90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020): Sức chiến đấu của Đảng ngày càng mạnh mẽ

H.Vũ (ghi) 02/02/2020 08:00

Trong suốt quá trình phát triển, nhất là sau giai đoạn đổi mới đất nước kể từ năm 1986 cho đến nay, Đảng luôn coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua đó càng làm cho Đảng, và tổ chức cơ sở Đảng mạnh mẽ, kiên quyết chống tham nhũng để củng cố niềm tin với nhân dân, lãnh đạo đất nước đi đến những thành công rực rỡ.

90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020): Sức chiến đấu của Đảng ngày càng mạnh mẽ

Ông Vũ Quốc Hùng.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Vũ Quốc Hùng- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: Nếu làm tốt công tác hỏi dân, kiểm tra, giám sát, Đảng sẽ chủ động phòng ngừa và giúp cho đảng viên không bị sai phạm, đã sai phạm thì dừng lại để sửa. Cho nên mỗi đảng viên phải thực hiện kiểm tra, giám sát. Chi bộ cũng phải giám sát lẫn nhau.

Luôn đổi mới để nâng cao sức chiến đấu

Đánh giá về sức chiến đấu của Đảng trong thời gian qua, đặc biệt là đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, ông Hùng cho rằng: Trước giai đoạn hội nhập sâu vào cơ chế thị trường, Đảng luôn luôn xác định tự mình phải đổi mới. Từ Đại hội VI, Đảng đã đặt ra vấn đề đổi mới, sau đó đến Đại hội VII đã xác định “4 nguy cơ”, đến Đại hội VIII ban hành Nghị quyết Trung ương 6 lần 2; Đại hội IX tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 lần 2; Đại hội X, Đảng bắt đầu “vạch mặt chỉ tên”, chỉ ra các hiện tượng “chạy”; Đại hội XI ban hành Nghị quyết Trung ương 4; và Đại hội XII có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Nhìn tổng thể có thể thấy Đảng luôn luôn đổi mới, tự chỉnh đốn để thích hợp với sự phát triển, không ngừng xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu của Đảng.

Theo ông Hùng, kết quả phòng chống tham nhũng thời gian qua đã làm được rất nhiều việc. Toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị đã tham gia “cuộc vận động” dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đem lại những kết quả bước đầu, từng bước phát hiện ra những sai phạm của tổ chức Đảng và đảng viên ở tất cả các cấp cho tới Trung ương. Việc những cán bộ từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương dù đương chức hay nghỉ hưu bị xử lý khi để xảy ra các vi phạm đã thể hiện tinh thần Đảng kiên quyết loại bỏ những sai phạm trong Đảng, trong tổ chức Đảng và đảng viên. Kết quả đó đem lại sự vui mừng trong nhân dân và củng cố niềm tin của người dân. “Đó là việc làm cần thiết để làm trong sạch Đảng, củng cố Đảng, đồng thời cũng là để cứu những đảng viên đang đứng bên bờ vực thẳm của những sai phạm”-ông Hùng nhìn nhận.

Từ thực tế trên, ông Hùng đánh giá Đại hội XII đã có rất nhiều quy định, văn bản mới để hướng dẫn, là “kim chỉ nam” cho toàn Đảng tiến hành xây dựng chỉnh đốn Đảng bài bản hơn. Cho nên trong đấu tranh phòng chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

“Nhìn tổng thể một cách hệ thống cho thấy Đảng luôn quan tâm đến việc tự mình phải đổi mới. Đó cũng là trách nhiệm của Đảng trước dân tộc. Vì muốn tồn tại trong lòng dân tộc, dẫn dắt dân tộc, Đảng đã dũng cảm dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, nói đúng sự thật để làm sao cho đất nước tiến lên, xứng đáng với các tiền nhân. Tại buổi gặp mặt, căn dặn và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, Bác Hồ đã căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Cho nên nếu Đảng không phấn đấu, để có nhiều khuyết điểm sai lầm thì không những vô trách nhiệm với nhân dân, mà còn vô trách nhiệm với tổ tiên. Cho nên Đảng đã ý thức được điều đó nên trong suốt quá trình đấu tranh với những tiêu cực, Đảng luôn làm hết sức cương quyết”-ông Hùng cho hay.

Phân tích thêm, ông Hùng cũng cho rằng: Đạo đức và văn minh không chỉ là quan điểm của nội bộ Đảng, mà đó còn là ý nguyện của dân tộc, của nhân dân. Đảng đã nhận mình với sứ mệnh là đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc. Do vậy Đảng luôn cố gắng phải làm sao để thực sự trở thành đạo đức, văn minh đáp ứng sự mong đợi của tổ tiên và dân tộc. Cho nên Đảng đã đặt ra rất nhiều vấn đề, trước tiên là các đảng viên, các cấp lãnh đạo phải gương mẫu thực sự, gương mẫu thực hiện, đừng nói suông.

Trong suốt 90 năm qua, Đảng đã tồn tại, phát triển với bao nhiêu cam go, khó khăn. Khi mới thành lập nước, Bác Hồ đã viết “Sửa đổi lối làm việc”. Tất cả những vấn đề mà Bác tiên đoán về những nguyên nhân làm cho con người hư hỏng và cách khắc phục đã được Bác chỉ ra trong táp phẩm này. Và đến nay những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự.

Tăng cường tự phê bình, phê bình

Trong giai đoạn hiện nay để nâng cao sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng mạnh mẽ hơn, đấu tranh chống lại các biểu hiện sai trái, ông Hùng cho rằng: Cần tăng cường tự phê bình và phê bình, đấu tranh trong nội bộ. Những nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng đã được đề ra trong điều lệ Đảng thì phải thực hiện. Đừng biến sinh hoạt Đảng như sinh hoạt câu lạc bộ, hời hợt, đại khái, qua loa.

Theo ông Hùng, một nguyên tắc quan trọng của Đảng là ở đâu cũng phải có chi bộ. Trong các cơ quan, đoàn thể, ban bộ, ngành, khu dân cư đều có chi bộ. Do đó chi bộ phải làm sao sinh hoạt cho tốt. Trong nguyên tắc và Điều lệ Đảng đã ghi rõ: mọi đảng viên đều phải sinh hoạt chi bộ, bất kể ở cấp nào. Trong chi bộ có những đồng chí là cán bộ cao cấp, nhưng cũng có người chỉ là nhân viên. Tuy nhiên cần phải nghĩ rằng nghe chi bộ cũng là lắng nghe dân.

“Vừa rồi nếu các tổ chức Đảng có sức chiến đấu tốt thì không có những đảng viên mắc sai lầm đến mức độ phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự”-ông Hùng nói.

Chính vì vậy ông Hùng cho rằng: Phải duy trì sinh hoạt chi bộ có chất lượng. Trong nội dung sinh hoạt phải tự phê bình và phê bình một cách thực chất, không hình thức. Tất cả các cái đó đều đã có quy định nhưng thực hiện không nghiêm. Vì thế người ta mới có câu tổ chức Đảng ở nơi để xảy ra vi phạm bị tê liệt. Bản thân tê liệt không nói được nhau thì sao có thể lãnh đạo được nhân dân. Không gương mẫu, không bảo nhau gương mẫu thì nhân dân không tin. Nhân dân chỉ thấy Đảng qua những đảng viên, những tổ chức Đảng gần họ. Hàng ngày những quyết định liên quan đến đời sống, chế độ chính sách với họ không tốt thì khó có thể nói phát huy vai trò của Đảng, làm củng cố lòng tin của dân với Đảng.

“Chính vì thế, bây giờ phải làm thế nào để các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng phải được thực hiện. Nâng cao chất lượng tự phê bình, phê bình là nguyên tắc sinh hoạt Đảng đồng thời cũng là công cụ để làm trong sạch Đảng. Đó là cái để đảng viên tự cứu lấy mình. Thế nhưng bấy lâu nay tự phê bình, phê bình còn hình thức. Bây giờ không có cách nào khác, phải làm cho các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng đi vào chất lượng, làm cho Đảng ngày càng mạnh lên. Nếu đảng viên có sai phạm mà tìm cách bao che, trốn tránh tránh nhiệm, khuyết điểm là rất gay. Đấy chính là tự phê bình. Còn phê bình làm thế nào để tất cả mọi đảng viên dám nói, dám phát hiện, dám phát biểu. Và quan trọng, những phát biểu của đảng viên phải được tổ chức, cơ quan chức năng lắng nghe”-ông Hùng nói.

Chỉ ra thực tế hiện trong nội bộ Đảng giờ có không ít đảng viên thấy sai không nói, không đụng đến, theo ông Hùng đó là do người đứng đầu không khuyến khích, không nêu gương, chưa kể có hiện tượng trù dập những người thẳng thắn. Vì vậy để nâng cao sức chiến đấu, tăng cường tự phê bình và phê bình cần phải phát huy dân chủ trong Đảng, trong nhân dân. “Đảng ta đã 90 tuổi, có nhiều kinh nghiệm đấu tranh. Bây giờ những kinh nghiệm ấy phải được hâm nóng lại và tổ chức thực hiện. Trước tiên là nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Làm cho mọi đảng viên phải hiểu sâu sắc, và thực hành nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng”-ông Hùng lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020): Sức chiến đấu của Đảng ngày càng mạnh mẽ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO