Ánh sáng trong cuộc chiến chống Covid

Hà Anh 09/06/2021 08:08

Dường như một tia hy vọng mới về khả năng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 đang được thắp lên khi tín hiệu vui đã đến ở những vùng dịch “nóng” như Ấn Độ, Brazil. Khả quan hơn, Na Uy còn tuyên bố dịch bệnh đã kết thúc ở đất nước này.

Nhiều quốc gia châu Âu kỳ vọng mua bán sẽ tăng mạnh khi mở cửa trở lại.

Giảm các ca mắc mới

Thế giới đang chứng kiến xu hướng tích cực khi các nước như Ấn Độ, Brazil vốn được coi là tâm dịch thời gian qua có số ca lây nhiễm mới giảm.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, nước này đã ghi nhận 100.636 ca mới mắc Covid-19 trong ngày 8/6, mức thấp nhất trong 62 ngày qua. Đây cũng là ngày thứ 25 liên tiếp số ca phục hồi nhiều hơn số ca nhiễm mới. Trước thực tế là số ca nhiễm mới đã giảm mạnh từ mức cao điểm hơn 400.000 ca/ngày hồi đầu tháng 5, thủ đô New Delhi cũng như nhiều thành phố khác đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế để từng bước nối lại hoạt động đi lại và kinh doanh từ ngày 7/6. Nhiều thành phố lớn tại Ấn Độ đã mở cửa trở lại một phần hoạt động kinh tế.

Cùng với đó, Brazil cũng ghi nhận số ca nhiễm và tử vong trong ngày cuối tuần qua đã giảm. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 39.637 ca nhễm mới và 873 ca tử vong mới. Theo đó, trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã giảm 16%.

Trong khi số ca Covid-19 giảm tại nhiều khu vực trên thế giới, tỷ lệ dân số thế giới được tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng không ngừng tăng lên. Các quốc gia châu Á - những nước vẫn đang đối mặt với các làn sóng dịch bệnh đang tăng tốc kế hoạch tiêm vaccine. Điển hình là Trung Quốc, đặt mục tiêu đến cuối năm nay, dự kiến ít nhất 70% dân số của nước này được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên toàn Thái Lan ngày 7/6 chính thức bắt đầu với hai nhóm đầu tiên đã đăng ký trước là người cao tuổi và những người có bệnh nền. Kế hoạch tiêm chủng quốc gia cũng đang nhận được sự ủng hộ tích cực của doanh nghiệp và cộng đồng.

Hơn thế nữa, mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Na Uy Anne Grethe Erlandsen cho biết, đất nước này đã trải qua những giai đoạn khó khăn, nhưng với chiến lược của chính phủ, sự hợp tác tích cực của người dân, Na Uy đã dần kiểm soát được đại dịch.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát nhiễm trùng, Viện Y tế công cộng Na Uy Preben Aavitsland cung cấp biểu đồ cho thấy, số ca nhập viện do Covid-19 ở Na Uy thấp nhất kể từ mùa hè năm ngoái và bày tỏ tin tưởng rằng, với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng gia tăng, sẽ có rất ít các ca mắc mới được ghi nhận ở Na Uy. Do đó người dân nước này sẽ không cần phải bận tâm đến dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới.

Không phải tất cả giới chức y tế Na Uy hay quốc tế đều đồng thuận với quan điểm rằng đại dịch đã chấm dứt tại một quốc gia nào đó. Covid-19 đã chứng minh được rằng dịch sẽ chưa qua khi thế giới chưa được an toàn. Chua thể nói trước được điều gì, có thể sẽ xuất hiện một số ổ dịch nhỏ lẻ ở Na Uy trong thời gian tới. Tuy nhiên giới chức cùng các cơ quan y tế nước này đều sẵn sàng xử lý tốt các kịch bản.

Viễn cảnh “chung sống với Covid-19” là điều không ai mong muốn, nhưng không vì thế mà trở nên bi quan bởi mức độ thích ứng của các quốc gia trong việc luôn sẵn sàng đối phó tốt nhất với các cuộc khủng hoảng đã tăng lên rõ rệt.

Cùng tăng tốc

Mới đây, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã đạt đồng thuận về tăng tốc phân phối vaccine ngừa Covid-19 và coi đây như một trong những biện pháp chủ chốt để phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

Tuyên bố chung của Hội nghị bộ trưởng thương mại APEC, diễn ra cuối tuần trước nêu rõ: “Nhận thức được vai trò của tiêm chủng mở rộng ngừa Covid-19 như một lợi ích công cộng toàn cầu, chúng ta cần khẩn cấp đẩy nhanh việc sản xuất và phân phối vaccine ngừa Covid-19 một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng”.

Tại Hội nghị lần này, 21 nền kinh tế thành viên APEC cũng cam kết đẩy mạnh sự lưu thông và vận chuyển của mọi loại vaccine cùng các hàng hóa liên quan, thông qua các cảng trên biển, trên bộ và cảng hàng không.

Các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đã bắt đầu đồng loạt đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung vaccine và tăng tốc chiến dịch tiêm chủng cho người dân.

Có thể nói việc khu vực châu Á điều chỉnh chiến lược vaccine, tăng tốc chiến dịch tiêm chủng đã mang lại những kết quả bước đầu. Thống kê mới nhất công bố ngày 7/6 cho thấy tỷ lệ tiêm chủng ở châu Á hiện đạt 26 liều/100 người (xếp sau Bắc Mỹ là 63, châu Âu 51 và Nam Mỹ 31).

Bên cạnh đó, trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) được tổ chức tại Anh, 100 cựu lãnh đạo thế giới đã gửi thư kêu gọi nhóm này hỗ trợ tài chính cho chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo.

Trong thư, các cựu lãnh đạo nhận định, hợp tác toàn cầu trong phòng, chống đại dịch Covid-19 đã không thành công vào năm 2020, nhưng năm 2021 có thể mở ra một kỷ nguyên mới. Những cựu lãnh đạo ký tên trong thư có cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown và Tony Blair cùng cựu Tổng Thư ký LHQ Ban-Ki Moon.

Một cuộc thăm dò trước đó của tổ chức từ thiện Save the Children cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Canada đối với việc G7 sẽ chi 66 tỷ USD cho chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 toàn cầu.

Cùng với đó, ngày 7/6, ông Bruce Aylward, Cố vấn cấp cao thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tổ chức này đang đàm phán với các nước trong Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, về vấn đề quyên góp tài chính và vaccine phòng Covid-19 cho chương trình chia sẻ COVAX.

WHO cảnh báo về việc các nước mua vaccine ngừa Covid-19 với mức giá đắt do mua qua trung gian, đồng thời khuyến cáo rằng, các nước chỉ nên mua các loại vaccine được WHO chứng thực và có nguồn gốc rõ ràng. Đến nay, những loại vaccine đã được WHO đưa vào danh sách này gồm vaccine do các hãng Sinopharm và Sinovac, AstraZeneca/Oxford, Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ánh sáng trong cuộc chiến chống Covid

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO