Ẩn họa khó lường từ xe tự chế

Tâm Lê 13/11/2021 09:00

Theo kế hoạch, việc xử lý dứt điểm xe tự chế trên địa bàn tỉnh Hải Dương phải hoàn thành trong năm 2018, tuy nhiên đến nay, các loại xe này vẫn tồn tại, hoạt động ở nhiều địa phương, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Thời gian qua, tình trạng các xe tự chế thường xuyên hoạt động trên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã gây không ít nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Theo quy định, xe tự chế gồm: Xe công nông, xe máy kéo nhỏ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và xe thô sơ 3 bánh, xe 4 bánh (trừ xe 3 bánh dùng làm phương tiện của thương binh, xe tự chế cho người tàn tật, có đăng ký, biển số...) Các loại xe này bị cấm lưu hành từ 1/1/2008. Tuy nhiên ở nhiều nơi trong tỉnh Hải Dương, chúng vẫn được lưu thông trên các tuyến đường bộ, đặc biệt là trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, trên đê, thậm chí cả trong khu dân cư đông đúc.

Khảo sát trên các tuyến đường của một số huyện như: Bình Giang, Cẩm Giàng, Nam Sách, Kim Thành, thị xã Kinh Môn…, chúng tôi không khó bắt gặp hình ảnh những chiếc xe tự chế chở vật liệu xây dựng, hàng hóa vẫn vô tư hoạt động. Một số xe gắn máy được người dân chế thêm phần giá kéo có bánh phía sau để chở những đoạn sắt dài hàng mét giữa đường rất nguy hiểm.

Việc nhận biết những chiếc xe tự chế này không có gì là khó. Bởi phần lớn các xe loại này đều có đặc điểm chung là cũ nát, hết hạn sử dụng, thiếu đèn cảnh báo… và do người dân tự ý lắp ráp, cải tạo nên không theo một quy chuẩn nào.

Một người dân điều khiển xe tự chế ở xã Thái Tân, huyện Nam Sách cho biết, loại xe này nhỏ, gọn, có thể dễ dàng di chuyển ở những đường thôn, xóm, ngõ, ngách trong khi những xe vận tải chuyên dụng không thể đáp ứng được. Giá thành đầu tư cho một chiếc xe cũng không nhiều, đồng thời giá vận chuyển của loại xe này cũng rẻ hơn nhiều so với các loại phương tiện khác. Do vậy, họ vẫn sử dụng dù biết là vi phạm và có thể bị tịch thu phương tiện bất cứ lúc nào nếu bị lực lượng chức năng phát hiện. Trong khi đó, người dân và các phương tiện lưu thông luôn phải cẩn trọng mỗi khi lưu thông trên tuyến đường có xe tự chế đang hoạt động.

Hiện chưa có thống kê chính xác về số lượng xe tự chế trên địa bàn tỉnh Hải Dương, song theo ước tính của cơ quan quản lý thì đang có khoảng hơn 1.000 xe 3 bánh, 4 bánh tự chế đang được sử dụng. Trong đó, nhiều xe hoạt động công khai, không chỉ ở đường thôn xóm, xã, đường huyện mà cả trên đường tỉnh và quốc lộ.

Theo đại diện Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương thì tất cả các loại phương tiện trên được sản xuất, lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu trái phép. Do đó, phương tiện loại này không được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật - bảo vệ môi trường; xe không có đăng ký, không có giấy chứng nhận kiểm định. Các loại xe mô tô kéo được lắp thêm móc sắt ở phía sau, kéo theo thùng xe 3 bánh hoặc kéo xe cải tiến cũng thuộc diện bị cấm lưu thông.

Hàng năm, các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương đã tổ chức một số đoàn liên ngành để kiểm tra, xử lý xe tự chế nhưng thực tế gặp không ít khó khăn và số lượng phương tiện bị xử lý còn ít.

Cụ thể, từ ngày 20-22/10 vừa qua, đoàn liên ngành của tỉnh Hải Dương đã tổ chức lực lượng kiểm tra hoạt động của xe tự chế tại một số địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, do các phương tiện này thường hoạt động lén lút, khung giờ không cố định nên đoàn chỉ phát hiện, lập biên bản xử lý 8 trường hợp vi phạm, xử phạt tổng số tiền hơn 4 triệu đồng.

Tỉnh Hải Dương đã từng đặt ra lộ trình việc xử lý dứt điểm xe 3 bánh, 4 bánh tự chế, ô tô hết niên hạn sử dụng lưu thông trên quốc lộ, đường tỉnh, nội thành, nội thị (trừ xe thu gom rác, xe làm phương tiện đi lại của thương binh, người khuyết tật) phải hoàn thành trước ngày 31/12/2017. Việc xử lý dứt điểm xe 3 bánh, 4 bánh tự chế, ô tô hết niên hạn sử dụng lưu thông trên đường huyện, đường liên xã, đường xã, đường thôn, xóm (kể cả xe thu gom rác) phải hoàn thành trước ngày 31/12/2018. Thế nhưng đến nay, tình trạng xe tự chế không đủ tiêu chuẩn lưu thông vẫn hàng ngày di chuyển trên các tuyến đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Do đó, các cơ quan chức năng cũng như các cấp chính quyền của tỉnh Hải Dương cần có biện pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

Tại điểm 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển, vận hành các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt trái quy định pháp luật. Ngoài ra người nào điều khiển phương tiện xe tự chế tham gia giao thông còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.

Trong trường hợp xe tự chế gây ra tai nạn cho người khác, người điều khiển sẽ phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc bồi dưỡng phục hồi sức khỏe và chức năng bị giảm sút do thiệt hại cho nạn nhân. Nếu gây tai nạn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác thì người điều khiển phương tiện còn có thể đối diện với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ẩn họa khó lường từ xe tự chế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO