Âm vang núi rừng

MIÊN THẢO (Giới thiệu) 01/07/2015 10:14

Âm nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trên đất nước ta rất phong phú và độc đáo, trong đó hệ thống nhạc cụ là rất điển hình. Trong số báo này, xin giới thiệu một số nhạc cụ của đồng bào một số dân tộc miền núi phía Bắc. Số báo sau, sẽ giới thiệu nhạc cụ của đồng bào Tây Nguyên.

Biểu diễn Khèn Mông

1. Với đồng bào Tày, hát Then không thể thiếu cây đàn tính (còn gọi là “tính tẩu”).

Đàn được chế tác từ quả bầu và gỗ lấy từ trong rừng. Đàn tính gồm 3 bộ phận chính: bầu đàn - có chức năng cộng hưởng âm thanh, cần đàn và dây đàn. Bầu đàn bao giờ cũng được làm tù nửa quả bầu khô. Đó là quả bầu khô to, già và hình dáng tròn đẹp, được bà con để dành trước đó khoảng 1 năm, đã khô kiệt.

Cũng không phải quả bầu nào to, dáng đẹp cũng được chọn để làm bầu đàn tính. Người ta có ý thức trồng bầu để làm đàn một cách rất rõ rệt. Dây bầu ấy được chăm sóc chu đáo, không bón phân mà chỉ dùng nước sạch để tưới. Cách chăm sóc dây bầu như vậy còn mang ý nghĩa tâm linh, muốn đạt tới sự thuần khiết tạo ra âm thanh trong trẻo của tiếng đàn tính.

Sáo Mông

Một cây đàn tính dùng trong việc hát Then thường có 3 dây, tượng trưng cho cha, mẹ và đất nước.

Đàn tính được bà con người Tày dùng vào hát Then mang tính chất nghi lễ, nhưng nó cũng là cây đàn được sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, trong tất cả các lễ hội. Khi tỏ tình, những cô gái Tày xinh đẹp cũng gẩy lên những âm thanh réo rắt, đôi khi là se buồn. Hầu như người phụ nhữ Tày nào cũng biết gẩy đàn tính, bởi nó quen thuộc, gần gũi, gắn bó với họ ngay từ khi còn là một bé gái chập chững biết đi. Bà nội, bà ngoại, mẹ và chị gái đã truyền dạy cho em những ngón đàn từ đơn giản đến phức tạp. Vì thế, theo thời gian, tiếng đàn tính của người phụ nữ Tày càng sâu sắc hơn.

Trong nhiều gia đình người Tày miền núi cao phía Bắc, đàn tính được coi là vật thiêng, được gìn giữ và trao truyền từ đời này sang đời khác. Vì thế, có những cây đàn tính tới nay đã tới hơn trăm năm tuổi. Nhất là đối với những nghệ nhân, cây đàn tính bao giờ cũng được nâng niu, trân trọng. Tới nay, đàn tính vẫn là nhạc cụ phổ biến trong cộng đồng người Tày, nó đem lại niềm vui tươi, yêu đời cho bà con.

Đàn tính

2. Đồng bào Mông lại rất quý cây khèn và sáo. Cây khèn Mông đã làm nên thương hiệu văn hóa cho đồng bào. Nó được chế tác từ tre nứa và gỗ. Cấu tạo của một chiếc khèn Mông cũng không quá phức tạp, bao gồm 5 ống tre con và 1 ống cả dùng để ghép nối các ống con. Để làm khèn, người ta phải chọn lựa kĩ càng những nhánh tre già hong trên gác bếp 3 tháng. Sau đó mới thông mắt và đục mỗi ống 1 lỗ nhỏ bằng nhau ở đầu ống khèn. Duy có ống khèn cả thì làm bằng gỗ xoan hoặc gỗ pơ-mu, đục rỗng ruột, khoét lỗ để ghép 5 ống con. Việc ghép nối các ống khèn con với ống khèn cả phải rất khít, không cho không khí lọt vào nhằm đảm bảo độ vang.

Cây khèn được dành cho người con trai, thổi lên gọi bạn tình và cũng thổi lên để cô gái xòe ô xoay tròn theo vòng múa nhịp nhàng. Nó tạo nên một hình ảnh vô cùng lãng mạn, đắm say lại bồi hồi mà rạo rực. Nó làm người trẻ hòa mình vào tình yêu còn với người cao tuổi thì bồi hồi nhớ lại tuổi thanh xuân của mình đã một đi không trở lại.

Cùng với cây khèn, cây sáo Mông cũng hết sức độc đáo. Nó không chỉ là một nhạc cụ giải trí đơn thuần, mà còn là phương tiện giao duyên hữu hiệu của các chàng trai đối với các cô gái trong bản. Buổi chiều miền sơn cước, nghe vọng đâu đây tiếng trầm đục của sáo Mông bảng lảng trong màn sương buông rơi, không ai kìm được những tình cảm xao xuyến trong lòng. Sáo Mông cổ truyền làm bằng ống nứa dày hoặc trúc, dài khoảng 20 cm và có đường kính khoảng 0,7 cm. Người ta nói rằng, sáo Mông hay ở chỗ nó vừa trong trẻo mượt mà lại vừa trầm rè một cách hết sức đặc biệt. Không một chàng trai người Mông nào không biết thổi sáo, khi đi rừng, xuống chợ, bao giờ họ cũng mang theo cây sáo. Nó đã trở thành người bạn thủy chung của những chàng trai người Mông Tây Bắc.

Trống đất

3. Tới nay, cũng ít người biết được rằng đồng bào Mường cùng với dàn cồng thì còn có một loại nhạc cụ nữa rất độc đáo, đó là trống đất. Hiện nó cũng chỉ còn ở xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ và Kỳ Sơn (Nghệ An). Trống đất được coi là thuỷ tổ của các loại trống. Truyền thuyết kể rằng, trống đất có từ thời vua Hùng. Đó là loại nhạc cụ rất đơn giản: Chỉ cần một sợi dây Cát đằng dài chừng 2 mét và cành bương dài 1 mét, cộng với 2 mo nang khô, vài chiếc nẹp tre là đủ.

Người ta chọn nơi đất mịn bằng phẳng, khoét một hố tròn đường kính 20 cm, sâu chừng 40 cm, ở giữa phình ra kiểu hình chum, còn miệng và đáy thắt lại, rồi dùng 2 chiếc mo nang khô che kín hố, dùng nẹp tre ghim 4 bề để ép phẳng mo nang. Sau đó cắm 2 cọc bương hai bên, căng sợi dây thật thẳng, thế là có một chiếc trống đất. Khi đánh, người ta chỉ cần gõ lên sợi dây tạo ra những âm thanh khác nhau. Điểm đáng chú ý là người ta có thể vít cọc để tạo ra âm thanh ngân dài, hoặc chặn bàn tay lên dây để tạo âm sắc đanh gọn.

Đây được coi là nhạc cụ lâu đời nhất của người Việt cổ, tuy nhiên tới nay nó đã không còn xuất hiện. Có chăng chỉ được lưu giữ ở một vài nghệ nhân dân gian mà thôi.

4. Với bà con người Thái (Mai Châu, Hòa Bình), cây khèn bè mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc. Khèn bè được coi là cây cầu âm thanh kết tinh của tình yêu đôi lứa.

Khèn bè gồm 14 ống nứa, xếp từ thấp đến cao, chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống. Khèn bè của đồng bào Thái thể hiện những cung bậc cảm xúc trong các bài hát dân ca truyền thống, là một nhạc cụ mà cấu tạo của nó đã nâng lên thành nghệ thuật. Tiếng khèn bè gắn kết cộng đồng, như lời một bài hát:

Tiếng khèn làm đẹp bản Mường
Như nắng dệt gấm trên quê hương
Như núi lam xanh sương đêm vừa gội
Như suối hát tình ca, như tiếng người yêu gọi...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Âm vang núi rừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO