Ấn tượng Sơn ta

Cao Minh Anh 07/06/2020 09:00

Hội tụ 18 tác giả theo đuổi nhiều trường phái, triển lãm lần thứ 5 của nhóm Sơn ta Việt Nam diễn ra tại 29 Hàng Bài, Hà Nội (từ ngày 1/6 đến ngày 8/6) một lần nữa cho thấy từ đôi bàn tay sáng tạo của người họa sĩ, mức độ biểu đạt của sơn mài có thể đáp ứng bất kỳ phong cách nào.

Ấn tượng Sơn ta

“Sen II” của Đỗ Đức Khải.

1. Từ nhiều năm nay, một nhóm họa sĩ đã lựa chọn sơn ta làm chất liệu chính cho con đường sáng tạo của mình. Họ đã lập lên nhóm Sơn ta Việt Nam và đều đặn tổ chức các triển lãm.

Nhóm Sơn ta Việt Nam được thành lập vào tháng 4/2013, với mục đích sử dụng sơn ta truyền thống. Dự án đầu tiên của nhóm có khoảng 50 họa sĩ tham gia. Để ra mắt triển lãm lấn thứ nhất, các họa sĩ đã hợp tác với các làng nghề như Hạ Thái và Chuyên Mỹ (Hà Nội), các nghệ nhân sơn mài và các nghệ nhân quì vàng bạc. Từ triển lãm đầu tiên, 30 tác phẩm đã được chọn để triển lãm tại Nga vào năm 2014 cho ngày văn hóa Việt-Nga. Một số các họa sĩ đã tham gia vào chương trình gồm: Nguyễn Trương Linh, Đỗ Đức Khải, Trần Tuấn Long, Đặng Khánh Hội, và Nguyễn Đức Việt.

Triển lãm thứ hai là vào năm 2015 – đây là một triển lãm nhiều thử thách đối với Ban tổ chức vì một số họa sĩ thành viên đã rời nhóm. Và đây cũng là triển lãm đánh dấu một tính năng có giá trị khi chủ đề trở nên cởi mở hơn bao gồm nhiều phong cách như siêu thực, trừu tượng, ấn tượng.

Triển lãm thứ ba năm 2016, và 2 năm sau là triển lãm thứ tư. Ở lần triển lãm thứ tư ấy, các họa sĩ nhóm Sơn ta đã đẩy giới hạn của họ bằng cách sử dụng màu xanh hài hòa. Và tháng 6 năm nay, triển lãm lần thứ 5 của nhóm Sơn ta được tổ chức cho thấy bước đột phá mới của nhóm.

Với 18 tác giả cùng những tác phẩm được thể hiện theo rất nhiều phong cách khác nhau, triển lãm lần này cho thấy sức sáng tạo của người họa sĩ là không có giới hạn, kể cả với thể loại “gò bó” về kỹ thuật như tranh sơn mài. Nếu ở triển lãm trước, các họa sĩ dụng công thể hiện màu lam thì lần này, họ tìm cách khai phá sức biểu đạt của chất liệu sơn ta trong khi vẫn bảo toàn tiêu chí: Bóng, nhẵn, sâu của tranh sơn mài. Sơn mài vốn được cho là khó đem lại cảm giác mềm mại, phóng khoáng như các chất liệu khác, khó gây ra rung động tức thì và do đặc thù về chất liệu, bảng màu, kỹ thuật làm tranh nên phần nào hạn chế ý đồ nghệ thuật và phong cách của người họa sĩ. Nhưng các họa sĩ Sơn ta đã cố gắng vượt ra khỏi những khuôn khổ để làm mới mình và đem đến những ấn tượng thị giác mới lạ, hiện đại hơn cho tranh sơn mài.

Đó là Đỗ Đức Khải với sự biến hóa linh hoạt trong bảng màu, chủ đề, lối thể hiện; trong đường nét, hình mảng khi chắc khỏe, khi mềm mại, khi tỉ mỉ đến từng nét bóng đổ trên mặt nước, từng chi tiết sấp bóng của phiến lá sen… Đó là Chu Viết Cường với những bức tranh bản làng miền núi trong trẻo như sương sớm. Là Trần Tuấn Long với những cơn sóng đêm cuồn cuộn như đang gầm gào khiến người xem có cảm giác ngộp gió…

Trong triển lãm lần này, có một điểm thú vị khác là các họa sĩ đã tận dụng hiệu ứng sâu thăm thẳm của tranh sơn mài để gửi gắm nội tâm cùng nhiều chủ đề tư tưởng, tạo nên một vệt tranh biểu tượng bên cạnh loạt tác phẩm đặc tả thiên nhiên, thiếu nữ… Có thể nhắc đến tác phẩm “Giếng” và “Bóng” của Phùng Huy. Lối thể hiện tối giản, bảng màu trầm nặng, nhưng cách họa sĩ khắc họa bóng ghế và giếng nước như những biểu tượng khiến bức tranh vừa toát lên nét hiện đại, vừa dẫn dụ người xem phải dụng tâm khám phá. Không tối giản mà “đi nét” dày, tranh của Trần Phi Trường, Nguyễn Trường Linh… cũng ẩn chứa những mật mã hấp dẫn qua những biểu tượng đậm chất dân gian như chim muông, phụ nữ, thiên nhiên… Riêng Nguyễn Trường Linh cực kỳ táo bạo trong lối thể hiện. Tranh của anh dày đặc ẩn ý và những nét ngẫu hứng, chẳng hạn, những vết cào, xước cố ý đem lại hiệu ứng tương tự như tranh sơn dầu.

Tương tự như thử thách về màu lam, mọi sáng tạo trong phong cách thể hiện nhằm làm mới tranh sơn mài luôn cần thời gian để trau chuốt, hoàn thiện. Nhưng đây là hướng đi đúng đắn, có thể thu hút công chúng và cả thị trường trong thời điểm này. Nói gì thì nói, công sức bảo tồn tranh sơn mài của các họa sĩ Sơn ta sẽ là vô nghĩa nếu tranh sơn mài không được công chúng và thị trường đón nhận.

2. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, sơn ta chính là sơn mài, nhưng sơn ta không chỉ có sơn mài. Cái độc đáo của sơn ta là pha trộn với nước hay dầu hoặc một số chất liệu khác đều được, hơn thế dùng càng lâu thì càng lên màu đẹp. Thông thường để hoàn chỉnh bức tranh sơn mài phải vẽ chừng 20 lớp, mỗi lớp sơn phải chờ ít nhất 3 ngày mới khô, đợi lớp này khô mới vẽ lên lớp khác. Cứ như thế phải mất khoảng thời gian ít nhất 2 - 3 tháng mới hoàn thành một bức tranh sơn mài - sơn ta. Mặc dù vậy, nhiều họa sĩ trong quá trình làm nghề, bằng khả năng sáng tạo đã biến quá trình nhọc nhằn, công phu này thành những trải nghiệm độc đáo của chất liệu.

Cũng theo ông Đoàn, một bức tranh đẹp không chỉ bao gồm tinh thần, ý tưởng sáng tạo, cảm xúc, năng lực thẩm mỹ, mà còn phải mang đặc trưng của chất liệu, thông qua kỹ thuật chất liệu để thể hiện cảm xúc. Trong nền mỹ thuật Việt Nam, sơn ta - sơn mài vẫn có lộ trình riêng biệt, đẹp đẽ, kết nối giá trị truyền thống và tiếng nói mới của sơn mài đương đại. Quá trình sáng tạo nền cốt nói chung, các họa sĩ sơn mài Việt đã có được những ngôn ngữ, thành quả riêng mà nghệ sĩ các nước trong khu vực khó tìm thấy.

Chất liệu sơn ta góp phần quan trọng làm nên tranh sơn mài Việt Nam đã từng được thế giới đặc biệt yêu thích, là tiếng nói riêng biệt, không trộn lẫn. Lịch sử mỹ thuật Việt còn lưu lại những tác phẩm tranh sơn mài vô giá của các họa sĩ thời Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Tô Ngọc Vân, Phan Kế An... Những tác phẩm tranh sơn mài như: Chùa Thiên Mụ, Nhớ một chiều Tây Bắc, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ... thực sự là những tuyệt tác của hội họa Việt Nam, mà ngoài tài năng, sự bền bỉ đến kinh ngạc của người nghệ sĩ thì chất liệu sơn ta góp một phần quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn tượng Sơn ta

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO