Dịch tả lợn châu Phi lan nhanh chóng mặt

Quốc Trung 06/06/2019 06:00

Những ngày qua dịch tả lợn châu Phi lây lan ở vùng ĐBSCL nhanh chóng mặt, chỉ trong gần 1 tháng đã có 10/13 tỉnh, thành của vùng công bố dịch. Các địa phương trong vùng đang rất khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên điều quan trọng nhất lúc này là tìm và xác định nguyên nhân chính khiến dịch lây lan thì vẫn chưa làm được.

Dịch tả lợn châu Phi lan nhanh chóng mặt

Dịch vẫn lây lan nhanh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguyên nhân nào khiến dịch lan nhanh?

Đến thời điểm này cả nước ghi nhận 53 tỉnh, thành có dịch tả lợn châu Phi, số lợn tiêu hủy trên 2,2 triệu con. Có 45 xã thuộc 14 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh. Tại ĐBSCL, dịch bệnh đã xuất hiện ở 104 xã thuộc 47 huyện của 11 tỉnh thành, số lợn tiêu hủy trên 8.400 con...

Theo ông Nguyễn Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, từ ngày xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (ngày 22/5 – PV), đến nay dịch bệnh đã lan nhanh trên địa bàn thành phố, các tỉnh xung quanh đều đã có dịch nên khả năng lây lan trên diện rộng. Thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia chống dịch nhưng tình hình hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp.

Theo ông Phạm Trường Yên – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cần Thơ, đến ngày 4/6, trên địa bàn thành phố, dịch bệnh đã xảy ra tại 50 hộ chăn nuôi lợn thuộc 17 xã, phường của 5 quận, huyện (Cái Răng, Bình Thủy, Ninh Kiều, Phong Điền và Ô Môn), tổng số lợn tiêu hủy là 1.528 con (khối lượng hơn 65 tấn). Theo nhận định, diễn biến thời tiết hiện nay rất phù hợp cho dịch bệnh lây lan, thời gian tới khả năng khó kiểm soát, gây hậu quả nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người chăn nuôi.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại ngành chức năng các tỉnh, thành trong vùng chỉ nhận định về nguyên nhân một cách chung chung sau đó là tập trung nhiều cho công tác phòng hoặc chống. Có nơi thì cho rằng ĐBSCL là vùng sông nước sông ngòi chằng chịt, dịch lây lan qua đường nước, có nơi thì nhận định dịch lây lan qua vận chuyển, cũng có nơi lại cho rằng dịch lây lan qua đường chim bay?...

Ông Phạm Trường Yên cho hay: Theo kết quả về dịch tễ học, con đường đi của dịch tả lợn châu Phi lan truyền qua nhiều đường và rất khó đánh giá. Tuy nhiên khả năng cao là qua con đường vận chuyển vật nuôi. Thời gian qua các cơ sở chăn nuôi lớn trên địa bàn thực hiện nghiêm phương châm nội bất xuất, ngoại bất nhập hoặc phải kiểm duyệt đi lại rất chặt chẽ…

Trong khi đó, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai cho rằng nguyên nhân làm lây lan dịch tả lợn châu Phi một phần là do chim trời. Vì theo ngành chức năng tỉnh này, mặc dù việc phòng chống dịch của người chăn nuôi được thực hiện nghiêm ngặt nhưng dịch vẫn lây lan. Cụ thể, do luôn có thức ăn, nước uống và cây xanh nên các hộ chăn nuôi và các trang trại luôn là môi trường sống tốt cho chim. Vì vậy, ở các chuồng trại luôn có sự hiện diện của nhiều loại chim. Virus tả lợn bám vào chân, vào mình chim và theo đó lây lan sang vùng khác. Cơ quan thú y tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người chăn nuôi, để tránh nguy cơ lây bệnh do chim, các hộ nên dùng lưới thưa quây thật kín các ô, dãy chuồng để chim không thể bay vào các ô, dãy chuồng kiếm ăn.

Ở Cà Mau, ngành chức năng tỉnh này cho rằng vùng sông nước rất khó kiểm soát dịch bệnh, theo thống kê của ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Cà Mau, hiện nay trên địa bàn tỉnh này có khoảng 75.000 con lợn. Sau khi xuất hiện dịch, Cà Mau đã tăng cường ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn, hiện Cà Mau đã lập nhiều chốt kiểm dịch cả đường bộ lẫn đường thủy để phòng, ngừa dịch bệnh…

Theo tìm hiểu của chúng tôi hiện có nhiều hộ gia đình lâu nay nuôi lợn (cả lợn rừng và lợn nhà – PV) đều nấu thức ăn chín, sau đó trộn với rau tại vườn, khu nuôi cũng biệt lập với nhiều hộ dân khác, lại không nằm chung nguồn nước (kênh, rạch, mương) nhưng vẫn bị lây dịch. Các hộ dân này cũng thắc mắc, sau khi nghe tin có dịch, họ đã rất kỹ trong việc chăm sóc lẫn phòng ngừa nhưng lợn vẫn bị dịch...

Nhiều bất cập trong phòng, chống dịch

Phản ánh của các hộ dân sinh sống ở khu vực phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho thấy, họ cảm thấy bất an khi cán bộ thú y tiến hành đào hố chôn lợn chết vì dịch, vị trí chôn chỉ cách nhà dân chưa đầy 100 m. Ông Nguyễn Thanh Hải – Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết: Chuyện xử lý này sẽ còn ảnh hưởng tới môi trường về sau nên cần phải thực hiện đúng theo quy trình. Ông Hải còn cho biết do quỹ đất của địa phương còn hạn hẹp, trong khi phải xử lý dập dịch khẩn cấp nên chưa kịp thông báo, xin ý kiến người dân khiến cho người dân lo lắng…

Ngày 5/6, UBND TP Cần Thơ tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để bàn phương án ứng phó với dịch trên địa bàn. Tại đây có nhiều ý kiến cho rằng cần tiêu huỷ bằng cách thiêu chứ không nên chôn lấp như thời gian qua.

Ông Trương Hoàng Phương – Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP Cần Thơ cho rằng, việc chôn lợn mắc dịch tả sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch về sau. Cụ thể, virus dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng rất mạnh, việc chôn lợn vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh virus sẽ bị tiêu diệt. Do đó, virus có thể tồn tại, phát triển trên xác lợn trong quá trình phân hủy.

Việc hướng dẫn chôn lấp, tiêu hủy lợn bệnh chưa được thống nhất giữa Bộ NNPTNT và Bộ TNMT, gây khó khăn khi thực thi. Ông Nguyễn Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các quận/huyện tăng cường tuyên truyền đến tận hộ nuôi về diễn biến tình hình, tác hại bệnh và cách phòng, chống... làm sao để các hộ nuôi phải nắm rõ vấn đề này. Đồng thời, ông Dũng cũng đề nghị các quận/huyện khi tiêu hủy heo bệnh phải tuân thủ đúng hướng dẫn đã quy định về hố chôn, khoảng cách khu dân cư...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch tả lợn châu Phi lan nhanh chóng mặt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO