Ấn tượng 'Lạc lối'

Bùi Việt Thắng 20/07/2019 19:15

Tôi nhận được cuốn tiểu thuyết thứ sáu của nhà văn Thùy Dương và đọc ngay. Lạc lối của Thùy Dương thông qua câu chuyện của ba cô bạn thân thuở học trò, hai người lên lập nghiệp ở Hà Nội một người ở lại quê, mỗi người một nghề nghiệp nhưng đều đan xen lẫn nhau trong cái bể đời bi hài trộn lẫn.

Ấn tượng 'Lạc lối'

Nhân vật tiểu thuyết

Có 5 nhân vật chính, ba nữ (Nguyên, Ngà, Trúc) và 2 nam (Cường, Tâm). Nhưng trọng lực nghiêng về “phái yếu”, rõ ràng như dưới thanh thiên bạch nhật. Trước hết ưu tiên nói về các nhân vật nữ. Xin nói ngay, nhân vật nữ của Thùy Dương trong Lạc lối vượt ra ngoài phên giậu truyền thống. Họ không còn là những mẫu hình, điển hình của kiểu nhân vật nữ với các giá trị “tam tòng tứ đức”, hay “công dung ngôn hạnh” ngày xưa. Mới vào đời họ đã lạc lối ngay như Nguyên, lạc vào cõi tâm linh, lánh đời thực/tục lụy, hiến mình cho niềm tin bất diệt vào những thứ ở trên trời; mà cũng lạ, lạc vào nẻo lối này không chỉ có mình Nguyên, cả một bầy đàn/ đám đông ngày nay cũng rứa. Thì cứ xem chuyện ở chùa Ba Vàng sẽ thấy. Bằng chứng đây: câu chuyện Nguyên kể cho Trúc nghe (tr. 303), với câu kết: “Sư thầy lúc ấy than, chỉ vì mỗi cái khố rách mà con đi lạc hẳn khỏi lối ta chỉ rồi”. Nguyên sống giữa đời mà lúc nào cũng “cứ xa lạ và biêng biêng thế nào ấy” (tr.102). Và con người thông minh này lại hành động “bằng cái mơ hồ dẫn dụ ấy” (tr.113). Đánh mất bản thân, lạc lối nhầm đường giữa đời tục lụy, hay bán mình cho những tín điều hoang đường, ngày nay là chuyện cơm bữa, thường nhật, phổ thông, đại chúng. Nhưng có nhiều cách lạc lối. Cách của Nguyên là “thăng thiên”. Nhưng cách của Ngà và Trúc là “húc”, “lặn” thẳng vào đời sống, quăng quật cùng nó không kể nữ nhi thường tình. Cái cách làm giàu của Trúc thì quả thật không phải ai cũng noi theo được, kể cả đấng mày râu. Phụ nữ nhưng đầu óc chật ních ý tưởng, chân đi, miệng nói, tay làm, hàm nhai... Đầu tư vào các lĩnh vực địa ốc, y tế, giáo dục, miễn có tiền là nhảy bổ vào. Mơ thành trưởng giả, thành như “giai phố cổ” (!?), nhà phải ở phố có chữ HÀNG ở đầu giữa Thủ đô,... Có thể nói, Trúc là mẫu hình của con người thời đại kim tiền. Nhưng phụ nữ có cần, có đáng, có nên như thế hay chỉ nên/cần là ngọn lửa ấm trong mỗi gia đình bé mọn (vượng phu ích tử), chỉ là phía đằng sau của một người đàn ông thành đạt, chỉ nên là hòa khí cho cuộc đời riêng cũng như chung (!?). Trúc là con người nhiều dục vọng, cao cả lẫn thấp hèn. Tôi đặc biệt thích nhân vật này. Còn Ngà? Cô này thì cũng hay rướn lên, kiễng chân lên vì vụ việc này kia của chồng, của sếp, của quan hệ xã hội. Cô Ngà là mẫu người “đấu tranh” tích cực để không thành công cũng thành nhân(!?). Quả thực tôi thấy nhân vật nữ của Thùy Dương đều ghê gớm (ai đó nói nhân vật là con đẻ tinh thần của nhà văn chắc đúng). Ba nhân vật nữ, trừ Nguyên, còn lại đều ham muốn và mạnh mẽ về tình dục. Đây là nét trội của nhân vật nữ trong tiểu thuyết Thùy Dương nói chung, Lạc lối nói riêng. Đoạn tả cảnh ba đôi vợ chồng sống trong một gian nhà bé tý, đang trẻ, lại mới lấy nhau, ham hố tình dục, đọc thấy Thùy Dương tả hết bút. Nhưng lạ là không tục, có lẽ đấy là cái khéo của ngòi bút đằm nữ tính này. Đọc đến trang cuối, dòng cuối của Lạc lối, riêng tôi thấy cảm thương, cảm thông, cảm hoài với những giông bão, bèo bọt, sóng gió, can qua, bể dâu mà các “liệt nữ” của Thùy Dương dù muốn hay không đã trải nghiệm, đã chịu trận như cách cô Ngà cảm thức: “Ngà biết chắc rằng mình sẽ phải trải qua một đêm với tất cả nỗi thống khổ, xa xót và tị hiềm... Sẽ phải bước qua những mảnh vỡ của thời gian và những mảnh sắc từ ký ức sẽ cứa ngập lòng cô. Ứa máu. Mọi thứ, cả quãng đời từ rất xa xôi lần lượt lướt qua óc Ngà. Ba đứa con gái nhà quê đè lên nhau, lên chiếc xe đạp trong trưa nắng nào đó. Tiếng cười còn văng vẳng đâu đây... Cuộc đời suy cho cùng để làm gì nhỉ - đâm đầu, va đập, giẫm đạp lên nhau để chạy đua. Chả cần biết chạy đến được nơi nào đó rồi lại ngỡ hóa ra không?! Bỗng nhiên từ trong vô thức, lòng Ngà bật ra – xin hãy thương xót và cứu rỗi... Cầu cho giọt nước mắt này sẽ khô đi cho một ngày mới trong trẻo và an lành sẽ đến! Để có thể bước sang được ngày mai. Ngày mới đến! Lạy Chúa!” (tr.327). Ai đó nói quá đi nhưng không phải không có lý: thời đại kỹ trị, kim tiền đã trắng trợn đánh cắp tuổi thơ của trẻ em và tước đoạt vẻ đẹp thanh tân của cuộc đời và con người, xô đẩy họ đi vào những lối lạc, sa chân vào lầm lạc, thậm chí ngõ cụt. Tác giả cũng cay đắng viết (qua suy ngẫm của Ngà): “Ai cũng nói thời mạt đã đến rồi” (tr.136).

Liệu có cần “chạm” đến 2 nhân vật nam: Cường (anh trai Tâm) và Tâm (chồng Ngà)? Tôi nhớ, hình như văn hào Nga Sê-khôp có nói ví von hình ảnh rằng, nếu ở đầu tác phẩm nhà văn tả khẩu súng treo tên tường thì ở cuối phải cho nó nhả đạn. Có lẽ đúng. Cường là mẫu người lập thân, lập nghiệp, một kiểu nhân vật mới của văn chương hôm nay. Anh ta có ít tài vặt, nên cũng leo được cao. Nhưng leo cao thì ngã đau. Đấy là chuyện thường tình trong thương trường, thị trường còn hơn cả chiến trường. Nhưng đáng nói là nhân cách của Cường có vấn đề, lem luốc thì đúng hơn trong cái cách khúm núm, hèn nhát, quỵ lụy luồn cúi cấp trên (chuyện Cường tặng Bộ trưởng đôi giày thể thao thì không có gì đáng chê trách, nhưng cái cách này thì không đẹp với một người đàn ông khi: “Cường ngồi khụy chân xuống giúp ông ấy đi đôi giày mới. Vừa in. Rồi xoa xoa tay đứng dậy, mặt rạng rỡ”, tr.141). Tôi cứ thấy cổ họng mình tăng tắc khi đọc những dòng này. Chao ôi, đàn ông đàn ang như các cụ nói, đâu còn chí khí nam nhi. Tâm (chồng Ngà) thì có lẽ không còn thời gian để bàn nữa. Vì rốt cục, tựu trung cũng chỉ là như Cường (được thế đã tốt, đã giỏi) - nghĩa là cũng hãnh tiến, ham tiền, sát gái, bê tha. Cho nên các nhân vật nữ mới chia sẻ với nhau rằng, đã là phụ nữ thì nên biết thương yêu, bao bọc nhau, đừng chờ mong đàn ông (!?).

Nhìn chung, nhân vật tiểu thuyết của Thùy Dương, theo tôi, có hình khối, sắc nét, rất “đời” và cũng rất “đạo”. Nhưng riêng nhân vật nam thì hơi sao nhãng lời giáo huấn chí lý của tiền nhân, tiền bối “đạo làm người khó hơn đạo làm quan”. Vậy nên nếu có kết thúc đắng đót mà họ nhận được thì ứng với cái gọi là “nhân quả/ báo ứng”. Tại sao không (!?).

Tiểu thuyết và thuật kể chuyện

“Tiểu thuyết là một câu chuyện bịa y như thật” - là cách định nghĩa hay nhất trong vô số định nghĩa về tiểu thuyết với tư cách là một thể loại rường cột, gạo cội của bất kỳ nền văn chương phát triển nào. Đã là một câu chuyện bịa thì cũng có nghĩa là tác giả giỏi bịa chuyện (hay là có thuật kể chuyện). Đọc tiểu thuyết Thùy Dương từ Ngụ cư, Thức giấc, qua Nhân gian, Chân trần, đến Lạc lối, tôi thấy, càng ngày thuật kể chuyện càng có hấp lực. Trong Lạc lối, câu chuyện được kể từ hai ngôi: thứ ba và thứ nhất (qua nhân vật xưng tôi, tức Trúc); tỷ lệ này là 1/1. Cách đan cài hai ngôi kể như thế khiến cho câu chuyện linh hoạt, nhiều nhánh rẽ, đôi khi cứ như sợi chỉ rối/ ma trận nhưng nhờ có bàn tay khéo léo của mụ phù thủy (đích thị là Thùy Dương), đâu lại vào đấy. Nhân vật và sự kiện luôn được đặt ở cao trào, luôn cần tháo gỡ những quả bom nổ chậm (những tình huống thực hay giả định) vì thế nhịp điệu (rythme) rất hoạt, khẩn, nhanh, nhạy, bén. Tác giả rốt ráo, nhân vật rốt ráo, độc giả cũng bị cuốn vào cái rốt ráo của câu chuyện. Hai mươi tư (24) chương của tiểu thuyết Lạc lối tôi cứ nghĩ tựa như 24 giờ của một ngày. Thời gian như vó ngựa. Thời gian chẳng chờ ai. Nên sống trên đời nếu không “vội vàng” (nhan đề một bài thơ nổi tiếng của thi sỹ Xuân Diệu), thì sẽ tụt hậu. Nhưng vội vàng có khi vấp phải đá quàng phải dây. Nhưng trong cách kể chuyện có tốc độ của Thùy Dương trong Lạc lối, tôi nghĩ, phù hợp với cơ chế và thị hiếu đọc hiện nay, nhất là độc giả trẻ. Nhưng tôi cũng thấy Thùy Dương trong Lạc lối đã chú ý đến quan hệ giữa “động” và “tĩnh”. “Động” là dành cho các nhân vật tá túc, lặn ngụp ở chốn thị thành như Ngà, Trúc, Cường, Tâm; còn “tĩnh” là dành cho Nguyên và những con người ở quê, nơi trong lành thanh sạch, nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người. Nên phải nói lại cho rõ, cho đúng là cái nhịp điệu trong Lạc lối, tôi hình dung như vừa là nước kiệu, vừa là nước đại của ngựa phi.

Riêng tôi khi đọc văn Thùy Dương, nhận thấy chị có lối “ướm mình vào nhân vật” mà kể chuyện. Biệt sắc này rất rõ trong Lạc lối. Đôi lúc vừa đọc tôi vừa vân vi: “cảnh ngộ này, tình huống này, tâm tư này, ứng xử này...là của Thùy Dương” (!?). Nhưng tỉnh trí ra lại thấy, mình đang đọc tiểu thuyết. Đây không phải là đời thực. Vì thế tôi tạm gọi Lạc lối là “tiểu thuyết cái tôi” vốn đang có xu hướng trương nở trên văn đàn đương thời. Đã lâu rồi khi đọc Lý Lan, đặc biệt Tiểu thuyết đàn bà, tôi cũng đã mơ hồ nghĩ như thế. Nay thấy sắc nét trong Lạc lối của Thùy Dương. Có một tác giả nữ khác mà tôi quan tâm theo dõi là Thuận (định cư ở Cộng hòa Pháp) cũng hay viết “tiểu thuyết cái tôi” (từ Phố Tầu đến Thang máy Sài Gòn,...).

Viết thêm...

Đáng lẽ tôi ngừng bài viết, không có phần “viết thêm”. Nhưng nghĩ sao lại chua thêm mấy dòng. Như là “vĩ thanh” vậy. Cổ nhân nói “văn là người”. Lâu nay tôi cứ nghĩ, Thùy Dương là cây bút nữ đằm thắm, đắm đuối. Tất nhiên. Nay bỗng thấy chị có phần đổi tính đổi nết (!?). Một là, cái nền nã vốn có tự nhiên bị văng ra khỏi người và khỏi văn chị từ khi nào vậy, khi học đòi triết lý: “Cuộc đời suy cho cùng khác gì một bãi nước tiểu” (tr. 248). Chao ôi! Đấy là triết lý vặt! Cầu mong nếu còn tiếp tục viết thì nhà văn Thùy Dương đừng dại dột nhảy vào triết lý như kiểu mấy cây bút mới tập viết! Hai là, Thùy Dương là nữ nhà văn Việt Nam chính hiệu, có “thương hiệu” hẳn hoi. Câu văn sau vì không có xuất xứ hay để trong ngoặc kép nên chắc chắn là “fotocopy” từ Tây: “Miếng fomat miễn phí chỉ nằm trong cái bẫy chuột”. (tr.236). Không nên giống mấy ông/ bà làm phim lười nhác, chuyên ăn sẵn nên nhả ra đủ thứ “phiên bản” (!?). Tôi nói có sách mách có chứng. Độc giả nào muốn kiểm chứng thì giở sách ra đọc ngay. Sẽ có người hỏi ngay, còn có ba là, bốn là??? Không!!! Chỉ có hai là thôi. Thế cũng đã là nhiều, vì hơn một.

Hà Nội, hè nóng, 2019

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn tượng 'Lạc lối'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO