Ai về đất khó ?

Nguyên Khánh 23/07/2017 08:00

Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Sơn La, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chính các địa phương phải kiến tạo, hành động, phát huy những giá trị độc đáo, nét khác biệt riêng có của địa phương thay vì chỉ biết đưa ra những khó khăn”. Chỉ có như thế mới trở thành đối tác, kêu gọi đầu tư một cách hiệu quả. Nhưng cho tới nay, những vùng đất khó vẫn vắng bóng nhà đầu tư. Vì sao?

Tây Bắc với nhiều tiềm năng nhưng chưa được đánh thức.

Thu hút đầu tư, đó là nhiệm vụ không chỉ đối với địa bàn thuận lợi. Càng không phải chỉ chú trọng vùng thuận lợi mà “bỏ quên” vùng khó. Nhưng làm thế nào để thu hút đầu tư, điều đó không chỉ được gỡ bằng cơ chế chính sách, bằng tăng các khoản đầu tư từ ngân sách. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Sơn La đầu tuần qua thì “chính các địa phương phải kiến tạo, hành động, phát huy những giá trị độc đáo, nét khác biệt riêng có của địa phương thay vì chỉ biết đưa ra những khó khăn”.

Đã có rất nhiều chính sách, những khoản ưu đãi đặc biệt cho vùng đất khó, nhưng đất nghèo vẫn hoàn nghèo. Không chỉ dựa vào các khoản đầu tư từ ngân sách, phải xã hội hóa để xã hội chung tay vào cuộc vực lại đất nghèo. Theo đó, cách duy nhất là tạo những điều kiện thuận lợi để kéo các nhà đầu tư về vùng đất khó. Đã có nhiều chính sách được ban hành. Những chiếc thảm đỏ đã được trải ra mời gọi nhà đầu tư, nhất là khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Theo Luật này, các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện khó khăn được áp dụng nhiều ưu đãi đầu tư như, áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất. Thời hạn hoạt động của Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quy định tối đa 70 năm (các dự án khác 50 năm).

Về chính sách đất đai, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước sau thời gian được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của thời gian xây dựng cơ bản. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Không chỉ ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào vùng đất khó cũng thông thoáng hơn nhiều.

Theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, tất cả các dự án thực hiện đầu tư trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn đều được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (trừ các dự án: thủy điện có công suất từ 50MW trở lên, nhiệt điện, xi măng, sắt thép; đường bộ, cầu đường bộ; đường sắt và cầu đường sắt).

Ưu đãi là vậy, nhưng thực tế vùng khó vẫn chẳng hết khó, chuyện miền núi đuổi kịp miền xuôi là chuyện xa vời. Cụ thể, Tây Bắc, Tây Nguyên vẫn là vùng miền nghèo nhất so với cả nước. Thu ngân sách ở những địa bàn này mới đáp ứng được 1/3 chi ngân sách địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống nhân dân các thôn bản vùng sâu, vùng xã gặp nhiều khó khăn.

Vậy thì vì lý do gì những vùng nghèo vẫn khó? Tại cuộc xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên diễn ra mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: 5 tỉnh Tây Nguyên có môi trường kinh doanh chưa tốt, còn yếu kém nên hạn chế các nhà đầu tư vào đây. “Đất đai của vùng này rất rộng, tiềm năng rất lớn, nhưng chính sách chưa thông thoáng, tính minh bạch chưa cao, chưa tốt”.

Thủ tướng chỉ đạo các lãnh đạo chủ chốt các tỉnh Tây Nguyên phải cải thiện ngay vấn đề thủ tục đầu tư. Bỏ ngay quan niệm cũ, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế lâu dài, mà trước mắt là đơn giản hóa thủ tục đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư vào tỉnh mình.

Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Sơn La, Thủ tướng gợi mở, nếu có chiến lược đúng đắn, sự phối hợp, hướng đi đúng đắn của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp cùng sự giúp đỡ của trung ương thì nhất định “chúng ta sẽ thu hút mọi du khách, nhiều nhà đầu tư từ đông sang tây, từ Á sang Âu đến mảnh đất này”.

Tuy nhiên, muốn thu hút được nhà đầu tư phải có tinh thần kiến tạo ở các cấp, các ngành. Kiến tạo phải bằng hành động để đem lại những kết quả cụ thể, nhất là ở cơ sở. “Kiến tạo không phải chỉ biết tìm ra khó khăn để đối phó, phó mặc cho định mệnh mà chúng ta phải có tinh thần vượt lên chính mình như chuyển động ở một số địa phương thời gian qua”. “Muốn kiến tạo phải có niềm tin, phát huy những giá trị độc đáo, nét khác biệt riêng có của địa phương thay vì chỉ biết đưa ra những khó khăn”- Thủ tướng chỉ đạo.

Xung quanh vấn đề này, ĐĐK giới thiệu ý kiến của một số nhà quản lý, chuyên gia.

Ông Trương Xuân Cừ.

Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ: Vẫn trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách

Hiện nay Tây Bắc chưa thực sự là một địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đầu tiên là vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực ở các tỉnh Tây Bắc còn có những điểm hạn chế. Giao thông Tây Bắc rất khó khăn, tác động bất lợi tới chi phí đầu tư, kinh doanh.

Ngay cả đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã kéo Tây Bắc về gần với các trung tâm phát triển kinh tế, song chưa đủ tạo nên đột phá khi việc đấu nối tuyến đường này với các tỉnh còn lại vẫn đang là phương án. Thứ nữa, Tây Bắc là vùng nghèo nhất trong cả nước.

Nhìn vào danh sách 12 tỉnh Tây Bắc - phạm vi chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, có thể thấy, hầu hết các địa phương vẫn còn phải trông chờ vào “bầu sữa” nhà nước. Sự chủ động trong các kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư của chính quyền các địa phương còn rất hạn chế. Vì vậy, cần chủ động thu hút đầu tư vào để đổi thay vùng đất khó.

Để thu hút đầu tư vào Tây Bắc, vùng đất này cần khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đặc biệt liên kết giữa các địa phương trong vùng, lựa chọn những ngành, lĩnh vực và lãnh thổ có vai trò động lực, để tập trung phát triển, làm hạt nhân thúc đẩy phát triển cho cả vùng. Đồng thời tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, cung cấp những căn cứ, thông tin, tiềm năng và cơ hội đầu tư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng để thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Bà Bùi Thị An.

Nguyên ĐBQH Bùi Thị An: Thủ tục đầu tư còn bất cập

Các tỉnh Tây Nguyên được xem là vùng có khí hậu, đất đai và khoáng sản vào loại bậc nhất cả nước và Đông Dương, nhưng thời gian qua chưa có dự án nào đáng kể đầu tư vào đây để khai thác, nâng tầm kinh tế của vùng này lên. Vì sao nhà đầu tư không mặn mà là bởi tiềm năng thì có, nhưng hiện việc đầu tư gặp nhiều khó khăn, trong đó thủ tục đầu tư còn nhiều bất cập. Nếu xóa bỏ được rào cản này, các nhà đầu tư sẽ “nhảy vào” để giúp Tây Nguyên phát triển.

Đối với khu vực Tây Bắc, cần tập chủ động hợp tác, liên kết để tìm ra giải pháp cho phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài các nguồn vốn bố trí từ ngân sách, ODA... cho các công trình trọng điểm, các địa phương cần xác định mức độ ưu tiên đầu tư cho các công trình khác mang tính liên vùng và tập trung nguồn lực để phát triển các dự án này; giữa các tỉnh trong vùng Tây Bắc. Vùng này cũng cần có sự phân công hợp lý, để mỗi tỉnh nên tập trung đào tạo chuyên sâu một số ngành, tránh trùng lắp.

Ông Vũ Tiến Lộc.

Chủ tịch Phòng Thương mại- Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội

Hiện nay vùng Tây Bắc đang tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc. Mắc lớn nhất là hạ tầng giao thông. Do địa hình chia cắt, đồi núi, giao thông Tây Bắc còn rất khó khăn, là những trở ngại đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ sớm được khắc phục vì theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 6 tuyến hành lang kinh tế được ưu tiên.

Đây vừa là những trọng điểm đầu tư của Chính phủ đối với phát triển hạ tầng giao thông của vùng, vừa là cơ hội, địa chỉ đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vị trí địa lý là rào cản nhưng xét cho cùng liệu cơ sở hạ tầng, vị trí địa lý có phải là khó khăn duy nhất của vùng này? Tôi cho rằng, sự yếu kém về cơ sở hạ tầng hay chất lượng nguồn nhân lực chắc hẳn sẽ được khắc phục một phần nếu địa phương có công tác điều hành kinh tế tốt, có chiến lược phát triển tốt.

Ngược lại, thực tế đã chứng minh nhiều địa phương có sẵn nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực nhưng lại không bứt phá, thu hút đầu tư được tương xứng với lợi thế có sẵn này. Điều tôi muốn nhấn mạnh là năng lực điều hành kinh tế, mức độ cải cách hành chính, sự hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp và nhà đầu tư của chính quyền cấp tỉnh đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh nói riêng và toàn vùng nói chung.

Hiện Tây Bắc vẫn còn nhiều bất cập như thiếu mô hình liên kết trong các góc độ mặc dù có khởi sắc. Thí dụ một dự án lớn nằm trên tỉnh nhưng có liên quan đến nguồn nước của nhau thì việc điều hành vẫn chưa được tốt.

Thứ hai, thúc đẩy cải cách cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, song cũng là công tác mà các địa phương trong vùng còn gặp nhiều lúng túng, rất cần sự tham gia, tư vấn, vào cuộc của các nhà đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai về đất khó ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO