Ấm lòng nơi đất khách

Lục Bình 25/10/2015 07:55

Yêu thương, sẻ chia, lá lành đùm lá rách… nét truyền thống quý báu ấy được các thế hệ người Việt bồi đắp. Nhờ truyền thống ấy, những người Việt xa quê đã vượt qua bao nỗi đắng cay của cuộc mưu sinh, ngày càng có đóng góp thiết thực cho quê hương.

Ấm lòng nơi đất khách

Bữa tiệc cuối năm của Việt kiều Séc.

Không dựa vào nhau làm sao trụ được nơi xứ người

“Chúng tôi muốn trụ vững nơi xứ người thì phải dựa vào nhau. Bạn có tin, ở một nơi rất xa, nơi miền xa đất lạ... chỉ cần cất lên một câu tiếng Việt, tâm hồn bạn sẽ ấm áp lạ thường…” - một kiều bào Thụy Điển chia sẻ.

Trên thế giới, cộng đồng người Việt không phải là những người giỏi nhất, giầu nhất nhưng chắc chắn họ là những người trọng tình nhất, những kiều bào mà tôi tiếp xúc đều khẳng định như vậy. Không nặng nghĩa đồng bào làm sao có chuyện mỗi lần đất Mẹ gặp thiên tai, địch họa, những người con xa lại vội vã trở về, bằng cách này hay cách khác đùm bọc cho dải đất hình chữ S lắm đau thương, nhiều mất mát này.

Tuy nhiên, ở bài viết này, tôi muốn đề cập đến những câu chuyện cảm động của những người Việt xa xứ đùm bọc nhau trong những ngày mưu sinh khốn khó nơi xứ người.

Ông Hoàng Diểu - Chủ tịch Tổng hội Người Việt Nam tại Lào chia sẻ, chuyện “bầu ơi thương lấy bí cùng” ở Lào nhiều không kể xiết. Nếu bạn có dịp đến Thủ đô Vientiane, thăm chùa Phật Tích sẽ cảm nhận được không khí ấm áp của tình đồng bào nơi đất khách.

Ở đây, chùa không chỉ là nơi kiều bào tập trung để vọng tưởng cố hương mà còn là nơi bồi đắp tình người ấm áp. Ngoài những bữa cơm chay miễn phí cho bà con nghèo, nhà chùa luôn tìm đến những hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ. Bởi với những người con đất Việt, chỉ cần biết nơi nào trong vùng khó khăn, bất kể là người Việt hay người bản địa họ cũng tận tình giúp đỡ.

Phó Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Thái Lan Lê Văn Huấn cũng có những sự đồng cảm như vậy, ông bảo, cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan thường xuyên tổ chức gặp gỡ, chia sẻ những khó khăn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cùng nhau đoàn kết, chăm chỉ làm ăn góp phần vào sự phát triển của nước sở tại cũng như tích cóp để gửi về quê hương.

“Tại Pháp hiện cũng có rất nhiều sinh viên và các bạn luôn một lòng hướng về quê hương đất nước. Hội sinh viên tại đây cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động như: Hoạt động tình nghĩa, giúp đỡ sinh viên gặp khó khăn, đoàn kết thanh niên... Chính sự sẻ chia ân tình này đã khiến các bạn sinh viên trẻ trụ vững nơi xứ người trong quá trình du học” - Chủ tịch Hội sinh viên tại Pháp Tạ Minh Trí cho biết,

Cô dâu của xứ xở kim chi, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc Lê Thị Anh Thư kể rằng, có rất nhiều phụ nữ Việt trở thành cô dâu Hàn. Xuất phát từ đặc điểm này, Hội Phụ nữ tại Hàn Quốc cũng như Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc đã mở những văn phòng hỗ trợ cộng đồng.

Tại đây, có cả một đội ngũ nhân viên làm công tác thông dịch, hỗ trợ tư vấn 24/24h cho tất cả những phụ nữ gặp rắc rối trong hôn nhân. Ngoài ra, Hội đã và đang nỗ lực kết nối với những cơ quan chức năng để kêu gọi sự giúp đỡ khi cần thiết và yêu cầu có biện pháp xử lý những vụ bạo lực gia đình. “Các cô dâu Việt sẽ không cô đơn nơi xứ người” - chị Thư nhấn mạnh.

Tiếng Việt, người Việt

Những người Việt xa xứ luôn tâm niệm, ở đâu có tiếng Việt thì ở đó có người Việt. Vì vậy, những người lớn tuổi luôn nỗ lực dạy cho lớp trẻ thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 trên đất Mỹ biết tiếng Việt như là một trong những cách gìn giữ cội nguồn nơi đất khách. Ông Lê Văn Duyên, kiều bào Mỹ chia sẻ: Ở Mỹ, khi đến bất cứ ngôi chùa Việt Nam hoặc đến bất cứ nhà thờ nào có cộng đồng người Việt bạn đều thấy có lớp dạy Việt ngữ. Những giáo viên ở đây đều là những người tình nguyện, họ không nhận bất cứ thù lao nào khi dạy tiếng Việt cho trẻ.

Vì sao, những bạn trẻ được sinh ra trên đất Mỹ lại hào hứng học tiếng Việt đến vậy, ông Duyên chia sẻ rằng, lớp trẻ muốn học tiếng quê hương để đến gần nhau hơn. Không biết tiếng Việt, họ sẽ lạc lõng trong các bữa tiệc đoàn tụ cuối năm nơi xứ người.

Tôi có một người bạn thân xuất cảnh theo gia đình định cư tại Thụy Điển ngót 30 năm rồi. Cô chia sẻ rằng, bất kể ai khi mới sang đều được những người Việt nơi đây giúp đỡ từ những việc nhỏ nhất như đi chợ ở đâu thì rẻ đến cả kinh nghiệm khi làm thủ tục với chính quyền sở tại như thế nào... Chính tiệm sơn móng tay móng chân nhỏ bé của cô cũng sẵn sàng bố trí việc cho những người đồng hương mới đến đất nước Bắc Âu xa xôi này.

Tuy nhiên, nếu muốn chứng kiến tình đồng hương nơi xứ người, bạn phải đến Thụy Điển vào ngày Tết, cô bạn tôi nói. “Ở đó, có những bữa tiệc, không có nhiều sơn hào, hải vị mà chỉ toàn những món ăn quê nhà. Để có được cái Tết xa xứ mang đậm văn hoá Việt, tuỳ theo hoàn cảnh, điều kiện, mỗi người góp một chút đồ đạc được gửi từ Việt Nam sang để đón Tết. Quây quần bên nhau sau một năm lăn lộn với cơm áo gạo tiền ở một nơi rất xa Việt Nam mới thấm nỗi nhớ nhà, Tuyết nói.

Kể về những kỷ niệm “rất Việt Nam” nơi xứ người, Tuyết bảo, cách đây 3 năm, khi cùng mọi người đi mua sắm, chuẩn bị đón Tết cùng người bản xứ, cô đã chứng kiến câu chuyện cảm động: Một bé gái người Pháp, gốc Việt khoảng 5 tuổi cầm trong tay rất nhiều chiếc đèn lồng nhỏ dùng để trang trí cây trong nhà. Một chiếc đèn bị rơi, lăn xuống đường, đúng lúc một chiếc ô tô chạy đến. May mắn, bé gái ấy được một người đi đường bế lên, tránh chiếc ô tô đang đi đến.

Cô bé nhoẻn miệng cười: “Con cảm ơn chú, nhờ có chú mà con cứu được chiếc đèn lồng nội gửi từ Hà Nội sang cho con đón Tết”. Hoá ra, cô bé ấy rất thích được đón Tết cổ truyền của người Việt. Theo lời mẹ cô bé, vì bận công việc, vợ chồng chị chưa bao giờ tổ chức đón Tết cổ truyền. “Giờ người Việt nơi đây tưng bừng đón Tết cùng nhau. Ai cũng hân hoan tranh nhau gói bánh chưng, làm nem và nấu bát miến đậm chất quê hương để thưởng thức trong những ngày đông giá rét”, Tuyết tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấm lòng nơi đất khách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO