50 năm ASEAN

Hoàng Mai 08/08/2017 08:00

Hôm nay (8/8), Cộng đồng ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập. Trong nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã thu được nhiều thành tựu. Một trong những thành công lớn nhất của ASEAN chính là đã trở thành tập hợp của các nước Đông Nam Á đa dạng về văn hóa, khác biệt về thể chế chính trị, nhưng cùng nhau tạo thành một tổ chức, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, có quan hệ thân thiện giữa các nước, tạo ra môi trường cho người dân trong cộng đồng sinh sống hòa bình, ổn định, thân hữu.

Bên cạnh đó, ASEAN, từ tập hợp các nước phần lớn có nền kinh tế nghèo, lạc hậu hiện đã trở thành một cộng đồng kinh tế năng động nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo ra thị trường rộng lớn với 630 triệu dân; có tổng sản phẩm quốc nội gần 3.000 tỷ USD, với mức tăng trưởng 4,7%/năm. Đó là mức cao trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, ASEAN có sức hấp dẫn đối với tất cả các nước có quan hệ kinh tế với Hiệp hội, bởi ASEAN tạo dựng được một mạng lưới liên kết kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do, tạo dựng được thị trường 3 tỷ dân, với tổng sản phẩm quốc nội đạt 20 nghìn tỷ USD. Một điều mà các tiểu khu vực khác khó đạt được so với ASEAN.

Không chỉ có vậy, ASEAN còn tạo được vị thế quan trọng với vị thế trung tâm trong cấu trúc khu vực. Điều này có được nhờ chính sự gắn kết của ASEAN. Sự gắn kết này đã đem đến cho khối một niềm tin vững chắc nhận được từ các nước đối tác, đối thoại. Và cũng vì thế, ASEAN còn có các cơ chế hợp tác với sự tham gia của các nước lớn trên thế giới, bao gồm các cơ chế liên quan đến chính trị, an ninh, quốc phòng. Đây được xem như điều làm nên giá trị của ASEAN, không những của khu vực mà còn trên thế giới.

50 năm, từ một hiệp hội với 5 thành viên sáng lập, ngày nay ASEAN đã có gấp đôi số thành viên và đã hình thành Cộng đồng. Đánh giá về chặng đường 50 năm qua của ASEAN, trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: “Trong 50 năm qua, có thể nói ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng, quan trọng nhất là vị thế và vai trò của ASEAN, đồng thời, cùng với vai trò vị thế của cả Cộng đồng ASEAN, thì từng nước trong ASEAN cũng có vai trò vị thế của riêng mình.”

Nói đến Cộng đồng ASEAN hôm nay, có thể thấy, chúng ta đã xây dựng được một tầm nhìn đến năm 2025. Với tầm nhìn này, mục tiêu của ASEAN sẽ là tiếp tục xây dựng một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội. Và, dù tầm nhìn thế nào thì, người dân ASEAN vẫn luôn là trọng tâm trong chính sách của Cộng đồng. Điều này đòi hỏi, bản thân cộng đồng cần tự lực phát triển, đoàn kết để duy trì cho được vai trò trung tâm của mình.

Nói thế là bởi, 50 năm qua, ASEAN cũng có nhiều thách thức. Một trong những thách thức đó là trình độ phát triển kinh tế của các nước ASEAN không đồng đều, cũng như còn có sự khác biệt trong lợi ích giữa các nước thành viên. Và, vì điều này, ASEAN đang cố gắng tạo ra mẫu số chung, điểm tương đồng về lợi ích giữa các nước trong quá trình xây dựng Cộng đồng. Rồi, bản thân ASEAN cũng phải xử lý cho được mối quan hệ với các nước lớn trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước này ở khu vực.

Bàn về “đường đi” của ASEAN trong tầm nhìn rộng mở ấy, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói: Vấn đề quan trọng sắp tới của các nước ASEAN, đó là làm sao xây dựng được cộng đồng gắn kết chính trị, liên kết kinh tế và chia sẻ trách nhiệm, thông qua việc tôn trọng Hiến chương ASEAN, thực hiện theo đúng các luật và quy định của ASEAN. Các nước đối tác của ASEAN cũng phải tuân thủ các nguyên tắc và quy định trong ASEAN. Chúng ta cũng cần đóng góp vào xây dựng đoàn kết trong ASEAN, vì đây là yếu tố quan trọng để duy trì vai trò, vị thế của ASEAN, cũng như đảm bảo lợi ích của tất cả các nước thành viên.

Còn về vai trò, vị thế Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta gia nhập ASEAN từ năm 1995, tính đến nay là 22 năm, gần một nửa thời gian 50 năm hình thành và phát triển của Cộng đồng ASEAN. Từ khi tham gia, Việt Nam đã đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong vai trò thành viên của ASEAN.

Đóng góp của Việt Nam thì có nhiều nhưng có thể kể ra đây sự đóng góp tích cực vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trong đó, Việt Nam đã đóng góp thông qua các sáng kiến, các đề xuất, như Chương trình Hành động Hà Nội 2010. Chúng ta đã cùng xây dựng và thực thi các mục tiêu, chỉ tiêu để thành lập Cộng đồng ASEAN.

“Với gần 95% dòng hành động được triển khai, có thể nói Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc thực thi mục tiêu đó. Đó là những đóng góp hết sức quan trọng cho việc thành lập, hình thành Cộng đồng ASEAN.” - Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh thêm: Chúng ta đã giữ vai trò điều phối các cơ chế hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, gần đây nhất là với Trung Quốc, EU và Ấn Độ. Rồi, đưa ra những sáng kiến như mở rộng thành viên của Hội nghị Cấp cao Đông Á, bằng cách thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ tham gia Cấp cao Đông Á; cũng như tổ chức lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010. Đó, theo đánh giá của Phó Thủ tướng là những cơ chế hết sức quan trọng trong việc kết nối không chỉ trong ASEAN, mà giữa ASEAN với các nước, góp phần tạo ra vị thế của ASEAN với các nước…

50 năm không phải là thời gian ngắn ngủi và việc thành lập Cộng đồng ASEAN mới chỉ là việc làm đầu tiên cho một khởi đầu mới; nhưng rõ ràng, nhận thức của người dân và doanh nghiệp về cộng đồng còn chưa cao. Từ thực tế ấy, các nước thành viên cần phải có trách nhiệm tăng cường hiểu biết của người dân, doanh nghiệp đối với lợi ích của cộng đồng. Không có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, cộng đồng sẽ chỉ tồn tại trên cam kết của các lãnh đạo. Điều này chính là một trong những điểm mấu chốt để đưa cộng đồng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    50 năm ASEAN

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO