Anh sẽ ra sao sau khi khởi động tiến trình Brexit?

Linh Chi 29/03/2017 07:05

Tất cả những phân tích về hậu quả của Brexit được giới chuyên gia đưa ra trong 9 tháng qua sẽ sớm được chứng thực trong những ngày tới khi Điều 50 của Hiệp ước Lisbon được kích hoạt trong hôm 29/3, bắt đầu tiến trình cuộc “ly hôn” cay đắng giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU).

Việc khởi động tiến trình Brxit kéo dài 2 năm được dự đoán sẽ mang tới nhiều rủi ro với nước Anh. (Nguồn: AFP).

Trong tuần này, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Đây là một điều khoản ngắn, có phần mập mờ, về các quy định cơ bản cho bất cứ quốc gia nào muốn tự nguyện rời khỏi EU. Trong ngày 29/3, chính phủ Anh dự kiến sẽ gửi một bức thư tới người đứng đầu EU, ông Donald Tusk, để chính thức thông báo về việc quốc gia này muốn tách khỏi liên minh.

Trong khoảng thời gian 6 tuần kể từ khi Anh gửi đi bức thư này, EU sẽ phải đưa ra câu trả lời của họ bằng một văn bản có tên gọi “dự thảo hướng dẫn về Brexit”. Lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên còn lại của khối EU dự kiến cũng có cuộc họp trong ngày 29/3, tuy nhiên khó có thể thảo luận ngay về các hướng dẫn này.

Điều gì xảy ra sau khi kích hoạt Điều 50?

Theo Hiệp ước Lisbon, Điều 50 một khi được kích hoạt sẽ cho phép một quốc gia muốn tách khỏi EU khoảng thời gian 2 năm để đưa ra hướng đi cho tiến trình này. Anh là nền kinh tế lớn đầu tiên muốn rời khỏi EU, bởi vậy vẫn không có ai dám chắc rằng tiến trình này có diễn ra suôn sẻ hay không.

Thực tế hiện tại cho thấy mối quan hệ giữa Anh và EU đã trở nên vô cùng căng thẳng trong khoảng thời gian 9 tháng vừa qua, nên tiến trình này gặp khó cũng không có gì lạ. Theo hãng tin FT, trong hôm đầu tuần, Anh đã bắt đầu nhận ra rằng, họ vẫn phải phụ thuộc vào một số cơ quan của EU sau khi rời khỏi khối này vào năm 2019.

“Điều này là do chúng tôi chưa có chuyên môn trong một số lĩnh vực và sẽ không có đủ thời gian để thiết lập các cơ quan mới” - một vị quan chức chính phủ Anh giấu tên nói với hãng FT.

Ngoài việc thiếu chuyên môn trong một số lĩnh vực ra thì việc có đủ nhân lực để hoạt động cũng là một vấn đề khác với nước Anh.

Tháng 11 năm ngoái, một bài viết phân tích của hãng Deloitte cho thấy rằng Anh cần khoảng 10.000 - 30.000 nhân lực để bù lấp khối lượng công việc bị bỏ trống sau khi rời khỏi EU. Chính phủ Anh lúc bấy giờ đã chỉ trích báo cáo nọ vì không dẫn thông số chính thức từ chính phủ.

Tuy nhiên, cách đây 2 tuần, lại có một bản báo cáo khác chỉ ra rằng sức ép đối với công chức Anh sẽ rất lớn sau khi nước này rời khỏi EU. Báo cáo cho rằng chính phủ Anh sẽ phải chi nhiều tiền hơn, thuê nhiều nhân công hơn để có thể thực hiện tiến trình Brexit đúng hạn định.

Ngoài mối quan hệ căng thẳng giữa Anh và EU thì còn một sự việc còn phức tạp hơn sau khi khởi động Brexit là các quy định mà các cơ quan quan trọng của EU thực thi. Bất kỳ trường hợp phá vỡ các quy định của EU đều sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Anh vốn đã quá quen thuộc với chúng, và gây khó cho họ khi làm ăn với các đối tác trong khối EU.

Giới chức chính phủ Anh cũng thừa nhận rằng, việc tuân thủ các quy định của EU là điều tối quan trọng nếu như Anh muốn có cơ hội ký kết một thỏa thuận thương mại tự do với khối này.

Nhưng xét trong bối cảnh căng thẳng hiện nay thì khả năng có một thỏa thuận thương mại thay thế giữa Anh và EU là điều khó xảy ra.

Thủ tướng Anh Theresa May từng nói rằng “thà không có thỏa thuận nào còn hơn một thỏa thuận tồi”. Nói cách khác, chính phủ Anh hiện tại tin rằng sẽ tốt nếu nước Anh rời khỏi EU mà không đàm phán một thỏa thuận mới với EU, hơn là đạt được một thỏa thuận không có lợi cho họ. Đây chính là quan điểm được giới phân tích gọi là “Hard Brexit”, tức thực hiện tiến trình Brexit một cách cứng rắn của bà May.

Anh theo đuổi “Hard Brexit”

Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Anh phụ trách Brexit, ông David Davis, đã nói trước một Ủy ban Hạ viện rằng chính phủ đã không đánh giá được toàn bộ ảnh hưởng của Hard Brexit tới nền kinh tế Anh.

“Họ chỉ đưa ra ước tính trong chiến dịch vận động trưng cầu” - ông Davis nói - “Nhưng tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây là, các dự báo trên đã không chính xác”.

Và nếu như Hard Brexit xảy ra, Anh sẽ mất quyền tiếp cận vào thị trường đơn của EU, các quy chế thương mại đối với Anh sẽ mặc định trở về các điều luật được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) quy định. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ gây ra tình trạng cực kỳ khó khăn cho giưới doanh nghiệp Anh.

Một ủy ban khác tại Thượng viện Anh cũng công bố báo cáo nói về mức độ ảnh hưởng của các quy định thương mại của WTO đối với một số ngành nghề của Anh. Các hàng rào thuế quan của WTO rất khác biệt đối với các khu vực khác nhau.

“Trong khi mức thuế đối với các linh kiện hàng không dân dụng là 0%, thì hàng rào thuế quan đối với xe hơi là 10% và có thể lên tới trên 200% đối với các mặt hàng nông sản” - báo cáo cho hay.

Bởi vậy, thời gian qua, chính phủ của Thủ tướng May đã cam kết rằng Anh có thể ký được một thỏa thuận thương mại tự do với nước Mỹ, nhưng giới ngoại giao EU lại cho rằng dù không ai có thể ngăn cản Anh tìm kiếm các đối tác trong tương lai, thì các nỗ lực đàm phán về thương mại tự do trước khi Anh thực sự rời khỏi EU sẽ ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán về tiến trình Brexit

Nhiều rủi ro với nước Anh

Ngoài vấn đề về kinh tế thì Anh còn phải chấp nhận rất nhiều rủi ro khác khi rời khỏi EU.

Nếu như một thỏa thuận thương mại tự do được đàm phán trong thời điểm tốt và ra kết quả có lợi cho nước Anh, và nền kinh tế nước này vẫn ổn định trong khoảng thời gian đó, thì bà May sẽ được xem là một trong những vị Thủ tướng vĩ đại được đi vào lịch sử của nước này.

Trong trường hợp Thủ tướng May vẫn còn nắm giữ quyền lực cho tới khi Brexit hoàn tất, bà sẽ phải đối mặt với một cuộc bầu cử tổ chức vào năm 2020, tức 1 năm sau khi quá trình kéo dài 2 năm hoàn tất. Có rất nhiều thời gian để cử tri Anh đánh giá xem liệu tiến trình Brexit đã diễn ra theo hướng tích cực hay tiêu cực.

Nhưng ngay cả trước khi Brexit hoàn tất, bà May đã phải đối mặt với nhiều chướng ngại về mặt chính trị trong nước, trong đó gồm khả năng Scotland tổ chức trưng cầu dân ý nhằm tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh (UK), cuộc trưng cầu này có thể diễn ra trong khoảng nửa cuối năm 2018 và nửa đầu năm 2019.

Đó là chưa kể vấn đề về đường biên giới đang tồn tại giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland - đường biên giới trên đất liền duy nhất giữa UK và EU. Đường biên giới này sẽ ra sao nếu như Anh đã rời khỏi EU còn là câu hỏi lớn. Ngoài ra Ireland cũng có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế, bởi hiện nay đồng Bảng Anh suy yếu vốn đã ảnh hưởng tới các mặt hàng xuất khẩu của nước này tới Anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Anh sẽ ra sao sau khi khởi động tiến trình Brexit?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO