Nhạc sĩ Đức Huy: Chờ tình yêu đến trong ánh nắng mai

Vương Tâm 15/09/2019 07:03

Đức Huy hiện thân là một nghệ sĩ lãng du với âm nhạc: anh vừa đàn vừa hát trên mọi tuyến đường lang bạt, anh nói âm nhạc đã chọn mình như một sự cứu rỗi đường đời. Thật hiếm thấy Đức Huy biểu diễn tình khúc của người khác, anh chỉ hát những bài tự sáng tác trong suốt hơn 40 năm qua, số lượng ca khúc của anh không lớn nhưng lại vừa đủ để hát liên tục trong mươi đêm liền.

Nhạc sĩ Đức Huy: Chờ tình yêu đến trong ánh nắng mai

Nhạc sĩ Đức Huy (trái) trong vai trò giám khảo chương trình “Ban nhạc quyền năng”.

Sự dịch chuyển và “Cơn mưa phùn”

Đức Huy lên 4 tuổi đã ngơ ngác với nỗi buồn chia ly khi cha mẹ bỏ nhau. Theo mẹ lên nhà thờ cậu vẫn thường hát về niềm vui và ước vọng tươi sáng của cuộc đời. Cậu hát mà rơi lệ vì nhớ cha. Chuỗi âm thanh rền vang của cây đàn nhà thờ dần dần làm cho Đức Huy nguôi ngoai nỗi buồn, từ đó, âm nhạc là nơi cậu trú ngụ và được xoa dịu nỗi chờ mong. Cũng từ đây Đức Huy long đong theo mẹ sống cùng cha dượng. Đơn vị của cha chuyển đến đâu là gia đình phải đi theo đến đấy…

Năm 1954, gia đình rời quê Sơn Tây di cư vào phương Nam, cuộc sống càng trở nên vô định. Nay ở Đà Nẵng, lúc lại sống tại biển Nha Trang, khi lại lên Đà Lạt, cuối cùng đơn vị của cha dượng được chuyển về Sài Gòn (1961). Khi đó Đức Huy đã bước sang tuổi 14. Tuy vậy, đến đâu Đức Huy vẫn được mẹ và cha dượng cho ăn học đến nơi đến chốn và tiếp xúc với âm nhạc nhà thờ thường xuyên. Hơn mười năm đi hát nhà thờ, tâm hồn Đức Huy trở nên dịu dàng và tràn đầy mộng ước. Nguồn cảm xúc về những giai điệu luôn trỗi dậy mỗi khi nỗi buồn tha hương day dứt ở tuổi thiếu niên. Nhưng may mắn thay, khi gia đình Đức Huy được sống gần nhạc sĩ Nguyễn Vũ, một người họ hàng thân thuộc và là tác giả của ca khúc “Bài thánh ca buồn”. Thấy cậu em họ Đức Huy đam mê âm nhạc, lại có năng khiếu đặc biệt, nhạc sĩ Nguyễn Vũ rất vui mừng và truyền dậy.

Vừa đi học, Đức Huy vừa chăm chút từng ngón đàn ghi-ta đầu tiên trong cuộc đời. Do có năng khiếu trời ban và tâm hồn nhạy cảm, chỉ trong vòng một năm anh đã thành thạo những bài học cơ bản. Đức Huy say mê cây đàn ghi-ta suốt ngày đêm luyện tập không biết mệt mỏi. Anh học mọi nơi mọi lúc, luyện từng ngón đàn khó từ các bậc đàn anh chỉ dậy. Có ngày nghe đĩa nhạc tới 40 lần để tìm cho ra những hợp âm của bản nhạc và anh không hề bỏ qua những bộ phim ca nhạc nào. Nhất là những bản độc tấu ghi-ta. Đức Huy dành mọi số tiền ít ỏi để mua đĩa hay vào rạp lắng nghe các nghệ sĩ biểu diễn. Lúc nào anh cũng sống trong cơn mộng du với những hợp âm trong những bản hòa tấu ghi-ta. Chỉ trong 2 năm khổ luyện và chịu khó học hỏi, Đức Huy tự tin xin tuyển vào ban nhạc Les Vampires - đây là ban nhạc nổi tiếng nhất ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Đức Huy khi đó mới 16 tuổi trong khi đó các thành viên khác đều được đào tạo từ những nơi danh tiếng, nhưng ngón đàn khá điêu luyện của anh đã chinh phục được mọi người.

Chơi trong ban nhạc, nhưng Đức Huy lại có tài phối khí và sáng tác ca khúc. Trong thời gian này anh vẫn vừa chơi đàn vừa học Đại học Văn khoa. Có lần anh cùng ca sĩ Thanh Tuyền trình bày ca khúc “Cơn mưa phùn” đã gây bất ngờ cho khán giả - đó là sáng tác đầu tiên của anh được trình làng. Âm sắc thánh ca phần nào đã ảnh hưởng trong âm nhạc của Đức Huy ngay từ bản nhạc đầu tiên. Khán giả bắt đầu chú ý đến anh cũng bởi nét đẹp chậm buồn da diết có phần lãng đãng mộng mơ của tuổi trẻ. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh mải miết ngày đêm chơi đàn trong những ban nhạc nổi tiếng nhất ở Sài Gòn vào đầu thập niên 70. Anh muốn lấy âm nhạc làm sự nghiệp mưu sinh và thỏa mãn niềm đam mê của mình. Ngỡ như mọi chuyện sẽ thuận buồm xuôi gió nếu không có cuộc ra đi cùng gia đình vào năm 1975 sang đất Mỹ.

Du ca trên biển

Cái số của Đức Huy thuộc về bản mệnh thiên di. Phận tha hương thật nghịch cảnh. Từ một cử nhân văn khoa và là nhạc công tài ba, vậy mà Đức Huy khởi nghiệp ở Mỹ bằng công việc làm bảo mẫu. Có khi bưng bê ở nhà hàng hoặc lăn vào bếp xào nấu thức ăn, sang hơn một chút có lần anh được nhận chân văn thư bảo lưu hồ sơ. Gần mười năm quay cuồng kiếm ăn không đâu vào đâu, ngỡ như âm nhạc đã từ bỏ anh. Nhưng rồi cuối cùng trời cũng thương khi anh đi xin hát cho một nhà hàng Trung Hoa và Nhật Bản: Đức Huy vừa làm nhạc công vừa hát phục vụ khách hàng. Đặc biệt trong thời gian chơi nhạc tại nhà hàng Nhật Bản anh đã sáng tác bài hát “Và tôi cũng yêu em”. Khán giả của quán bar này mê luôn giọng hát vui tươi của anh. Đặc biệt, anh đã bỏ công luyện hát những bài ca tiếng Nhật, làm người nghe vô cùng thích thú. Tình ca “Và tôi cũng yêu em” được coi là mốc son khởi nghiệp âm nhạc của Đức Huy trên xứ người.

Nhạc sĩ Đức Huy: Chờ tình yêu đến trong ánh nắng mai - 1

Nhạc sĩ Đức Huy.

Nhưng rồi cái số thiên di lại lôi kéo Đức Huy ra khỏi quán bar người Nhật và ném lên con tầu định mệnh - đó chính là con tầu du lịch lớn lênh đênh khắp các vùng đại dương bao la. Anh hát phục vụ du khách trong mỗi chuyến đi và dịch chuyển trên vùng biển châu Mỹ. Nghĩa là nay đây mai đó với cả ngàn du khách trên con tàu cắm cờ Liên Hiệp Quốc của 64 quốc gia. Hàng ngày Đức Huy vừa đàn vừa hát tiếng Anh và sáng tác, anh còn biểu diễn theo yêu cầu của người nghe. Một cuộc viễn du kỳ thú bằng âm nhạc của Đức Huy kéo dài trong 5 năm (1984-1989). Có lẽ đây là giai đoạn huy hoàng nhất về sáng tác và biểu diễn của Đức Huy. Anh có những ca khúc rất nổi bật: “Người tình trăm năm”; “Một tình yêu”, “Để quên con tim”, hay như “Tiếng mưa đêm”, “Bay đi cánh chim biển”, “Và con tim đã vui trở lại”… Hơn thế nữa, trong cuộc viễn du này Đức Huy đã gặp Thảo My, một ca sĩ cùng biểu diễn. Tình yêu giữa họ nảy sinh. Đây cũng là suối nguồn cảm xúc cho những tình khúc mới của Đức Huy ra đời. Cuộc tình thơ mộng giữa hai người được ghi dấu ấn khi Đức Huy viết tặng riêng Thảo My các ca khúc hay: “Đừng xa em đêm nay”, “Những đêm trăng tròn”, “Còn mãi thương nhau”…

Nhưng rồi đầu thập niên 1990, không biết bao nhiêu khó khăn ập đến. Cuộc viễn du âm nhạc của Đức Huy bị ngừng trệ bởi thị trường âm nhạc hải ngoại thoái trào. Không còn mấy show diễn như trước nữa trước nền kinh tế toàn cầu xuống dốc. Đầu tiên vợ chồng Đức Huy khai trương phòng thu. Sau đó hai người còn mở nhà hàng kiếm tiền nuôi ba con ăn học. Lại hơn mười năm vật lộn với đời sống khó khăn và những mâu thuẫn nảy sinh, hai vợ chồng anh chia tay sau 13 chung sống (năm 2004). Ngay sau đó, không còn cách nào khác, Đức Huy quay về Việt Nam mong tìm lại được khán giả của mình. Anh mong muốn tiếp tục phát triển sự nghiệp tại quê nhà. Với bản lĩnh vững vàng tràn đầy niềm tin, nhạc sĩ Đức Huy đã bắt nhịp được thị trường âm nhạc trong nước. Anh tiếp tục sáng tác và đi biểu diễn phục vụ khán giả ở khắp nơi. Dường như nét duyên dáng và tươi sáng của anh đã xóa nhòa những nếp nhăn thời gian.

Âm nhạc - người tình trăm năm

“Và con tim đã vui trở lại” là tên album đầu tiên của Đức Huy phát hành tại Việt Nam (năm 2005). Lại như một khởi điểm mới sau hơn mười năm vất vả kiếm sống và xa cách âm nhạc. Trở về quê mẹ như sự hồi sinh cho chặng đường âm nhạc mới của Đức Huy: anh được mời biểu diễn trên truyền hình và nhiều chương trình ca nhạc lớn trong nước - đó là ước vọng bấy lâu nay ấp ủ trong trái tim anh. Nhạc sĩ Đức Huy hiện diện đầu tiên trong chương trình “Duyên dáng Việt Nam” với cây đàn ghi-ta quen thuộc. Giọng hát anh thêm phần lạc quan đúng với tâm thế người con về đất mẹ.

Cùng thời gian, nhạc sĩ Đức Huy được mời làm giám khảo các cuộc thi âm nhạc và nghệ thuật trên truyền hình. Đó là “Bước nhảy hoàn vũ”, “Gương mặt thân quen”, “Sao Mai điểm hẹn”… và mới đây nhất là chương trình “Ban nhạc quyền năng” (năm 2019). Đặc biệt, cuộc hôn nhân thứ hai của Đức Huy (năm 2013) với một nữ khán giả hâm mộ mình tại quê nhà được coi là động lực mới cho hành trình âm nhạc trong tương lai. Đúng như lời anh viết: “Chờ tình yêu đến trong ánh nắng mai. Xóa tan màn đêm u tối. Cho tôi biển đổi tâm hồn thành một người mới”. Và niềm vui ấy đã thực sự trọn vẹn trong cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhạc sĩ Đức Huy: Chờ tình yêu đến trong ánh nắng mai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO