80% người tái nghiện sau khi cai

Việt Quỳnh (thực hiện) 09/10/2018 18:45

Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam trả lời phỏng vấn từ Tinh Hoa Việt.

80% người tái nghiện sau khi cai

PV: Theo anh, các lý do nào dẫn đến việc trẻ vị thành niên tìm đến ma túy?

Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam: Người ta thấy rằng nghiện được hình thành theo con đường di truyền xã hội, những đứa trẻ có bố mẹ lạm dụng rượu có tỉ lệ sử dụng và nghiện ma tuý cao gấp 3 lần so với những trẻ khác. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy trẻ lớn lên trong các gia đình có nhiều bạo lực cũng có tỉ lệ nghiên ma tuý cao gấp đôi những gia đình nuôi dạy con bằng kỷ luật tích cực.

Những lý do khác giải thích việc sử dụng ma tuý chủ yếu là giải toả áp lực xã hội, tìm kiếm những trải nghiệm mới và cũng có thể là một cách thể hiện sự “sang chảnh, thời thượng” của những người trẻ. Người ta thấy những người sống và làm việc trong những môi trường áp lực căng thẳng cao có tỉ lệ sử dụng ma tuý cao hơn. Điển hình là tỉ lệ sử dụng ma tuý của những người lính khi tham gia các cuộc chiến tranh rất cao có thể lên tới 40-50%. Trong cuộc sống thực, chúng ta thấy những người lái xe tải đường dài, những nghệ sỹ phải làm việc cường độ cao liên tục trong những tour diễn, những người trầm cảm, người bị rối loạn stress sau sang chấn tâm lý, chán ăn tâm lý cũng thường tìm đến với các chất ma tuý.

Và một khi đã sử dụng, người dùng luôn bị thúc đẩy với việc tìm kiếm một trải nghiệm “phê hơn” hoặc khác đi so với những gì đã đạt được. Đó là lý do khiến người nghiện luôn tìm đến với những cách thức sử dụng mới, các dạng ma tuý tổng hợp mới và sử dụng quá liều có thể dẫn đến cái chết.

Anh có thể chia sẻ về tâm lý lứa tuổi trẻ vị thành niên? Đặc biệt là giai đoạn dậy thì? Qua đó hiểu rõ hơn việc các em hoàn toàn có thể đi vào việc sử dụng ma túy một cách vô ý thức?

- Vâng, giai đoạn dậy thì được đặc trưng bởi sự phát triển sinh lý lứa tuổi dẫn đến sự phát triển giữa hệ xương và hệ cơ, giữa xương bàn tay và các đốt ngón tay không đồng đều. Điều này dẫn đến việc trẻ bỗng trở nên lóng ngóng vụng về, làm việc gì cũng không như ý. Sự phát triển hệ tim mạch không cân đối, thể tích tim tăng nhanh nhưng đường kính của các mạch máu phát triển chậm gây rối loạn tạm thời của tuần hoàn máu. Điều này làm cho các em thường hay có cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt dễ xúc động bực tức. Giai đoạn này, trong hệ thần kinh quá trình hưng phấn chiếm ưu thế rõ rệt, sự ức chế bị kém đi dẫn đến việc các em thường không làm chủ được mình, dễ bực tức, bướng bỉnh, cáu gắt, dễ bị khích động và hành động dại dột chỉ để chứng tỏ. Những đặc điểm sinh lý cùng những cảm giác bất toại này là yếu tố thúc đẩy các em tìm kiếm những phương cách giải toả stress. Và một trong những cách thức các em chọn là sử dụng các chất kích thích.

Giai đoạn dậy thì còn được đặc trưng bởi các nhu cầu tâm lý. Thứ nhất là nhu cầu được tôn trọng như người lớn. Ở tuổi này, một hành động câu nói bình thường của bố mẹ, bạn bè trước đây cũng có thể dễ dàng được cảm nhận là hành vi xúc phạm, không tôn trọng, coi mình như trẻ con. Thứ hai, nhu cầu giao lưu tâm tình bè bạn rất cao. Nếu phải lựa chọn giữa việc thoả mãn kỳ vọng của người lớn và chuẩn mực của bạn bè, các em sẽ nói dối người lớn để làm hài lòng bạn bè hơn. Đó là lý do tại sao các em hút thuốc, uống rượu và sử dụng các chất do “nể” bạn hoặc để được các bạn chấp nhận vào nhóm. Cuối cùng, giai đoạn này đặc trưng bởi nhu cầu muốn thể hiện bản thân. Các em có xu hướng muốn làm những điều nguy hiểm mà không ai khác dám làm. Người khác càng gàn, càng cấm thì các em lại càng muốn làm để khẳng định bản thân. Ngoài ra, chính tâm lý chủ quan, mình có thể làm được tất cả khiến cho nhiều bạn tin rằng ma tuý cũng giống như thuốc lá thôi, mình “nâng lên được, hạ xuống được”, khi nào muốn bỏ là bỏ được ngay nên đã chủ động thử trải nghiệm dùng ma tuý với bạn bè.

Theo anh, làm thế nào để giúp con mình vượt qua giai đoạn khủng hoảng của tuổi dậy thì này và tránh được những sa ngã đáng tiếc?

- Những “sa ngã đáng tiếc” như bạn hỏi thường bắt nguồn từ những lỗi hành vi nhỏ trong cuộc sống hàng ngày nhưng không được nhận diện và ngăn chặn sớm. Muốn giúp con mình, cha mẹ cần phải hiểu rõ mục đích của những lỗi hành vi của con để ứng xử phù hợp. Hành vi ứng xử sai của trẻ thường có những mục đích sau.

+ Ứng xử sai để thu hút sự chú ý: Nhiều em có niềm tin “Mình chỉ cảm thấy mình quan trọng và an tâm khi nhận được sự quan tâm, chú ý của cha mẹ, thầy cô cho dù đó là sự chú ý không tích cực vào những hành vi sai”.

+ Ứng xử sai để thể hiện cái tôi: Các em sẽ cảm thấy cảm thấy rất oách khi đã làm cho cô giáo/bố mẹ nổi cáu và không thể tiếp tục bài giảng của mình.

+ Ứng xử sai để trả đũa: Hành vi trả đũa có thể từ lời nói, ánh mắt cử chỉ thù địch, im lặng từ chối hợp tác đến hành vi tự gây hại cho bản thân (gồm cả dùng ma tuý) để trừng phạt bố mẹ.

+ Ứng xử sai để rút lui: Mình không thể đáp ứng được mong đợi của người lớn, mình sẽ làm cho mọi thứ thật tệ, để mọi người sợ mình và vì thế họ sẽ để cho mình yên.

+ Ứng xử sai để tìm kiếm sự phấn khích: Cảm thấy cuộc sống và học tập cứ lặp đi lặp lại, quá buồn tẻ. Các em luôn có xu hướng tìm kiếm sự phấn khích qua các hành động mạo hiểm, cấm kỵ như đua xe, quan hệ tình dục, phá hoại tài sản và sử dụng các chất cấm.

Với những em trót sa vào con đường nghiện ngập, theo anh, cần làm gì để đưa các em trở lại sống lành mạnh?

- Có đến 80% người tái nghiện sau khi cai nên cai nghiện là một công việc khó khăn cần sự kiên nhẫn và hợp tác. Một trong những cách đã được chứng minh có hiệu quả là thay thế ma tuý bằng dược phẩm uống an toàn hơn (methadone). Sử dụng methadone làm giảm nhớ đến sử dụng ma tuý, giảm các triệu chứng cai khi ngưng sử dụng ma tuý. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ có hiệu quả hơn nếu kết hợp với các liệu pháp tâm lý cung cấp cho người nghiện kỹ năng nhận thức và hành vi như các kỹ năng chống lại áp lực của xã hội, thư giãn và khống chế sang chấn, giao tiếp giữa người và người. Nội dung chủ yếu của các chương trình can thiệp tâm lý sẽ tập trung vào duy trì và củng cố động cơ ngừng sử dụng ma tuý; lôi kéo các thành viên gia đình tham gia ngăn ngừa cá nhân tái sử dụng ma tuý; lôi kéo sự tham gia của bạn bè ngăn ngừa việc tái sử dụng ma tuý; đối phó với cơn thèm nhớ sử dụng ma tuý; giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống; Cách thư giãn, cân bằng cuộc sống.

Xin cảm ơn về những chia sẻ bổ ích của anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    80% người tái nghiện sau khi cai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO