Ấn Độ: Nhiều nơi nóng đến mức khó sống

Linh Chi 05/07/2019 06:00

Các đợt nắng nóng kéo cực đoan đã khiến hơn 100 người thiệt mạng ở Ấn Độ trong mùa hè này và được dự báo sẽ còn diễn biến tồi tệ hơn trong những năm tới, tạo nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo khi nhiều phần của đất nước này có thể quá nóng đến mức khó sống.

Ấn Độ: Nhiều nơi nóng đến mức khó sống

Một số khu vực của Ấn Độ có mức nhiệt độ vượt quá 50 độ C. (Nguồn: Independent).

Những đợt nắng nóng ở Ấn Độ thường diễn ra trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Nhưng trong những năm gần đây, các đợt nóng này trở nên cực đoan hơn, thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Ấn Độ là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu – theo Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC).

Giới chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachusette (MIT) của Mỹ nói rằng ngay cả khi thế giới cắt giảm được lượng khí thải carbon, hạn chế được mức tăng tối thiểu nhiệt độ toàn cầu…thì nhiều khu vực của Ấn Độ vẫn sẽ trở nên quá nóng đe dọa môi trường để con người có thể sinh sống. “Các đợt nóng trong tương lại thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn do tác động của biến đổi khí hậu” – ông Elfatih Eltahir, Giáo sư chuyên ngành khí hậu tại MIT, nhận định.

Những đợt nóng cực đoan

Chính phủ Ấn Độ quy định rằng, một đợt nóng xảy ra khi nhiệt độ tăng ít nhất 4,5 độ C so với mức nhiệt độ thông thường trong ít nhất 2 ngày. Một đợt nóng được gọi là “nghiêm trọng” khi nhiệt đột tăng cao hơn 6,4 độ C so với nền nhiệt độ thông thường trong ít nhất 2 ngày.

Ngưỡng được coi là đợt nóng cũng khác ở nhiều vùng khác nhau. Như ở thủ đô New Delhi, một đợt nóng được tuyên bố khi 2 ngày liên tiếp nhiệt độ ở mức tối thiểu 45 độ C.

Năm ngoái, có khoảng 484 đợt nóng được ghi nhận trên khắp Ấn Độ, tăng 21 đợt so với năm 2010. Trong giai đoạn đó, hơn 5.000 người đã thiệt mạng. Con số năm nay cũng cho thấy tình trạng nắng nóng không thuyên giảm. Tháng 6 vừa qua, nhiệt độ ở New Delhi có thời điểm lên tới 48 độ C, mức cao nhất từng được ghi nhận trong tháng đó. Trong khi nằm ở phía Tây thủ đô, thành phố Churu gần phá kỷ lục nhiệt độ khi có thời điểm nhiệt độ lên tới 50,6 độ C.

Bang nghèo nhất của Ấn Độ là Bihar, đã phải đóng cửa tất cả trường học, ĐH và trung tâm đào tạo trong vòng 5 ngày sau khi một đợt nóng khiến hơn 100 người thiệt mạng. Bang này cũng đưa ra khuyến cáo người dân nên ở trong nhà trong những thời điểm nóng nhất trong ngày – điều được cho là không thực tế bởi có hàng triệu người vẫn phải làm việc ngoài trời để có thu nhập.

Kế hoạch hành động khẩn cấp

Diễn biến thời tiết ở Ấn Độ không phải độc nhất. Rất nhiều nơi trên thế giới cũng đang trải qua những đợt nóng cực đoan, trong đó có Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nepal và Zimbabwe.

Ấn Độ hiện vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển Kế hoạch Hành động ứng phó Nắng nóng áp dụng trên toàn quốc. Cơ quan Khí tượng nước này (IMD) đang phối hợp với các cơ quan y tế để tạo nên hệ thống cảnh báo sớm, gửi tin nhắn cho hàng triệu người dân để tuyên truyền về cách chống nóng, khi các đợt nóng xảy ra.

Thành phố Ahmedabad thuộc bang Gujarat lần đầu tiên công bố kế hoạch hành động vào năm 2013, và các đoạn tin nhắn mà họ gửi đi, các trạm nước uống tăng cường cùng những lời khuyến cáo đã giúp giảm số lượng người chết do nắng nóng khoảng 2.000 người.

Cùng lúc, Ấn Độ cũng đang tìm kiếm các giải pháp dài hạn. Là một nước ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Ấn Độ đã cam kết cắt giảm 33% tổng lượng khí thải carbon vào năm 2030.

Tháng trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố nhiều kế hoạch để thêm 500 gigawatts năng lượng tái sinh vào mạng lưới điện quốc gia vào năm 2030. Nhưng vào năm đó, nguồn năng lượng tái sinh cần phải chiếm ít nhất 40% tổng lượng điện tiêu thụ ở Ấn Độ. Đất nước này cũng lên kế hoạch trồng thêm rừng để tăng khả năng hấp thụ carbon.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Ấn Độ vẫn có thể nỗ lực hơn bằng cách giảm sự phụ thuộc vào than đá trong sản xuất điện năng. Một bản báo cáo do Cơ quan Điện lực Trung ương Ấn Độ công bố trong tuần này chỉ ra rằng, nhiệt điện vẫn sẽ chiếm tới một nửa năng lượng điện của nước này trong năm 2030, dù đã đầu tư mạnh tay phát triển năng lượng mặt trời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn Độ: Nhiều nơi nóng đến mức khó sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO