho các công ty sản xuất lớn, nhỏ dễ dàng tiếp cận các công nghệ phân tích và mô hình hiện đại để tự đáp ứng nhu cầu trong sản xuất.

Thị trường nghìn tỷ đô

Các con số được hãng kiểm toán KPMG công bố mới đây ước tính rằng các phân mảng thị trường của CN4.0 sẽ có tổng giá trị lên tới 4 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Con số này cao hơn cả giá trị ước tính của thị trường Internet Vạn Vật (IoT), ước tính đạt 3,7 nghìn tỷ USD vào năm 2020.

Theo báo cáo mà chính phủ Anh công bố mới đây, các doanh nghiệp ở mọi ngành nghề trong nước có thể hưởng lợi từ CN4.0, cho rằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến có thể giúp khu vực sản xuất của ngành này thu lợi nhuận 445 tỷ Bảng và tạo ra khoảng 175.000 việc làm. Phần lớn khoản lợi nhuận này bắt nguồn từ việc tăng sản lượng, giảm chi phí sản xuất nhờ áp dụng công nghệ dữ liệu thời gian thực.

Cuộc đua của những nền công nghiệp phát triển

Cũng do những lợi ích to lớn mà CN4.0 có thể mang lại, hiện nay, những nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới đang đầu tư cực kỳ mạnh tay vào lĩnh vực này. Mỹ và Trung Quốc là hai ví dụ điển hình.

Mỹ, nước sản xuất lớn thứ hai của thế giới, với sản lượng công nghiệp đạt mức giá trị kỷ lục 2,2 nghìn tỷ USD trong năm 2017, đang đặt ra mục tiêu ứng dụng các công nghệ CN4.0 để thay thế vị trí nước sản xuất đứng đầu thế giới của Trung Quốc. Theo dự báo mà chính phủ Mỹ công bố mới đây, thị trường CN4.0 ở Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 12,9% trong khoảng thời gian 2016-2023.

Hồi phục lại công ăn việc làm trong ngành sản xuất ở nước Mỹ và cắt giảm thuế doanh nghiệp vốn là 2 cam kết lớn nhất mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Nhiều người cho rằng chính quyền Trump sẽ nối tiếp chính sách CN4.0 mà chính quyền Barack Obama đưa ra vào năm 2011, có tên gọi Đối tác sản xuất tiên tiến (AMP), một nỗ lực nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước và chính phủ liên bang đầu tư vào công nghệ 4.0.

Kể từ năm 2002, việc chuyển các hoạt động sản xuất sang nhiều quốc gia khác trên thế giới đã khiến cho Mỹ trở nên phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu. Số lượng nhân công làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất của Mỹ đã giảm tới 33% trong khoảng thời gian 2002 - 2015. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tín hiệu cho thấy đà phục hồi dần dần kể từ năm 2010, khi nhu cầu nội địa và nhu cầu xuất khẩu đều tăng.

Đó là nhờ chính phủ liên bang cùng ngành tư nhân đang đầu tư hết sức mạnh tay vào các loại công nghệ của CN4.0 nhằm tăng năng lực cho ngành sản xuất trong nước - vốn đã bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc và các nước có lực lượng nhân công giá rẻ như Mexico, Brazil và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Kết quả là, kể từ năm đầu của chính quyền Trump, các cơ sở sản xuất của Mỹ đã tạo thêm việc làm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2014. Giới truyền thông Mỹ lập tức nhận thấy sự thay đổi tích cực này, gọi đó là “Insourcing Boom” - ám chỉ việc các công ty bắt đầu thuê nhân lực và gia công trong nước thay vì thuê nhân công nước ngoài.

4.0 và cuộc đua của những 'ông lớn' - 1

Nhà máy thông minh là một trong những lợi ích to lớn mà công nghiệp 4.0 đem lại.

Cuộc đua trên thị trường CN4.0 toàn cầu cũng được dẫn dắt bởi các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, những bên đã đầu tư hàng tỷ USD vào các công nghệ 4.0. Các tập đoàn như General Mottor, Apple, Microsoft, Google, Amazon hiện nay đã kết nối tất cả các hoạt động như cung ứng, sản xuất, bảo trì, phân phối và dịch vụ khách hàng thông qua các hệ thống Internet Vạn Vật (IoT) quy mô công nghiệp.

Trí tuệ nhân tạo đắt hàng

Một trong những công nghệ 4.0 được các tập đoàn lớn của thế giới quan tâm nhất chính là trí tuệ nhân tạo (AI), và kể từ năm 2013 đến nay, thế giới đã chứng kiến nhiều thương vụ mua lại Startup AI của các tập đoàn lớn.

Trong năm 2017, thế giới có khoảng 120 công ty khởi nghiệp AI, và 115 trong số đó đã được các tập đoàn lớn mua lại.

Tính riêng từ đầu năm đến nay, đã có 8 thương vụ mua lại Startup AI. Amazon đã mua lại công ty Startup an ninh mạng AI có tên Sqrrl. Oracle sau đó mua công ty an ninh mạng Zenedge. Không chỉ các tập đoàn công nghệ lớn, mà ngay cả các công ty truyền thống như công ty bảo hiểm, bán lẻ hay chăm sóc y tế cũng lùng mua công nghệ AI.

Một trong những thương vụ sáp nhập công ty AI lớn nhất từ trước đến nay chính là việc tập đoàn Roche Holding mua lại Flatiron Health, có trụ sở tại New York (Mỹ), với giá 1,9 tỷ USD vào ngày 18/2 vừa qua. Đứng ở vị trí thứ hai là vụ mua lại công ty khởi nghiệp Argo AI được hãng Ford mua lại với giá hơn 1 tỷ USD trong năm 2017.

Tập đoàn Google hiện đang là hãng mua lại nhiều công ty AI nhất, với tổng số 14 thương vụ. Vào năm 2013, Google đã mua lại công ty DNNresearch của ĐH Toronto (Canada) để sở hữu công nghệ nhận diện giọng nói, hình ảnh và vật thể. Công nghệ này giúp Google nâng cấp khả năng tìm kiếm bằng hình ảnh của họ.

Năm 2014, Google mua lại công ty DeepMind Technologies của Anh với giá 600 triệu USD. Được biết chương trình của DeepMind đã tạo ra một AI đánh bại vô địch cờ vây thế giới. Mới đây, Google cũng mua lại nền tảng thương mại Banter. Họ cũng mua lại một công ty khởi nghiệp chuyên về ngôn ngữ có tên API.ai vào năm 2016, giúp tăng cường khả năng của chương trình trợ lý ảo Google Assistant.

Trong khi đó, Apple cũng thực hiện được 13 thương vụ mua lại các Startup liên quan tới công nghệ AI. Apple là một trong những công ty đi tiên phong trong lĩnh vực này. Họ đã mua lại Siri vào năm 2010, từ đó phổ biến các chương trình trợ lý ảo bằng AI trên toàn thế giới.

Các hoạt động mua bán và sáp nhập của Apple đã chững lại trong vài năm sau thương vụ siri, nhưng lại bắt đầu tăng kể từ năm 2016. Thế nhưng, Apple khá kín tiếng về cách mà họ ứng dụng công nghệ AI đã mua lại vào các sản phẩm của mình. Thương vụ mới đây nhất của Apple là vụ mua lại Pop Up Archive, một công ty nhỏ tại Oakland xây dựng các công cụ tìm kiếm âm thanh, có khả năng sẽ ứng dụng vào iTunes.

Cơ hội đi cùng thách thức

Mặt trái của Cách mạng CN4.0 là có thể gây ra sự bất bình đẳng. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã đặt ra vấn đề này theo các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu tiên sẽ là thách thức với những lao động văn phòng, trí thức, lao động kỹ thuật. Giai đoạn tiếp theo sẽ là lao động giá rẻ, có thể sẽ chậm hơn. Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, trong khoảng 15 năm tới thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp thay đổi.

Sau đó, những bất ổn về kinh tế nảy sinh từ Cách mạng CN4.0 sẽ dẫn đến những bất ổn về đời sống. Hệ lụy của nó sẽ là những bất ổn về chính trị. Nếu chính phủ các nước không hiểu rõ và chuẩn bị đầy đủ cho làn sóng CN4.0, nguy cơ xảy ra bất ổn trên toàn cầu là hoàn toàn có thể.

Bên cạnh đó, những thay đổi về cách thức giao tiếp trên Internet cũng đặt con người vào nhiều nguy hiểm về tài chính, sức khoẻ. Thông tin cá nhân nếu không được bảo vệ một cách an toàn sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    4.0 và cuộc đua của những 'ông lớn'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO