An toàn cho trẻ trong mùa hè

Hiểu Nhân 14/06/2021 19:00

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư xảy ra diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phố cả nước, nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… làm ảnh hưởng không nhỏ tới những kế hoạch của cả bậc cha mẹ, và học sinh khi kỳ nghỉ hè đến sớm trong trạng thái phòng, chống dịch cao độ. Bảo vệ trẻ em tránh những rủi ro, tai nạn thương tích, nhất là an toàn trong mùa hè có dịch luôn khiến bậc cha mẹ đau đáu.

Tạo cho trẻ một thời gian biểu lành mạnh ở nhà, vui vhowi và rèn luyện.

Tránh rủi ro do thiếu giám sát của cha mẹ

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm trung bình có khoảng 370 nghìn trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm 15-19 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất 43%, tiếp đến nhóm tuổi 5-14 tuổi chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%. Ngoài tai nạn rơi chung cư điển hình của đô thị hiện đại thời gian gần đây, các trường hợp trẻ em đuối nước, bỏng, cháy nổ, tai nạn giao thông… trên khắp cả nước vẫn đang là một thực trạng báo động. Chỉ tính riêng tại Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội), trung bình mỗi năm tiếp nhận từ 1.000 đến 2.000 trẻ bị tai nạn thương tích do hóc dị vật, ngộ độc do uống nhầm xăng, thuốc diệt cỏ, điện giật…

Bên cạnh những rủi ro có thể xảy ra với trẻ khi nghỉ học ở nhà mà không có sự quản lý của người lớn, hay do sự bất cẩn của người lớn, trong bối cảnh mạng internet phát triển rộng khắp, được kết nối thông qua nhiều phương tiện, trẻ em cũng dễ gặp những nguy cơ khác đó là rủi ro trên môi trường mạng, như: bị bắt nạt, bạo lực tinh thần, nghiện trò chơi trực tuyến…

Dưới góc độ quản lý, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam nhấn mạnh rằng, nguyên nhân khiến trẻ em gặp phải những tình huống, nguy cơ thiếu an toàn trong cuộc sống cũng như trên môi trường mạng chủ yếu xuất phát từ sự chủ quan, lơ là của người lớn. Cùng với đó, ở một số nơi, các bên liên quan như nhà trường, xã hội, các tổ chức hội chưa chú trọng thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em từ những việc nhỏ.

Trang bị kỹ năng sống phù hợp độ tuổi

Ý thức được vai trò quan trọng của việc phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ khi ở nhà trong mùa hè năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua trong thời gian học sinh phải tạm dừng đến trường, vào mỗi tiết dạy học online, giáo viên nhiều trường học cấp Tiểu học, Trung học cơ sở tại các thành phố lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đã lồng ghép giáo dục học sinh các kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích; phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, nhất là tại các thành phố lớn, các thầy cô giáo dạy trực tuyến qua mạng internet truyền dạy cho các em hiểu và biết cách xử lý, tự vệ bản thân; biết thận trọng khi chơi những đồ vật, nơi nguy hiểm, phòng chống những rủi ro từ môi trường mạng...

Các chuyên gia giáo dục trẻ em đưa ra những lời khuyên bậc cha mẹ cần dạy trẻ các kỹ năng cần thiết sau: Giữ khoảng cách an toàn với người lạ, kỹ năng thoát hiểm trong trường hợp có hỏa hoạn, kỹ năng sơ cứu khi bị thương nhẹ. Kêu cứu, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có thể tin tưởng khi bị tấn công, đe dọa.

Cụ thể khi trẻ bước vào tuổi mầm non, cha mẹ cần dạy trẻ sử dụng điện thoại/ thiết bị liên lạc để gọi cho người thân trong gia đình và không nhận các cuộc gọi từ người lạ. Số điện thoại của cha mẹ và các đầu số khẩn cấp (113, 114, 115) cũng cần được dán tại vị trí trẻ dễ dàng nhìn thấy. Ngay với trẻ lớn, những vật dụng như ổ điện, bếp, diêm, kéo, dao, thuốc…, cha mẹ cần cho trẻ biết mức độ nguy hiểm của chúng và cất kỹ những vật dụng không cần thiết. Đặc biệt với các gia đình ở nhà cao tầng, chung cư cần lắp đặt rào chắn, lưới an toàn để bảo vệ con khỏi các sự cố đáng tiếc. Cửa kính cần có song sắt ngang, khung chắn để bảo đảm trẻ không bị ngã.

Trong thời gian ở nhà chống dịch, trẻ vẫn cần sử dụng mạng internet để học, kiểm tra trực tuyến hoặc giải trí. Nếu không được người lớn giám sát, trẻ rất dễ tiếp xúc với những nội dung độc hại trên mạng. Phụ huynh cần thống nhất với trẻ các quy định sử dụng internet phù hợp với độ tuổi của con. Cha mẹ, người lớn cũng cần tuyệt đối tránh tư tưởng “trông trẻ” bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi. Hãy tạo cho trẻ một thời gian biểu lành mạnh với các nhiệm vụ như vẽ tranh, đọc sách… để giữ trẻ bận rộn, hạn chế thói quen sử dụng thiết bị điện tử không cần thiết.

Trường hợp bất khả kháng phải để con ở nhà một mình, cha mẹ cần lưu ý theo khuyến cáo của Hiệp hội Chống Bạo hành Trẻ em Vương quốc Anh (NSPCC): Trẻ dưới 12 tuổi không nên ở một mình trong thời gian dài (quá 4 tiếng vào ban ngày). Trẻ từ 13-16 tuổi không nên ở nhà một mình qua đêm. Cha mẹ cũng không nên để trẻ dưới 9 tuổi trông em nhỏ hơn khi người lớn không ở nhà.

Bên cạnh việc hướng dẫn con trẻ bảo vệ bản thân trước sự diễn biến phức tạp của Covid-19 trong mùa hè như tuân thủ biện pháp phòng bệnh 5K, cha mẹ cũng đừng quên dạy con học lại các kiến thức ở trường trong năm học vừa qua mỗi ngày. Trở thành người bạn thân thiết với con để sẻ chia những điều con thấy không hiểu, không thoải mái sẽ giúp trẻ tự tin và hứng thú hơn trong học tập.

Tăng cường sức khỏe để phòng bệnh

Hè năm nay chúng ta phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh Covid-19, vì thế, việc chăm sóc sức khỏe là vấn đề ưu tiên hàng đầu của mỗi gia đình và bản thân mỗi người, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Các chuyên gia y tế khuyến cáo:

- Hạn chế tiếp xúc: Những hành động như ôm ấp, hôn trẻ có thể khiến trẻ dính phải các giọt bắn nước bọt từ người mang mầm bệnh, dù họ chưa có biểu hiện phát bệnh như ho, sốt. Cho nên cha mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp nhận những hành động đó. Nên hạn chế cho bé đến những nơi tập trung đông người, cố gắng sắp xếp thời gian vui chơi và học tập cùng bé tại nhà.

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý, lối sống lành mạnh: Tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh hơn, cha mẹ cần bảo đảm trẻ có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và lối sống lành mạnh, cụ thể: Cho trẻ uống đủ nước. Bổ sung các thực phẩm giàu protein: trứng, thịt, cá,... Tăng cường các thực phẩm giàu kẽm, như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc,... Bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ. Cần tập cho bé một lối sống lành mạnh: bảo đảm cho bé ngủ đủ giấc, đúng giờ; rèn luyện cơ thể thường xuyên; tắm nắng để hấp thụ vitamin D...

- Rèn luyện sức khỏe, tập thể dục thường xuyên: Bố mẹ hãy bảo đảm cho trẻ luôn vận động. Và đồng thời vẫn thực hiện tốt các hoạt động phòng ngừa Covid-19 hằng ngày. Đồng thời nên tìm hiểu thêm về mức độ hoạt động và rèn luyện thể chất hợp lý để rèn luyện cho trẻ. Tránh việc các bé bị hoạt động quá sức, hoặc chỉ hoạt động ít, chưa tiêu hao năng lượng. Bố mẹ hãy tích cực làm gương giúp trẻ thực hiện lối sống rèn luyện thể chất tốt nhất. Thêm vào đó là biến hoạt động thể chất thành thói quen hằng ngày của trẻ và cả gia đình.

- Hạn chế cho trẻ đi chơi, du lịch xa: Đi du lịch là việc làm mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng thích, đặc biệt là đến những trung tâm vui chơi, giải trí đông người. Tuy nhiên, trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì việc đi chơi, du lịch xa của trẻ cần nên hạn chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An toàn cho trẻ trong mùa hè

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO