Siết kiểm soát an toàn thực phẩm học đường

Hàn Minh 19/03/2019 06:00

Đến thời điểm này, Bộ GDĐT đã có văn bản yêu cầu Sở GDĐT Bắc Ninh tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn thực phẩm, quy trình giao nhận, bảo quản thực phẩm trong trường học…

Siết kiểm soát an toàn thực phẩm học đường

Phụ huynh xếp hàng đăng ký cho con xét nghiệm tại Trường Mầm non Thanh Khương sáng 18/3.

Bộ đã yêu cầu Sở GDĐT tỉnh Bắc Ninh kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trường học trên địa bàn; đồng thời sớm báo cáo Bộ về việc thực phẩm không đảm bảo xuất hiện trong Trường Mầm non Thanh Khương và hàng chục học sinh đã có kết luận dương tính với sán lợn trong ngày 18/3.

Nhân sự việc này, Bộ GDĐT sẽ có văn bản gửi các Sở GDĐT; trong đó yêu cầu tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát nguồn thực phẩm, quy trình giao nhận, bảo quản thực phẩm; đồng thời tiếp tục tuyên truyền, giáo dục học sinh về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.

Trước đó, vào tháng 10/2018, Bộ GDĐT cũng đã ban hành chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Trong đó nhấn mạnh: “Không sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh để chế biến thức ăn; không ký hợp đồng sử dụng suất ăn chế biến sẵn không đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm...”.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa, quy định thì chặt chẽ, đầy đủ nhưng việc thực hiện còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm của mỗi địa phương. Bằng chứng là dù đã có nhiều văn bản chỉ thị và quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ các bên nhưng thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc học sinh bị ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn bán trú, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, sinh viên, uy tín của nhà trường, gây lo lắng cho gia đình học sinh, sinh viên và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Một lần nữa, vai trò của phụ huynh, đặc biệt là Ban đại diện hội cha mẹ học sinh cần phát huy tác dụng trong việc phối hợp cùng nhà trường kiểm tra, kiểm soát nguồn thực phẩm sử dụng trong trường học. Muốn vậy, từ phía các cơ quan chức năng, Bộ GDĐT cần có chỉ đạo công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận thực phẩm từ cơ sở cung cấp thực phẩm, quá trình bảo quản thực phẩm, chế biến… Vì hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm được phát hiện là do phụ huynh “đột nhập” vào các bếp ăn của nhà trường ghi lại được hoặc do “chặn đường” các xe hàng đưa thực phẩm vào trường học khi có nghi ngờ về nguồn gốc thực phẩm không an toàn…

Theo các chuyên gia, thay vì khi sự việc xảy ra mới công khai danh tính đơn vị cung cấp thực phẩm, cần có quy định các trường công khai, minh bạch trên bảng tin của nhà trường về đơn vị cung cấp thực phẩm để phụ huynh học sinh và xã hội cùng giám sát. Trong quá trình giao nhận thực phẩm hàng ngày, nếu như phụ huynh cũng tham gia vào giám sát thì nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được giảm thiểu đi rất nhiều.

* UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở Y tế phối hợp cùng huyện Thuận Thành để tổ chức phối hợp với Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương lấy mẫu máu xét nghiệm của học sinh 19 trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành nghi nhiễm sán lợn. Toàn bộ chi phí xét nghiệm sán lợn tỉnh Bắc Ninh sẽ hỗ trợ về kinh phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết kiểm soát an toàn thực phẩm học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO