Án lệ

Lê Anh Đức 31/10/2015 10:00

Chỉ riêng việc áp dụng án lệ đối với hệ thống dân luật (pháp luật dân sự) cũng đã cần phải hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn án lệ. Còn trong lĩnh vực hình sự, hành chính... càng cần phải có sự lựa chọn kỹ càng, sáng suốt, bởi nếu không nó sẽ xâm phạm quyền con người, quyền công dân.

Án lệ

Ảnh minh họa. (Nguồn: Doisongphapluat.com).

TAND tối cao vừa tổ chức họp báo công bố Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Việc áp dụng án lệ trong xét xử được TAND tối cao kỳ vọng là bước đột phá để đảm bảo sự minh bạch của hoạt động tư pháp. Đây có thể coi là một bước tiến vượt bậc trong nỗ lực cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Song, để lựa chọn được án lệ mẫu mực nhằm áp dụng luật một cách thống nhất ở các cấp tòa án không hề đơn giản.

Thực chất của án lệ là “tiền lệ pháp” hay còn gọi là “phép xét xử theo tiền lệ”, là một hình thức của pháp luật. Theo đó Nhà nước thừa nhận những bản án, quyết định giải quyết vụ việc của tòa án làm khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc, những trường hợp có tình tiết hay vấn đề tương tự sau đó. Án lệ còn là quá trình làm luật của toà án trong việc công nhận và áp dụng các nguyên tắc mới trong quá trình xét xử.

Án lệ chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật và được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, nhất là trong hệ thống pháp luật Anh - Mỹ (Anglo- Sacxon). Ở nhiều nước trên thế giới, án lệ được coi là nguồn luật chủ yếu, nghĩa là phán quyết của tòa án cấp trên có giá trị ràng buộc với phán quyết của tòa án cấp dưới, gần như buộc tòa án cấp dưới phải ra phán quyết giống như vậy trong những vụ việc tương tự (trừ trường hợp tòa án cấp dưới đưa ra được những lập luận về luật chặt chẽ hơn).

Trở lại câu chuyện vì sao việc lựa chọn một bản án được coi là mẫu mực để quyết định ban hành thành án lệ lại không hề đơn giản. Bởi lẽ, nói đến án lệ, người ta thường nói đến sự hạn chế của các quy phạm pháp luật trong một hệ thống pháp luật. Thông thường án lệ chỉ xuất hiện khi có một sự kiện pháp lý mới nảy sinh mà chưa có những quy phạm pháp luật điều chỉnh cụ thể về lĩnh vực đó, hoặc do có xung đột pháp luật (sự chồng chéo và “đá” nhau giữa nhiều bộ luật) mà chưa có các dẫn chiếu pháp luật rõ ràng.

Tòa án sẽ viện dẫn những căn cứ pháp luật được coi là hợp lý để đưa ra một phán quyết có tính đột phá và bản án này sẽ được TAND tối cao công bố là án lệ để áp dụng chung cho các trường hợp tương tự do khiếm khuyết quy phạm phạm pháp luật hoặc chưa có dẫn chiếu rõ ràng. Tuy nhiên, trong điều kiện nước ta hiện nay, hệ thống pháp luật dù đã khá chặt chẽ nhưng cũng không phải là không còn những lỗ hổng dễ bị lợi dụng.

Bên cạnh đó, cũng có không ít vụ án bị sai lệch bởi thiếu sự công tâm khách quan trong việc thực hiện quyền tư pháp. Khi lỗ hổng của pháp luật bị lợi dụng, khi mà thẩm phán không thể tự chủ trong xét xử (bởi tác động vật chất hay can thiệp) thì việc lựa chọn án lệ không cẩn thận sẽ trở thành “tiền lệ xấu” gây hại cho xã hội.

Do đó, việc xây dựng án lệ phải tuân thủ những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt chứ không chỉ đơn thuần là phán quyết bất kỳ của TAND Tối cao đối với một vấn đề mới. Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng tiêu chí: Chứa đựng lập luận chặt chẽ để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, có tính chuẩn mực và có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Ngoài ra, án lệ cũng phải tuân thủ các nguyên tắc về thời hiệu. Án lệ sẽ bị thay thế và huỷ bỏ bằng những quy phạm pháp luật của các đạo luật khi khoảng trống pháp lý đó đã được lấp đầy...

Còn một vấn đề cũng cần phải bàn một cách rốt ráo nếu không sẽ vô cùng tai hại khi được đưa vào áp dụng án lệ. Đó là, do án lệ chỉ được hình thành khi trong quá trình xét xử còn có những khoảng trống pháp luật chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa hết, hoặc có những xung đột pháp luật mà chưa có dẫn chiếu rõ ràng.

Điều này khuyến khích sự sáng tạo của các thẩm phán trong việc vận dụng các quy phạm pháp luật để áp dụng và nâng nó lên thành án lệ. Tuy nhiên, trong pháp luật hình sự của nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, hành vi “sáng tạo” pháp luật trong luật hình sự là một hành vi bị cấm, bởi nó là một loại pháp luật đặc biệt mang nặng tính trừng trị đối với cá nhân, liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Nhìn chung, đa số các nước trên thế giới, đa số các đạo luật được ban hành đều hướng tới lý tưởng bảo vệ sự yếu thế của cá nhân trong sự đối trọng quyền lực với Nhà nước. Đó chính là lý do mà trong pháp luật hình sự, hầu hết các nước đều áp dụng nguyên tắc không có luật (luật chưa điều chỉnh hành vi cụ thể đó) là không có tội. Vì thế án lệ trong pháp luật hình sự chỉ được thừa nhận nếu nó nghiêng về việc bảo vệ quyền lợi của kẻ yếu thế.

Tương tự, trong mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước và công dân, các hành vi xử phạt hành chính cũng “rất kỵ” với sự tồn tại của án lệ, vì các nguyên tắc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân cũng hạn chế sự sáng tạo pháp luật nếu nó gây tổn hại cho cá nhân.

Chỉ riêng việc áp dụng án lệ đối với hệ thống dân luật (pháp luật dân sự) cũng đã cần phải hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn án lệ. Còn trong lĩnh vực hình sự, hành chính... càng cần phải có sự lựa chọn kỹ càng, sáng suốt, bởi nếu không nó sẽ xâm phạm quyền con người, quyền công dân.

Việc chuẩn bị ban hành án lệ của TAND tối cao cho thấy cơ quan được hiến định thực hiện quyền tư pháp đang hướng tới một xã hội ngày càng văn minh, đảm bảo tối đa quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Án lệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO