Âm nhạc mùa giãn cách: Kết nối và lan tỏa

Quỳnh Chi 01/08/2021 06:15

Trong khi nhiều lĩnh vực nghệ thuật đang “án binh bất động” vì Covid-19 thì một số ca sĩ, nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc vẫn tìm cách để mang tiếng hát của mình đến với công chúng. Đặc biệt, nhiều ca sĩ đăng ký “lao vào vùng dịch” để hát phục vụ các bác sĩ, bệnh nhân đồng thời mang theo nhiều hàng cứu trợ…

Sân khấu đặc biệt giữa “tâm dịch”

Mặc dù đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng trong những ngày qua, một số hoa hậu, người mẫu, diễn viên, ca sĩ, MC, YouTuber… đã hưởng ứng, tham gia làm tình nguyện viên hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP HCM nhằm đóng góp công sức để cùng cả nước chung tay vượt qua đại dịch Covid-19.

Sau những buổi hỗ trợ, được sự cho phép, các nghệ sĩ đã mang tiếng hát, lời ca của mình để phục vụ đội ngũ y, bác sĩ và những người đang được điều trị, cách ly.

Sáng 29/7, đoàn xe của các nghệ sĩ Nhà văn hóa Thanh niên có mặt tại Bệnh viện dã chiến số 4, huyện Bình Chánh. Với khoảng 12 thành viên, trong đó có sự góp mặt của các ca sĩ quen thuộc như Phương Thanh, Quốc Đại, Lê Minh... Dưới thời tiết lúc nắng lúc mưa, nhưng các nghệ sĩ vẫn “cháy” hết mình trên sân khấu ngoài trời.

Mặc dù âm thanh bị trục trặc, ca sĩ Lê Minh vẫn tự tin hát chay, khán giả cũng vỗ tay theo truyền lửa cho nhau. “Đây là sân khấu đặc biệt đối với tôi. Nhìn thấy bệnh nhân, từ các em nhỏ cho đến các cô chú lớn tuổi đang chiến đấu với Covid-19, bản thân mình vô cùng xúc động. Chỉ mong tiếng hát như món quà tinh thần giúp mọi người xoa dịu đi mệt mỏi và áp lực”, ca sĩ Lê Minh chia sẻ.

Ca sĩ Phương Thanh cũng là một trong những người tích cực đồng hành cùng nhóm tình nguyện viên nghệ sĩ trong tháng 7 vừa qua.

“Trong nhiều trường hợp, tôi và các nghệ sĩ hát vọng từ xa với âm thanh khuyếch đại chỉ bằng thùng “loa kẹo kéo” di động. Thế nhưng ý nghĩa và sự xúc động thì đong đầy bởi họ đã xông pha đến những nơi tuyến đầu phòng, chống, chữa trị dịch bệnh Covid-19 để “cổ vũ tinh thần y, bác sĩ, động viên các F0. Rất trân quý và thương lắm”, ca sĩ Phương Thanh bày tỏ.

Ca sĩ Ánh Tuyết thu âm ca khúc “Gửi vô Nam”.

Tham gia hát phục vụ các bệnh nhân, những người làm nhiệm vụ ở tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh vào những ngày qua còn có ca sĩ Nguyễn Phi Hùng. Anh đã hát những bài hát ăn khách trong sự nghiệp của anh, cũng như các bài hát mang giai điệu sôi nổi như “Nối vòng tay lớn” (Trịnh Công Sơn), “Niềm tin chiến thắng” (Lê Quang), “Việt Nam ơi” (Minh Beta)...

Bên cạnh đó, anh cũng hát những ca khúc mình sáng tác trong thời gian gần đây như “Bao la những trái tim hồng”, “Có một Sài Gòn như thế” để tri ân các y bác sĩ chống dịch Covid-19 cùng những tấm lòng nhân ái.

Trước đó, tối 24/7, tại Bệnh viện dã chiến số 3, TP Thủ Đức, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đeo kính chống giọt bắn cùng khẩu trang được khoét lỗ để thổi lên giai điệu bài “Quê hương” (nhạc: Giáp Văn Thạch, phổ thơ Đỗ Trung Quân), “Diễm xưa” và “Còn tuổi nào cho em” (Trịnh Công Sơn).

“Tôi từng biểu diễn không biết bao nhiêu sân khấu lớn, nhỏ trong cuộc đời hoạt động âm nhạc. Tuy nhiên, tôi không thể nào quên được giây phút đứng trước khán giả gồm hàng trăm y bác sĩ, nhân viên y tế và hơn 10.000 bệnh nhân F0”, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn chia sẻ.

Ngoài Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Ngọc Linh tham gia chương trình với các nhạc phẩm: “Rồi từ đây” (nhạc ngoại, lời Việt: Quang Huy), “Tình thơ” (Hoài An)...

Biểu diễn ca hát là một trong các hoạt động ý nghĩa của đội tình nguyện gồm nhiều nghệ sĩ do MC Quỳnh Hoa, Phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP HCM, đồng thời là trưởng nhóm nghệ sĩ - khởi xướng.

Chị cho biết nhóm nghệ sĩ đăng ký hiện nay khoảng 130 người, trong đó có 80 người hoạt động thường xuyên như: Phương Thanh, Quốc Đại, Nguyễn Phi Hùng, diễn viên Peter Phạm, người mẫu Hoàng Phi Kha...

Ca sĩ Phương Thanh, Quốc Đại hát phục vụ ở một khu cách ly tại TP HCM.

Cách ly không cách lòng

Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã tập trung sáng tác những ca khúc mới, hoặc tung ra những album, MV âm nhạc đặc biệt, nhằm đem tới cho công chúng những giai điệu tươi vui, lạc quan. Trong đó, có thể kể tới nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung viết ca khúc “Mong sao hết dịch”.

Nguyễn Văn Chung cho biết, anh sáng tác bài hát sau khi nghe tâm sự của một người bạn về những đêm mất ngủ do thất nghiệp, không có thu nhập trả tiền thuê nhà, sinh hoạt. Anh nhờ giọng ca Như Thùy thu âm tại nhà, sau đó chuyển cho nhạc sĩ Trần Việt Dương hòa âm trên tiếng đàn ukulele. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng từng sáng tác ca khúc “Ngày mai lại tươi”, “Bài ca khu cách ly” để ngợi ca lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Các ca sĩ tên tuổi như Hồng Nhung, Ánh Tuyết cũng đã thực hiện MV ca nhạc trong mùa dịch này. Nếu từ Hội An, Ánh Tuyết vừa hoàn thành MV xúc động “Gửi vô Nam” thì tại TP HCM, Hồng Nhung thực hiện MV “Quê hương cần nắng” để tri ân các bác sĩ, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

Ca sĩ Hồng Nhung bày tỏ, trong khó khăn, gian nan thì nghệ thuật là cứu rỗi về tinh thần. Nghệ thuật mang đến cái đẹp và chạm vào lòng người. Thời điểm này, những bài hát về công tác phòng chống dịch góp phần để mọi người cảm thấy tinh thần thoải mái hơn và như được nâng đỡ lên.

Tiếp thêm vào dòng chảy âm nhạc mùa giãn cách này, có thể kể tới nhiều ca khúc mới được hoàn thành và công bố ngay lập tức được khán giả đón nhận như: “Sài Gòn tôi sẽ” (Nguyễn Thái Dương), “Sài Gòn ơi! Xin lỗi, cảm ơn” (Tuấn Hưng - Khắc Việt), “Cô Vi đi xa” (Dế Choắt)...

Các nghệ sĩ chèo, cải lương cũng không đứng ngoài cuộc. Mới đây, 20 nghệ sĩ cải lương và chèo gồm NSND Tự Long, NSND Thuý Ngần, NSND Thanh Tuấn, NSND Thanh Hương, NSND Khắc Tư, NSƯT Hồ Ngọc Trinh, NSƯT Diệu Hằng, NSƯT Phương Mây, NSƯT Hoàng Tùng, NSƯT Ngọc Bích, NSƯT Thuỳ Linh, tài năng trẻ sân khấu chèo Quốc Phòng, NSƯT Hà Bắc, Chuông vàng vọng cổ Võ Minh Lâm, nghệ sĩ Quỳnh Sen, nghệ sĩ Xuân Hồng… đã tham gia một dự án âm nhạc mùa dịch.

Đặc biệt là NSND Tự Long tham gia tới 10 bài ca chèo và 2 bài cải lương, NSƯT Diệu Hằng hát 5 bài chèo, NSND Thuý Ngần hát 5 bài chèo, nghệ sĩ Xuân Hồng tham gia hát 4 bài cải lương… NSND Thanh Tuấn, giọng ca tên tuổi của cải lương miền Nam, năm nay đã 71 tuổi nhưng cũng nhiệt tình tham gia 2 MV.

Bên cạnh đó, Á hậu Thúy Vân trong khi ở nhà thực hiện giãn cách xã hội đã tận dụng ban công nhà nhìn ra sông Sài Gòn để thực hiện các cảnh quay trong MV “My Vietnam”. Đây là ca khúc do Thúy Vân sáng tác bằng tiếng Anh, từng giúp cô gây ấn tượng tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2015.

Những ngày ở nhà tránh dịch, Á hậu nảy ra ý tưởng viết lời Việt cho ca khúc và thực hiện MV. MV có sự góp mặt của khách mời là những gương mặt từ nhiều lĩnh vực, lứa tuổi khác nhau. Họ tự quay video đàn hát, vẽ tranh... thể hiện tình yêu đất nước để Thúy Vân lồng ghép vào sản phẩm.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, lúc này âm nhạc cất lên từ trái tim của mỗi người, sẽ là món ăn tinh thần giúp người dân vượt qua khó khăn, đầy lùi đại dịch Covid-19.

Vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật

Sở VHTT TP HCM khởi động Cuộc vận động sáng tác, dàn dựng và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề “Chung một niềm tin chiến thắng”. Cuộc vận động sáng tác dành cho mọi đối tượng công dân. Tác phẩm VHNT tham dự cuộc vận động là những tác phẩm đã được công bố, phổ biến và sáng tác mới trong khoảng thời gian từ tháng 8/2019 đến tháng 11/2021, do tác giả hoặc đơn vị, tổ chức sở hữu tác phẩm tự nguyện tham gia.

BTC đặc biệt kêu gọi các những tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác tôn vinh sự đóng góp của lực lượng tuyến đầu, nêu bật sự đồng lòng, chung sức của người dân trong phòng chống Covid-19.

Cuộc vận động sáng tác được tổ chức trên nhiều lĩnh vực: văn học (các thể loại thơ, truyện ngắn, bút ký, tản văn); âm nhạc (sáng tác ca khúc, viết lời mới cho dân ca, bài bản đờn ca tài tử và bài vọng cổ); sân khấu (kịch nói gồm tiểu phẩm và kịch ngắn, cải lương có chặp cải lương và ca cảnh); múa (các thể loại nhảy, múa; hình thức múa ít người và múa tập thể không quá 10 người); nhiếp ảnh (ảnh thời sự, nghệ thuật); mỹ thuật (hội họa, điêu khắc, đồ họa); điện ảnh (phim truyện ngắn). BTC sẽ chọn các tác phẩm tốt để giới thiệu, phổ biến rộng rãi với công chúng.

Thời gian nhận tác phẩm tham gia cuộc vận động từ tháng 8/2021 đến hết ngày 30/11/2021. Thời gian công bố giải thưởng và giới thiệu tác phẩm đạt giải dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2022.

Dịp này, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân cũng vừa có thư gửi các nhạc sĩ, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, kêu gọi các nhạc sĩ cùng sáng tác các ca khúc phòng, chống dịch Covid-19, để có thêm nhiều tác phẩm âm nhạc, nhằm góp phần cổ vũ động viên lực lượng trên tuyến đầu, tiếp thêm sức mạnh cùng cả nước phòng chống dịch.

Bảo Quỳnh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Âm nhạc mùa giãn cách: Kết nối và lan tỏa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO