Ảm đạm sở giao dịch hàng hóa

Minh Phương 09/05/2018 01:00

Dù đã triển khai được một thời gian khá dài song, hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa qua các Sở giao dịch hàng hóa trong nước còn ảm đạm, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, dẫn đến thanh khoản thấp.

Nhận định nói trên được đưa ra tại Hội nghị phổ biến Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, do Bộ Công thương tổ chức sáng 9/5, tại Hà Nội.

Thông tin về những điểm mới trong Nghị định 51, đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Công thương cho biết, Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã mở rộng hình thức của lệnh giao dịch, ngoài yêu cầu bằng văn bản, các hình thức có giá trị tương đương như điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định đều có thể được chấp nhận; Cho phép Sở giao dịch hàng hóa được liên thông với nhau trong nước và nước ngoài…

Theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, trước đây, với Nghị định số 158, các giao dịch trên sàn hàng hóa chưa đến được với người nông dân, mà chỉ có DN tham gia; thậm chí DN cũng chưa nắm bắt rõ về Sở giao dịch hàng hóa. Còn với Nghị định 51 mới, chúng ta kết nối các sàn giao dịch trong nước với nhau (nếu có) và hướng tới kết nối với các sàn giao dịch nước ngoài. “Việc này sẽ tạo rất nhiều thuận lợi, về thông tin, về lượng hàng xuất đi, giá cả… nên sẽ thuận lợi hơn trong việc đánh giá thị trường” - ông Vinh nhận định.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương cho rằng, mô hình Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đã triển khai được nhiều năm qua. Tuy nhiên, tính đến nay, cả nước mới thành lập được rất ít các sở giao dịch hàng hóa. Hàng hóa giao dịch tại các sở chủ yếu vẫn là các loại nông sản, chủ yếu là cà phê; còn các sản phẩm công nghiệp là hãn hữu. Hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa qua các Sở giao dịch hàng hóa trong nước còn ảm đạm, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, dẫn đến thanh khoản thấp. Các sản phẩm cũng chưa phong phú, đa dạng.

Về hành lang pháp lý, trước đây chúng ta cũng chưa có được quy định về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa tại nước ngoài; chưa có quy định về nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn thành lập Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam; mua cổ phần, phần vốn góp… hay chưa có quy định cụ thể về danh mục hàng hóa được phép giao dịch qua sở giao dịch hàng hóa, gây tốn kém thời gian cho doanh nghiệp mỗi lần cấp phép bổ sung.

Nhằm phát triển mô hình Sở giao dịch hàng hóa, ngày 9/4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa. Ông An cho rằng, Nghị định mới đã giải quyết được các vướng mắc trong thời gian hoạt động của các Sở giao dịch những năm qua, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho DN, người nông dân và các Sở giao dịch mua bán hàng hóa.

Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam được xem là tổ chức duy nhất hoạt động trong lĩnh vực giao dịch hàng hóa được Bộ Công thương cấp phép, cung ứng các giao dịch hàng hóa kỳ hạn và vật chất. Và tháng 7 tới đây, Sở giao dịch này sẽ chính thức đi vào hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ảm đạm sở giao dịch hàng hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO