Ám ảnh thực phẩm bẩn

Nhật Minh 18/07/2016 11:00

Ăn gì để không nguy hiểm tới tính mạng? Đó là câu hỏi thường trực hiện nay trong mỗi người tiêu dùng Việt Nam khi mà cơn bão thực phẩm bẩn đã và đang hoành hành trong từng bữa ăn của mỗi gia đình. Theo giới chuyên gia, câu hỏi này rất khó trả lời khi mà lợi nhuận đã làm mờ mắt những nhà sản xuất thiếu lương tâm…

Ám ảnh thực phẩm bẩn

Nhiều vụ thực phẩm bẩn khiến người tiêu dùng lo ngại.

Hàng ngàn cơ sở vi phạm

Chị Lê Thúy Quỳnh, Phương Mai - Hà Nội cho biết, mặc dù nghe nói nhiều về thực phẩm bẩn, cũng thấy cơ quan chức năng vào cuộc sát sao, nhưng chị vẫn không thấy vấn nạn này có dấu hiệu thuyên giảm. “Từng ngày, từng giờ vẫn thấy báo chí đưa tin bắt được các vụ việc tẩm hóa chất vào thực phẩm, bơm thuốc kháng sinh vào tôm, cá… để tiêu thụ ra thị trường” – chị Quỳnh lo lắng.

Con số thống kê cho biết, trong năm 2015, cơ quan chức năng đã phát hiện 77.946 cơ sở chế biến, kinh doanh vi phạm quy định an toàn thực phẩm; 32.060 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản vi phạm sử dụng chất cấm, hóa chất kháng sinh; tiêu hủy hơn 100 tấn mỡ động vật, thịt, hải sản, cam, rau ; có 4.965 người bị ngộ độc và 23 người tử vong.

Đối diện với vấn nạn thực phẩm bẩn, nhiều người tiêu dùng đã không ngần ngại bỏ ra 4,5 triệu đồng để mua máy đo tồn dư hóa chất, tuy nhiên, theo nhận định của các nhà khoa học, biện pháp này không giúp cho thực phẩm an toàn hơn mà chỉ mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng, đây chỉ là giải pháp tâm lý còn thực chất không giúp được gì nhiều cho người tiêu dùng trước nạn thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay.

Thông tin từ ngành Y tế, chỉ trong vòng một thập kỷ qua, hơn 1/3 dân số các nước phát triển bị ảnh hưởng của các bệnh do thực phẩm gây ra mỗi năm, gây tử vong hơn 2,2 triệu người, trong đó hầu hết là trẻ em. Việt Nam có 35% số người mắc ung thư, là do sử dụng thực phẩm không an toàn. Xu hướng ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra ở quy mô nhiều quốc gia, việc phòng ngừa và xử lý trở thành một thách thức lớn của toàn nhân loại.

Theo giới chuyên gia ngành nông nghiệp, một trong những nguyên nhân gây nên vấn nạn về thực phẩm bẩn hiện nay là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn lạc hậu, nhỏ lẻ; quản lý chất lượng sản phẩm còn lỏng lẻo ở nhiều khâu trong chuỗi từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, bao gói, tiêu thụ thực phẩm; nhận thức và ý thức, trách nhiệm về an toàn của các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, quản lý còn nhiều hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát, chế tài xử phạt và xử chưa đủ sức răn đe.

Cần một chiến lược dài hạn

Thực tế này đã đặt ra yêu cầu cần có những rà soát, đánh giá tổng thể, nhận diện các vấn đề cốt lõi, tiềm ẩn và hiện hữu; các nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng trên, từ đó, có những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm đạt được sự cải thiện trên thực tế trong ngắn hạn và lâu dài.

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, chưa bao giờ vấn nạn thực phẩm bẩn lại gây bức xúc trong dư luận như thời điểm hiện nay, nhiều người bất lực đặt câu hỏi “ăn gì để không chết?” Theo ông, câu hỏi này quá khó để giải đáp khi mà đâu đâu người ta cũng sẵn sàng đầu độc đồng loại vì lợi nhuận.

Để siết chặt lại vấn nạn này, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, cơ quan quản lý phải tăng cường mạnh mẽ hơn công tác thanh, kiểm tra để giám sát và ngăn chặn tối đa thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường; tiếp tục rà soát, đưa ra các văn bản, qui định phù hợp, để có thực phẩm ngày càng an toàn hơn. Chính phủ phải quan tâm, phải đầu tư hơn nữa cho công tác quản lý, cho hệ thống tổ chức, các nguồn lực để đáp ứng yêu cầu quản lý ATTP, có mức độ xử phạt thật mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm về vấn đề an toàn thực phẩm.

Nêu giải pháp, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, hiện nay thực phẩm được tiêu thụ chủ yếu thông qua hệ thống phân phối truyền thống (chợ) và hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại). Có thể nói chợ thực phẩm là nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu cho mỗi gia đình. Bởi vậy, để kiểm soát được thực phẩm tại các chợ, nhà quản lý cần bổ sung thêm các trạm kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và an toàn vệ sinh.

“Bên cạnh đó, việc quy hoạch các vùng trồng rau quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản tập trung, có quy mô đủ lớn, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến đồng thời bảo đảm các điều kiện về VSATTP; kiểm soát quá trình nuôi trồng, chế biến từ tất cả các khâu nhằm đảm bảo đầu ra của các ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến… để tăng tỷ trọng thực phẩm sạch trên thị trường” – ông Mạc Quốc Anh đề xuất.

Theo giới chuyên gia ngành nông nghiệp, để hạn chế vấn nạn thực phẩm bẩn, cần gia tăng nguồn cung thực phẩm sạch, nhà quản lý thường xuyên tổ chức các chương trình mô hình cung ứng thực phẩm an toàn từ tran trại đến bàn ăn để thực phậm bẩn không còn là nỗi lo ngại đối với người tiêu dùng. Ngoài ra người dân trồng trọt chăn nuôi thủy hải sản cần ngiêm túc chấm hành về việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thật vật theo tiêu chuẩn VietGAP do Bộ NN&PTNT ban hành.

Tại cuộc hội thảo về vấn đề nông nghiêp sạch diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, TS. Phạm Xuân Đương - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương đã đưa ra quan điểm: Để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp trong tiến trình hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giống nòi, tăng tuổi thọ và sức khỏe của người Việt Nam, vấn đề đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm đã được đặt ra như một nhiệm vụ chiến lược dài hạn trong chiến lược phát triển bền vững ở nước ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ám ảnh thực phẩm bẩn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO