70 quốc gia cảnh báo Mỹ về tiến trình hòa bình Trung Đông

16/01/2017 10:00

Các cường quốc sẽ tham gia hội nghị tại Paris trong hôm 15/1 đã gửi đi một thông điệp tới nước Mỹ rằng giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine là cách duy nhất để giải quyết xung đột giữa hai bên, và cảnh báo rằng kế hoạch rời Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem là động thái sẽ làm xói mòn nỗ lực hòa bình.

Pháp đang hết sức nỗ lực trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. (Nguồn: AP).

Khoảng 70 quốc gia, trong đó gồm nhiều nước có vai trò chủ chốt ở châu Âu và cộng đồng các nước Arab cũng như các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, đã tới Paris để tham dự một cuộc họp mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ trích là “vô ích” và “bị thao túng”. Cả Israel và Palestine đều không cử đại diện tham dự.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chỉ còn 4 ngày nữa là tới ngày nhậm chức của ông Donald Trump, hội nghị này là nền tảng để các nước gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Tổng thống tương lai của nước Mỹ.

Tổng thống đắc cử Donald Trump từng cam kết sẽ thúc đẩy các chính sách thân thiện với Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv, nơi mà nó đã tọa lạc suốt 68 năm qua, tới Jerusalem bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

“Đó sẽ là một quyết định đơn phương có thể khiến gia tăng căng thẳng” - một quan chức Ngoại giao cấp cao của Pháp nói với hãng tin AP - “Phải chú ý rằng hơn 70 quốc gia đã kêu gọi giải pháp hai nhà nước khi chính quyền của ông ấy có thể thực thi các biện pháp gây tranh cãi khiến tình hình xấu đi”.

Pháp cũng cho hay cuộc họp này không nhằm áp đặt bất cứ điều gì đối với Israel hay Palestine và rằng, cuối cùng, chỉ có các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai nhà nước mới có thể giải quyết cuộc xung đột kéo dài này.

“Chúng ta không còn thời gian để lãng phí nữa” - Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nói trước các phái đoàn trong buổi khai mạc hội thảo tại Paris - “Chúng ta đang đứng trước khả năng bùng nổ tình trạng bạo lực”.

Hãng tin Reuters cũng đưa thông tin về một dự thảo tuyên bố chung của hội thảo Paris nhằm tái khẳng định lại một số giải pháp quốc tế, trong đó thúc giục cả hai bên nhắc lại các cam kết của họ đối với giải pháp hai nhà nước và bác bỏ ý kiến của các quan chức không chấp nhận giải pháp này, đồng thời yêu cầu giới chức hai nước “tránh đưa ra các hành động đơn phương gây ảnh hưởng tới các vòng đàm phán”.

Viễn cảnh ảm đạm

Giới ngoại giao nói rằng tuyên bố chung có thể sẽ được tăng cường bằng cách phê phán kế hoạch di dời Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem và vấn đề liệu có nên theo đuổi đề xuất mà Pháp đưa ra hay không.

Mối quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Israel đã trở nên căng thẳng dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, tụt xuống mức thấp nhất trong tháng 12/2016 khi Washington không dùng quyền phủ quyết của mình đối với một nghị quyết của LHQ yêu cầu chấm dứt chương trình xây dựng khu tái định cư của Israel ở vùng lãnh thổ chiếm đóng.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sau đó còn nói rằng chương trình tái định cư của Israel đã đe dọa hòa bình của khu vực Trung Đông, và rằng giải pháp hai nhà nước đang trong “tình trạng hiểm nghèo”.

Tổng thống Palestine Mamoud Abbas hôm 14/1 nói rằng ông đã viết một bức thư gửi tới ông Trump, cảnh báo rằng việc di dời Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem sẽ giết chết tiến trình hòa bình và sẽ khiến Mỹ bị tước bỏ vai trò một người trung gian chân thật - và có khả năng sẽ khiến cho việc Israel công nhận họ trở nên khó khăn hơn.

Là “ngôi nhà” của cộng đồng người Hồi giáo và Do thái lớn nhất châu Âu, Pháp đã cố gắng thổi làn sinh khí mới vào tiến trình hòa bình trong suố năm 2016. Họ tin rằng, khi mà sự bất trắc về chính quyền mới của nước Mỹ còn đang quanh quẩn, việc quan trọng hiện nay là phải thúc đẩy các bên trở lại bàn đàm phán.

Nhưng trong bối cảnh Pháp và Đức sẽ tổ chức các cuộc bầu cử trong năm nay và Anh thì đang ngả theo ủng hộ chính quyền mới của nước Mỹ về vấn đề này, hay viễn cảnh về Liên minh châu Âu (EU), đối tác kinh tế lớn nhất hiện nay của cả Israel và Palestine, thì việc thúc đẩy các đề xuất như vậy là rất khó khăn.

Bên cạnh đó, các quốc gia Arab cũng có mối quan ngại riêng của họ về việc, liệu mối quan hệ của chính quyền mới ở nước Mỹ với họ sẽ thay đổi ra sao, bởi vậy mà cũng tỏ ra hết sức thận trọng khi đưa ra một quyết định nào.

“Tất cả đều là quá sớm. Chúng ta cần phải cho chính quyền mới ở Mỹ thời gian để xem xét lại về điều mà họ muốn làm” - AP dẫn lời một nhà ngoại giao Trung Đông tại Paris, nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    70 quốc gia cảnh báo Mỹ về tiến trình hòa bình Trung Đông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO