An ninh năng lượng: Bài toán kinh tế và yếu tố môi trường

Minh Phương 15/01/2020 08:00

Nhiều năm trở lại đây, nguồn cung điện luôn là sự trăn trở của nhà quản lý. Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cần cân bằng cả yếu tố môi trường và bài toán về kinh tế, đó là vấn đề khiến cho những mâu thuẫn trong việc tăng hay giảm nguồn năng lượng nào vẫn tiếp tục. Có ý kiến đề xuất, nên duy trì phát triển nhiệt điện, song không ít chuyên gia phản đối kịch liệt đề xuất này.

An ninh năng lượng: Bài toán kinh tế và yếu tố môi trường

Đầu tư phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) mới là lời giải cho bài toán đảm bảo an ninh năng lượng .

Hiệp hội Năng lượng đề xuất duy trì phát triển nhiệt điện

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành công thương diễn ra mới đây, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, các nguồn nhiệt điện truyền thống sử dụng than, khí giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng điện đến năm 2030. Tuy nhiên việc cung cấp than, khí cho phát điện đang gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể về cung cấp than, ông Ngãi cho biết dự kiến năm 2020 cần khoảng 60 triệu tấn; năm 2025 khoảng 70 triệu tấn, tới năm 2030, khoảng 100 triệu tấn.Trong khi khả năng cung cấp than trong nước chỉ đáp ứng được 30-35 triệu tấn. Như vậy theo ông Ngãi, nhu cầu than nhập khẩu hiện rất cấp bách trong khi phương án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển than vẫn chưa được triển khai.

Về cung cấp dầu, ông Ngãi cho hay, trong các năm tới, do các nguồn điện than vào chậm, cần phải tăng cường huy động chạy dầu, nhu cầu dầu có thể lên tới 1-2 triệu tấn/năm. EVN cần tính toán kỹ về phương án nhập và tài chính, tránh trường hợp phải tăng giá điện đột xuất hoặc thua lỗ do phải tăng cường chạy điện từ dầu - ông Ngãi lưu ý.

Đáng lưu ý theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, hầu hết các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch điện VII điều chỉnh đều bị chậm tiến độ từ 2-4 năm. Trong các năm tới nếu không điều hành quyết liệt sẽ xảy ra thiếu điện trầm trọng.

Ưu tiên năng lượng tái tạo

Trong sơ đồ quy hoạch điện VII, nguồn nhiệt điện than vẫn chiếm một tỷ lệ cao. Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ sự bất đồng với việc phát triển nhiệt điện than.

Theo ông Nguyễn Khoa Khôi, chuyên gia ngành kinh tế năng lượng, những nhà máy nhiệt điện là đối tượng gây ra nhiều ô nhiễm nhất, năng suất lao động thấp nhất, giá thành thấp, vậy không lý gì chúng ta tập trung vào sản xuất loại hình này. “Thế giới hiện nay không dùng nhiều nhiệt điện nữa, có một số nước muốn bán nhiệt điện cho chúng ta bởi vì họ không dùng”- ông Khôi nói. Về thủy điện, ông Khôi cho rằng, dù có nhiều ưu thế: Có thể làm nơi du lịch, có thể nuôi cá, giao thông vận tải, trị thủy, điều tiết cho nông nghiệp rất tốt. Bên cạnh đó, thủy điện có năng suất lao động cao, bởi vì so với năng suất của một nhà máy nhiệt điện thì thủy điện năng suất gấp 10 lần. Đặc biệt, sản xuất ra điện hoàn toàn tự nhiên, nguồn nước có sẵn, sản xuất thủy điện lại rẻ hơn nhiều so với nhiệt điện. Song cái vướng ở đây là, xây dựng thủy điện thì phá hủy rừng, mất nước ở hạ du, đó là nhược điểm mà chúng ta cần xem xét, không phải ở đâu cũng làm được.

Chính bởi vậy, theo vị chuyên gia, việc đầu tư phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) mới là lời giải cho bài toán đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững. “Chính sách của Chính phủ rất quan trọng, làm sao để tạo điều kiện cho nhà đầu tư vay vốn, giảm bớt thuế hay như giảm giá cho thuê mặt bằng làm turbine sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn”- vị chuyên gia nhấn mạnh. Ông Khôi cũng nêu quan điểm, trong kịch bản phát triển năng lượng mới nhằm đảm bảo bền vững an ninh năng lượng, cần phải nâng tỉ lệ năng lượng tái tạo lên, vì chúng ta có tiềm lực có tiềm năng. Chúng ta phải có chính sách mua và bán hợp lý.

Cũng nhấn mạnh về tính ưu việt của năng lượng tái tạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ông Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nêu lên một minh chứng rằng, các nước trên thế giới đã thực hiện từ cách đây hơn một thập kỷ và họ đã thành công, đã phát triển với sự an toàn về môi trường, đảm bảo được nguồn năng lượng sạch. Ông Khải cho hay, năm 2004, tại Hội nghị toàn thế giới về năng lượng tái tạo tại Cộng hòa Liên bang Đức, người Đức lúc đã đặt ra mục tiêu 20-20-20. Tức là năm 2020 đưa tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 20% trong sơ đồ sử dụng điện của Đức, giảm 20% phác thải khí nhà kính. Thế nhưng, cách đây 5 năm (2015), người Đức đã hoàn thành mục tiêu này rồi. Do họ phát triển năng lượng tái tạo một cách bài bản như vậy nên giá năng lượng tái tạo lại giảm, dễ tiếp cận. Như vậy, theo ông Khải, nếu chúng ta có tầm nhìn, công nghệ nội địa phát triển, chúng ta có chiến lược phát triển năng lượng tái tạo thì đây chính là chiến lược tối ưu. “Năng lượng tái tạo không chỉ cung cấp năng lượng cho nền kinh tế mà còn cung cấp việc làm cho người lao động. Hệ thống năng lượng tái tạo chỉ cần nhỏ cũng tạo rất nhiều việc làm cho người lao động. Như vậy, nó vừa tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động, vừa tạo ra xã hội văn minh, tiên tiến, vô cùng đáng sống”- ông Khải nói và đưa ra quan điểm, nếu 20 năm trước chúng ta mạnh dạn đầu tư cho năng lượng tái tạo thì hiện nay chúng ta đã có một sơ đồ điện hài hòa và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An ninh năng lượng: Bài toán kinh tế và yếu tố môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO