75 năm ấy biết bao nhiêu tình!

Đơn Thương 24/01/2017 10:15

Những ngày chuẩn bị kỷ niệm 75 năm ngày ra đời báo Cứu Quốc - Đại Đoàn kết, chúng tôi lại tìm về những địa danh mà Cứu Quốc đã từng đứng chân ở đó, được người dân cưu mang, che giấu.

Ông Đỗ Quang Tiến bên bia kỉ niệm báo Cứu Quốc.

Ngay sau khi ra đời, Báo Cứu Quốc được in ở nhiều địa điểm bí mật trong vùng Sơn Tây, Bắc Ninh phát hành chủ yếu ở các tỉnh Trung du Bắc bộ đến Bắc Trung bộ. Báo ra không đều kỳ, lúc đầu, số này cách số kia vài tháng; từ số 19, ra ngày 10/4/1945, Cứu Quốc ra các số cách nhau 10 ngày. Đến ngày 15/8/1945, báo xuất bản được 30 số in litô và 4 số phụ trương của các số 12, 15, 19, 27. Số Xuân 1945 in trên 1.000 bản. Từ số 31 ra ngày 24/8/1945, bắt đầu in typô tại Hà Nội. Cùng các báo của Kỳ bộ Việt Minh ở các địa phương, báo Cứu Quốc trở thành một trong những vũ khí quan trọng của Việt Minh cổ động, tổ chức quần chúng đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập dân tộc.

Trong những năm “nhìn về Việt Bắc mà nuôi chí bền”, để đảm bảo bí mật, báo Cứu Quốc đã chuyển qua rất nhiều địa điểm như Xuân Kì, Song Phượng (Đan Phượng Hà Nội), rồi Điềm Mặc (Định Hóa, Thái Nguyên), Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn… Trong các địa điểm di chuyển, chỗ nào Báo Cứu Quốc cũng ghi dấu ấn và để lại những tình cảm hết sức quý báu trong lòng người dân. Nhưng Xuân Kỳ- nơi báo Cứu Quốc ra số đầu tiên mãi mãi là “quê hương” của tờ báo.

Làng Xuân Kỳ năm xưa nay thuộc xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đã 75 năm trôi qua kể từ ngày các bậc cách mạng tiền bối cho ra đời báo báo Cứu Quốc, Xuân Kỳ nay đã đổi thay rất nhiều. Trong ngôi nhà giản đơn, ông Đỗ Quang Tiến, con của 1 trong 6 gia đình cơ sở cách mạng đã từng nuôi giấu và là chỗ sinh hoạt cho các bậc lão thành cách mạng, hiện đang quản lý Nhà lưu niệm báo Cứu Quốc (người dân vẫn quen gọi là Nhà truyền thống- NV) lại có những câu chuyện vui vẻ.

Ông Tiến cho biết, theo lời bố ông, cụ Đỗ Văn Mận thì ngày xưa Xuân Kỳ chưa có tên như bây giờ. Lúc đấy, người ta quen gọi Xuân Kỳ với những cái tên nôm như xóm Cả, xóm Trôi và xóm Bến; trong đó xóm Cả nơi có Nhà lưu niệm bây giờ. Cũng theo ông Tiến, Nhà lưu niệm bây giờ, ngày ấy chính là nhà của ông bà Thư Toản, nơi đã được các đồng chí lão thành cách mạng chọn làm địa điểm viết và in ấn báo.

Theo những người cao tuổi, sở dĩ ngày ấy Xuân Kỳ được chọn làm nơi hoạt động bí mật là bởi khu này rừng còn rậm rạp và khá thuận tiện cho nhịp nối lên “Chiến khu gió ngàn Việt Bắc” cũng như kết nối vào khu vực cận kề và nội thành Hà Nội. Nhà ông Tiến có 5 anh em nhưng ông là người gắn kết với cụ Nguyễn Văn Mận nhất nên hay được bố kể cho nghe nhiều chuyện.

Nhà lưu niệm Báo Cứu Quốc - Đại Đoàn Kết ngày nay.

Ông Tiến hồi tưởng, theo lời kể của bố, ngày ấy, gia đình ông là hàng xóm của gia đình cụ Thư Toản và cách nhau chỉ một bờ rào. Trong 6 gia đình cơ sở có công với cách mạng này thì gia đình ông được Tổng bí thư Trường Chinh chọn làm chỗ ở và sinh hoạt. Cụ Mận sinh năm 1906, lúc các bậc lão thành cách mạng về và cho ra đời báo Cứu Quốc thì đã gần 40 rồi. Vậy nên cụ Mận là người được lưu giữ nhiều khoảnh khắc, những năm tháng khó khăn gian khổ của các bậc lão thành cách mạng trong hoạt động cũng như in ấn và phát hành báo.

Ngày ấy- cũng theo ông Tiến, qua lời kể của cụ Mận thì nhà cách mạng Trường Chinh về đây sống cùng gia đình và được gia đình cũng như người dân coi như người ruột thịt. Ngày đôi bữa gia đình cụ Mận nấu cơm cho bác Trường Chinh ăn. Nói là cơm, nhưng ngày ấy khốn khó, độn khoai nhiều, có hôm gạo hết phải ăn khoai trừ bữa nhưng bác Trường Chinh cũng như các đồng chí khác rất vui vẻ và làm việc hết sức hăng say.

Để góp công cho cách mạng, 6 gia đình cơ sở cách mạng ngày ấy như Lê Văn Mận, Nguyễn Thị Cúc, Lê Văn Cặn… ngoài công việc đồng áng, mưu sinh cũng tham gia các công việc phụ trợ được giao. Ngay như cụ Mận thôi, ngày ấy đói nghèo lắm, nhà gianh vách đất nhưng cũng tham gia thám thính để phát hiện bọn mật thám, bọn tề gian về tìm manh mối cơ sở cách mạng. Ngoài công việc này thì cụ còn cải trang tham gia phát hành Báo Cứu Quốc.

Xã Đông Xuân, nơi vinh dự được các đồng chí lão thành cách mạng lựa chọn
hoạt động cách mạng và cho ra đời báo Cứu Quốc số đầu tiên.

Theo ông Đỗ Quang Tiến và Chủ tịch xã Đông Xuân Nguyễn Văn Chung thì lúc nào người dân Đông Xuân cũng rất lấy làm tự hào về xã mình, đất quê mình đã là nơi phát tích của một trong những tờ báo có tên tuổi bậc nhất, đấy là báo Cứu Quốc – Đại Đoàn Kết ngày nay. Vì yêu quý nên xã và nhiều gia đình đã luôn đặt Báo Đại Đoàn Kết làm món ăn tinh thần cho mình. “Báo chí và thông tin báo chí luôn được chúng tôi quan tâm. Nhưng riêng với Đại Đoàn Kết thì lúc nào chúng tôi cũng luôn coi là người nhà của người dân Đông Xuân”- ông Nguyễn Văn Chung nhấn mạnh.

Nhà lưu niệm Báo Đại Đoàn Kết- Nhà truyền thống được xây dựng năm 2000 chính do tình cảm và sự tự nguyện hiến đất của dân cũng như việc tạo điều kiện của lãnh đạo xã. Theo ông Tiến, người đang tự nguyện đảm đương trông nom Nhà lưu niệm cho biết: Ngoài vinh dự được lưu giữ một kỉ vật thiêng liêng thì hiện nay Nhà lưu niệm luôn được mở cửa và cho người dân tìm đến trong ngày. Ngoài sinh hoạt văn hóa thì người dân các độ tuổi còn đến đây để tìm hiểu lịch sử của một vùng đất cũng như lịch sử truyền thống của một cơ quan báo chí cách mạng Việt Nam.

Trong thời kỳ bí mật và kháng chiến chống Pháp, Báo Cứu Quốc phải di chuyển qua rất nhiều các địa điểm. Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, báo Cứu Quốc di chuyển dần lên chiến khu Việt Bắc. Tháng 4/1947, đến Tuyên Quang. Đầu tháng 7/1947chuyển về Bắc Kạn, Bắc Giang rồi Thái Nguyên. Tháng 10/1950, Tòa soạn chuyển về bản Khuây, xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa. Cuối năm 1951, Tòa soạn báo Cứu Quốc dời bản Khuây, Kiên Đài về Hồng Thái, xã Tân Trào. Sau thắng lợi ở Điện Biên Phủ, đầu tháng 8 năm 1954 báo Cứu Quốc dời Tân Trào chuyển sang Đại Từ, Thái Nguyên và về Hà Nội. Thời kì ở Hồng Thái, Tân Trào, Tòa soạn Báo Cứu Quốc có nhiều bộ phận như thời sự, tổng hợp tin tức, văn hóa văn nghệ, hành chính, vô tuyến điện, giao thông, biên tập, phóng viên, tiếp tế, quốc tế... Lúc này, cán bộ, phóng viên, công nhân viên Tòa soạn có khoảng 70 người, đồng chí Nguyễn Thành Lê làm Chủ bút.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    75 năm ấy biết bao nhiêu tình!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO