Tuổi 90 chống gậy dạy ca trù

Minh Phúc 24/11/2019 08:00

Bao năm qua, có một cụ già gần 90 tuổi vẫn thuộc làu từng làn điệu ca trù cổ và ngày ngày miệt mài truyền dạy cho lớp trẻ từ làng trên xóm dưới - đó chính là cụ Nguyễn Thị Khướu ở Chanh Thôn, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.

Tuổi 90 chống gậy dạy ca trù

Tuy tuổi cao nhưng cụ Nguyễn Thị Khướu vẫn có thể đọc thuộc từng bài ca trù trong cuốn sách của Nhạc viện Hà Nội kính tặng.

Thăng trầm nghề nghiệp

Chúng tôi tìm đến làng Chanh Thôn trong một buổi chiều muộn, không khí làng quê yên bình mà dịu dàng quá đỗi. Hôm ấy, gặp chúng tôi cụ Khướu kể cho nghe tường tận về nguồn gốc cũng như sự đặc sắc của loại hình nghệ thuật hiếm có này. Theo cụ Khuớu, ca trù đến với Chanh Thôn một cách ngẫu nhiên, nhiều năm về trước có một kép đàn bên Hưng Yên về làng ở rể, ông thường gẩy đàn và hát một mình những lúc nhàn rỗi, dần dần dân làng thấy hay nô nức đến học. Từ thời bà nội của cụ Khướu, Chanh Thôn đã vang danh khắp đất Bắc Kỳ là làng hát ca trù hay số một, bản thân bà nội cụ Khướu cũng là một ca nương có tiếng, nhiều lần vào cung biểu diễn cho bá quan văn võ.

Lớn lên trong gia đình nhà nòi, cụ Khướu học hát ca trù từ năm 11 tuổi và đến năm 14 tuổi đã được bà nội cho đi diễn cùng. Hồi đó mỗi lần đi hát cùng bà, được cho bánh trái là mừng khôn xiết, nhưng thích nhất là lúc hát xong mọi người đánh trống chầu và vỗ tay ầm ầm.

Ca trù ngày xưa thịnh hành, hễ đám cưới, hội hè, ngày vui gì đều hát, nhưng thù lao chẳng được bao, hơn nữa chi phí đi lại cũng hết. Nhưng cụ bảo: “Dễ gần như tất cả các làng ở Bắc bộ này tôi đều đi hết rồi. Hồi trẻ mê lắm, mà hát ca trù kiêng khem lắm thứ, nào là không được uống rượu, ăn cay, ăn tanh… phải giữ tiếng thì giọng mới mềm mại được”. Đi hát được vài năm thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra, cả nước sục sôi trong không khí kháng chiến, cụ Khướu cũng như bao thanh niên trai tráng trong thôn tạm gác công việc riêng tham gia cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám, ca trù bị xem là thứ giải trí không lành mạnh, nhà cụ Khướu đi xuống khi cái nghề “kiếm cơm” cũng không thể dùng.

Tiếng hát át tiếng lòng

Thời kỳ trước đổi mới năm 1986, cụ Khướu gần như không đi biểu diễn, chỉ hát ở làng và một số vùng lân cận do không ai thuê. “Ca trù hồi đó tưởng chừng như mất hẳn, tôi cũng chỉ tự hát rồi tự nghe cho đỡ nhớ”. Cụ Khướu từ một ca nương phải trở về với ruộng đồng, cày cấy. Thậm chí, các con của cụ cũng không ai mặn mà với ca trù. Cụ nhớ có lần đám cưới con, cụ bảo để rủ mấy bà bạn trong làng về hát ca trù giúp vui đám cưới, nhưng các con không nghe, cụ buồn lắm. Cụ Khướu vốn không thông thạo mặt chữ nên những bài ca trù cổ mà bà cụ truyền lại cụ chỉ cố nhớ. Bao năm cụ Khướu không có nổi một học trò để truyền nghề.

Ở Chanh Thôn, những người hát ca trù hay đã dần dần ra đi theo quy luật của thời gian, chỉ còn cụ Nguyễn Thị Vượn và cụ Nguyễn Thị Khướu cùng nhạc công Vũ Văn Khoái là còn sót lại. Để giữ lại một nghệ thuật dân gian đang có nguy cơ mai một, 3 cụ đã cùng nhau vận động con cháu trong làng mở CLB Ca trù Chanh Thôn (năm 2007), ban đầu cũng chỉ thu hút được một vài người, về sau càng ngày càng đông dần lên, hiện tại là 25 thành viên.

Rồi cụ Khoái cũng đã ra đi, cụ Vượn bị lẫn, CLB Ca trù chỉ còn trông cậy vào duy nhất cụ Khướu. Mỗi một tuần CLB sinh hoạt 1-2 lần tại đình làng, nhưng cụ bảo “có nhiều đứa học được vài buổi thì bỏ, tôi buồn lắm”. Với quyết tâm làm một điều ý nghĩa trước khi về với tổ tiên, cụ Khướu đã đến từng nhà vận động từng cháu gái, thậm chí có lần phụ huynh các cháu còn nói “ca trù sao kiếm sống được, ca trù chỉ để nghe chơi thôi”. Nghe vậy lòng cụ nhói đau!

Không chỉ dạy ca trù đơn thuần, cụ Khướu còn dạy ý nghĩa của ca trù đối với cuộc sống, cụ bảo: “Ca trù đều là những vần thơ hay, có ý nghĩa, do tầng lớp trí thức xưa sáng tác, chính vì vậy hát không chỉ để nghe mà còn để ngẫm. Tôi muốn các cháu biết ngày xưa ông cha ta nghe gì, giải trí gì, để các cháu tự hào về vốn văn hóa của dân tộc”. Rồi cụ ca mấy câu trong các bài “Hơn nhau một chữ thì”, “Kiếp nhân sinh”, “Hồng hồng tuyết tuyết”...

Mong ước tuổi già

Kể từ khi ca trù Chanh Thôn được Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tây phát hiện năm 2007, cụ Khướu nhiều lần được mời đi lưu diễn, cụ cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn. Cụ được tiếp xúc với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đặc biệt là GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. “Ông Thanh rất coi trọng ca trù và luôn động viên chúng tôi cố gắng truyền nghề khi còn có thể”, nhưng theo cụ một năm vẫn có quá ít cơ hội cho ca trù, chỉ có dịp tết, Liên hoan ca trù toàn quốc, Giỗ Tổ Hùng Vương. “Văn ôn võ luyện” mà một năm có 2-3 lần thì không thể giỏi được, đấy là chưa kể các cháu có duy trì được tình yêu dài với ca trù không?” - cụ trầm ngâm.

Cụ Khướu ước mơ có một chuyên ngành đào tạo chính quy ca trù như tuồng, chèo vậy. Cụ bảo: “Phải có ngành học chính quy, sách vở hẳn hoi và đầu ra nữa, thì sẽ khơi dậy không ít năng khiếu”. Cụ Nguyễn Thị Khướu đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú loại hình Biểu diễn nghệ thuật dân gian năm 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuổi 90 chống gậy dạy ca trù

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO