Ấn tượng Sin Súi Hồ

Nguyễn Trọng Văn 06/11/2016 12:05

“Sin Súi Hồ cũng còn gọi là Sin Suối Hồ. Theo tiếng địa phương thì nó có nghĩa là suối có vàng”- Phó Bí thư Đảng ủy xã Sin Súi Hồ Tẩn Vần Hin giải thích với chúng tôi. Người đàn ông Mông có gương mặt hiền, dáng bé nhỏ, tuổi tầm 40 này nói tiếng Kinh rất rành rọt.

Ấn tượng Sin Súi Hồ

Những chậu địa lan ở Sin Súi Hồ.

Trước đó, khi gặp anh Kiều Hữu Nam- Phó Văn phòng Tỉnh ủy Lai Châu cũng đã được biết rằng Sin Súi Hồ không chỉ là một trong những bản văn hóa của tỉnh mà còn là một bản có cách làm du lịch cộng đồng rất năng động và chủ động”.

Trở lại câu chuyện, nghe Tẩn Vần Hin cho biết cán bộ xã đi vắng hết, cứ thấy văng vắng thế nào. Điều đáng buồn thứ hai là thời gian này tuy chưa rét nhưng mùa đông đang tới. Lại buồn thêm lên khi nghe cô Thùy Vân- cán bộ Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch thuộc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu nói rằng lên Sin Súi Hồ mà chưa được ngắm hoa địa lan coi như chưa tới Sin Súi Hồ.

Nằm ở độ cao trên 1500 mét trên dãy Hoàng Liên Sơn, xã Sin Súi Hồ thuộc huyện Phong Thổ. Xã có 11 bản, riêng bản Sin Súi Hồ có 100% người Mông và là bản chính nên tên xã lấy luôn theo tên của bản. Xã có 760 hộ dân và hơn 4.400 nhân khẩu, trong đó già nửa theo đạo Tin Lành.

Người theo đạo Tin Lành và người không theo đạo sống rất đoàn kết. Đây chính là một trong nhưng “nguyên nhân” để Sin Súi Hồ trở thành địa phương tiêu biểu về mọi mặt của tỉnh. Người Mông chiếm phần lớn, tiếp đó là người Dao và người Kinh cùng chung sống. Phó Bí thư Tẩn Vần Hin cười vui, cho biết, 6 tháng đầu năm xã thu ngân sách đạt hơn 2 tỉ. Có thế xã mới có tiền để chi xây dựng nông thôn mới.

Sin Súi Hồ là một xã biên giới với trên 3,8km đường biên. Khi chúng tôi vừa lên tới nơi đã thấy anh cán bộ văn hóa xã chạy tới xin ngay danh sách của đoàn. Hỏi lại thì được biết “lấy danh sách để báo cáo đồn biên phòng”. Biên giới nên nguyên tắc là vậy.

Nét thú vị nhất khi đặt chân lên Sin Súi Hồ là ngắm nhìn phong cảnh, dừng chân hít thở tôi có cảm giác đây như một Sa Pa của Lai Châu. Quả thực Sin Súi Hồ có khí hậu vùng núi cao nên mùa hè thì mát mẻ, còn mùa đông thì rất lạnh, đôi khi xuất hiện băng giá và tuyết. Nhưng lại rất thuận tiện cho việc nghỉ dưỡng và trồng những giống cây cảnh ôn đới. Ở đây còn có những thửa ruộng bậc thang nổi tiếng. Cũng như ruộng bậc thang Mù Cang Chải ở bên Yên Bái, là “bài ca” về lao động và sáng tạo của bà con.

Vẫn lại cô Thùy Vân cho biết, giá mà chúng tôi lên đây chậm độ nửa tháng thì hay biết mấy. Khi đó dọc con đường đèo lên xã hoa dã quỳ nở vàng như gom hết cả nắng vậy.

*
* *

Đón chúng tôi ngay đầu bản Sin Súi Hồ là một người đàn ông Mông tầm tuổi bốn mươi như Tẩn Vần Hin. Anh hiền lành, ít nói và có ánh nhìn gần gũi. Gương mặt toát lên sự lôi cuốn và nhiều thiện cảm. Hỏi câu gì thì thành thật trả lời câu ấy.

Tôi hỏi: Anh làm homestay lâu chưa?

Trả lời: Từ cuối năm 2011 kia nhưng tôi đã nhen nhóm suy nghĩ trước vài năm.

Lại hỏi: Vậy anh có học từ ai hay từ đâu không?

Trả lời: Có chứ. Nhưng quan trọng là mình phải thay đổi tư duy của chính mình trước đã. Người Mông thường ngại thay đổi thói quen sống lâu đời.

Nói hay quá, “thay đổi tư duy”, khái niệm này không hẳn mới nhưng với người dưới xuôi, người có học hành cao đôi khi cũng khó thay đổi nữa là với người vùng núi cao. Tôi thoáng nghĩ như vậy và cũng thấy hơi là lạ nên hỏi tiếp: Sau đó thì sao?

- Sau đó thì thay đổi tư duy của vợ của con. Rồi thay đổi tư duy của anh em họ hàng và cuối cùng là thay đổi tư duy của mọi người trong bản.

Nghe anh nói, tôi hoàn toàn tin những gì đã được nghe giới thiệu trước đó về Sin Súi Hồ.

Dọc hai bên đường của những con đường chạy lên chạy xuống trong bản đều sạch như vừa mới quét. Anh Hảng A Xà vừa dẫn chúng tôi đi vừa cho biết, thứ bảy hàng tuần cả bản cùng ra đường tổng vệ sinh, còn hàng ngày thì đường vào nhà ai nhà nấy tự quét. Quy củ và tự giác.

Cũng dọc hai bên đường đã trải bê tông trong bản là những chậu địa lan tươi tốt. Hoa chưa tới mùa nhưng nhìn cây cũng dự thấy một vụ hoa lắm cành. Chỉ tay vào mấy chiếc sọt tre đan treo lủng lẳng bên những thân cây bên đường tôi hỏi “Sọt treo đây làm gì vậy?” Cậu thanh niên hai mươi hai tuổi Vàng A Tủa vừa mới được Hảng A Xà gọi tới đã nhanh nhẩu trả lời: “Thưa chú, đấy là sọt đựng rác. Mọi người bỏ rác vào đấy”.

Vàng A Tủa là con trai lớn của trưởng bản Vàng A Chỉnh. Cậu đã tốt nghiệp cao đẳng ngành Lâm sinh nhưng lại về bản để cùng cha mình và mọi người làm du lịch. Kiến thức thu lượm được về lâm sinh cậu đâu có bỏ mà vận dụng ngay vào việc trồng địa lan của gia đình mình, của bản mình. Đúng là có học có hơn.

Vàng A Tủa khoe, trước kia giống địa lan là do bà con vào rừng kiếm đem về trồng. Trồng xong và bán xong thì muốn trồng nữa lại phải vào rừng tìm kiếm.Bây giờ giống do bà con tự nhân lấy.

Nói rồi Vàng A Tủa chỉ tay vào một chậu địa lan ngay bên cạnh. Thì ra đó là chậu địa lan giống. Những cây địa lan còn bé và thấp chừng gang tay đang chen chúc trong chậu. Lơn lớn tí nữa thì những cây giống đó được bóc tỉa và đem trồng chính thức ở những chậu đã chuẩn bị xong phần làm đất.

Tôi hỏi Hảng A Xà: Ở bản có nhiều thanh niên có trình độ học thức cao không?

- Có nhiều chứ. Thanh niên ở đây thích học lắm. Học có lợi lắm!

Tôi hỏi: Vậy nhà anh Xà có mấy con và chúng học hành thế nào?

Hảng A Xà chỉ cười. Thấy vậy cô Thùy Vân đứng lên giới thiệu về con cái của Hảng A Xà. Người đàn ông Mông sinh năm 1975 này có ba cô con gái. Cô lớn tên là Hảng Thị Xú, trong tiếng Mông thì “xú” có nghĩa là “sợi chỉ”, cô đang học cao đẳng Dược và tiếng Anh ở dưới Hà Nội. Cô con gái thứ hai tên là Hảng Thị Lú, trong tiếng Mông thì “lú” có nghĩa là “chim Yến”, cô cũng đang học ở Hà Nội. Đáng chú ý là Lú theo học ngành “quản lý nhà hàng”.

Xem ra cái nhà anh Hảng A Xà này “toan tính làm ăn lớn đây?”. Còn cô con gái thứ ba tên là Hảng Thị Qua, trong tiếng Mông thì “qua” có nghĩa là “bồ câu”. Cô tuy mới học lớp 11 nhưng rất có năng khiếu làm ra những sản phẩm lưu niệm từ chính sản vật sẵn có ở địa phương.

Tôi hỏi: Vợ Xà hôm nay có nhà không?

Trả lời: Sáng xuống huyện thi lấy bằng lái xe ô tô.

Tôi nghi ngờ hỏi: Thế anh Xà có tính bao giờ mua ô tô?

Hảng A Xà cười bẽn lẽn. Vàng A Tủa đành nói thay: Chú Xà có bằng lái xe mấy năm rồi. “Con” Inova nhà chú ấy chạy tít lắm. Cứ leo dốc ầm ầm. Cháu cũng sẽ làm giống chú Xà.

Đúng là đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Theo như anh Xà cho biết thì hiện bản Sin Súi Hồ ngoài làm du lịch trải nghiệm với 18 homestay ra còn tập trung nhiều cho trồng hoa địa lan. Mỗi chậu hoa địa lan bán tại chỗ cho thương lái từ 3 cho tới 15 triệu tùy chậu. Mỗi năm một gia đình bán được hàng chục cho tới cả trăm chậu địa lan.

Thu nhập cũng từ vài trăm triệu trở lên đến tiền tỉ. Ấy là chưa kể đến trồng và bán đào cây nữa. Tôi chợt nhớ đến những vườn đồi trồng đào trong bản. Cứ tưởng đó là cây gì khô lá ai dè lại là đào chơi tết. Giống đào rừng Hoàng Liên Sơn mấy năm lại đây khá ăn khách. Người Sin Súi Hồ lại có dịp thu nhập gối lên thu nhập.

*
* *

“Homestay” là một dạng du lịch mà du khách được trải nghiệm với chính gia đình người địa phương với đầy đủ những nét sinh hoạt rất riêng. Du khách cùng ra suối bắt cá, cùng lên nương kiếm rau, cùng vào bếp tự làm những món ăn dân tộc và cùng ăn với gia đình. Đêm thì ngủ trên những chiếc giường gỗ mộc mạc. Dĩ nhiên để có được điều đó từng nhà phải “đầu tư” đúng nghĩa.

Nghĩa có trong nhà có khu bếp riêng thoáng đãng, có khu vệ sinh đạt tiêu chuẩn như những khu vệ sinh trong các khách sạn; có bình nóng lạnh. Chỉ khác chăng là các khu bếp hay vệ sinh được thiết kế mang những nét dân tộc hoặc trang trí hoa văn dân tộc rất sinh động.

Tôi hỏi: Du khách đến đây có nhiều không?

Trả lời: Khoảng từ 300 đến 500 lượt đoàn một năm.

Lại hỏi: Khách Tây có không? Được biết, khách Việt là chính nhưng khách Tây cũng có. Họ đến từ Mỹ, Anh, Trung Quốc và cả Ai Cập nữa. Tôi hỏi thêm: Thế tỉnh và huyện đầu tư nhiều không? đầu tư những gì?

Trả lời: Nhiều chứ! Giúp thông tin và xúc tiến du lịch cho xã này. Giúp xi măng trải đường đi này. Giới thiệu cho các công ty du lịch này. Giúp xây dựng đội văn nghệ để biểu diễn cho khách xem này. Nhiều lắm...

...Vần Hin đón chúng tôi về ăn trưa. Bữa ăn được chuẩn bị chu đáo và cũng gây bất ngờ. Tất cả các đĩa bát đựng thức ăn đều đã được bọc ni lông vệ sinh cẩn thận. Nâng chén rượu ngô thơm nức lên cao tôi nói: Chúc mừng Sin Súi Hồ. Chúc thành công hơn nữa. Chỉ tiếc hôm nay không được gặp người đi đầu và khơi nguồn cảm hứng cho cả bản cùng làm.

Rất bất ngờ Tẩn Vần Hin nói: Người có tên là Hảng A Xà suốt từ sáng đi cùng các chú chính là người ấy đấy! Tôi ớ ra trách mình “vô tâm” nhưng nghĩ lại lại thấy hay. Không biết đấy là “tác giả” thành ra “khai thác” được chân thực và đúng nghĩa hơn.

Cảm ơn Hảng A Xà, cảm ơn vị Mục sư Tin Lành rất giản dị và cũng vô cùng khiêm tốn. Chỉ có những người biết suy nghĩ và hành động đem lại lợi ích cho mọi người mới như vậy. Tôi thực sự có ấn tượng đẹp, ấn tượng lạ về Sin Súi Hồ...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn tượng Sin Súi Hồ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO