Tín dụng đen hoành hành, người nghèo khốn khổ

Trần Thị Thu Hiền 30/06/2018 08:00

Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre liên tục xuất hiện nhiều vụ vỡ nợ do vay tín dụng đen. Vì hoàn cảnh khó khăn và thiếu hiểu biết, nhiều người dân đã vay vốn cũng như thỏa thuận về việc vay thông qua các đối tượng cho vay lãi suất cao, hình thức cho vay đơn giản...

Thủ tục vay nhanh, gọn

Tín dụng đen vay dễ, vay nhanh không thế chấp nên người vay ít quan tâm đến các điều kiện ràng buộc khi đi vay, lãi suất theo thỏa thuận giữa hai bên.

Vì vậy, nhiều người thiếu hiểu biết đã rơi vào bẫy mà không hay biết. Loại hình tín dụng này thường núp bóng các hình thức như: dịch vụ cầm đồ, xe ô tô hoặc mô tô; cho vay với hình thức hợp đồng mua bán nhà đất; cho vay thế chấp sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, giấy đăng ký xe mô tô, bảo hiểm y tế… Thời gian qua, hình thức cho vay bằng hợp đồng mua bán nhà đất đã đẩy nhiều nạn nhân rơi vào cảnh mất nhà, mất đất.

Anh V.D.K., thành phố Bến Tre cho biết anh vừa bỏ ra số tiền hơn 200 triệu đồng để mua lại hơn 100m2 diện tích đất ngôi nhà anh đang ở cũng chỉ vì vay lãi suất cao.

Theo anh K., cách nay nửa năm, cả gia đình anh đang sống yên ổn thì bị các đối tượng lạ mặt đến đe dọa... phải trả tiền chuộc miếng đất hơn 2.000m2 mà gia đình đang ở mấy chục năm.

Khi tìm hiểu sự việc, anh K. và gia đình mới biết được một thành viên trong gia đình vì chơi cá độ bóng đá nợ số tiền lớn nên lừa gia đình thế chấp giấy tờ sử dụng đất của gia đình cho tín dụng đen. Khi đến phường trích lục hồ sơ đất thì diện tích đất của gia đình anh K. đã thuộc quyền sử dụng của người khác và nếu muốn tiếp tục ở thì phải mua lại.

Theo ông Ngô Thanh Hưng, Trưởng phòng Tư pháp thành phố Bến Tre thực tế, khi vay tín dụng đen người dân không cần thế chấp, được vay nhanh và chỉ là mối quan hệ giao dịch giữa người cho vay và người vay mà không cần đến sự can thiệp của tổ chức tín dụng có đầy đủ tư cách pháp nhân.

Đây là hoạt động tín dụng ngầm giữa người huy động vốn và người cho vay mà không chịu sự quản lý của tổ chức ngân hàng hay cơ quan Nhà nước nào. Sự ràng buộc giữa người cho vay và người huy động vốn chỉ là những tờ giấy viết tay, trong khi không hề có sự chứng kiến của cơ quan quản lý Nhà nước.

Tại huyện Bình Đại, có 3 công ty tài chính, tổ chức tín dụng (địa chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh) hoạt động cho vay dưới hình thức vay tiêu dùng, gồm: Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty Tài chính MyCenter CREDIT, Công ty Tài chính DIU CREDIT. Cả 3 công ty tài chính, tổ chức tín dụng này khi thực hiện cho vay trên địa bàn huyện, chỉ giao dịch trực tiếp với người vay, không thông qua chính quyền địa phương.

Ngoài ra, huyện Bình Đại hiện có 46 đối tượng hoạt động cho vay. Việc cho vay thường thỏa thuận bằng miệng hoặc viết giấy tay không ghi nhận mức lãi suất, chỉ ghi số tiền cho vay và thời hạn trả nợ, cả người cho vay và người vay đều giấu kín hoạt động của mình, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý khi phát sinh vụ việc.Đại tá Trần Thị Bé Nhân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre cho biết, tình hình cho vay nặng lãi, tín dụng đen hiện rất phức tạp.

Trên địa bàn tỉnh, ngoài các đối tượng tại địa phương, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều đối tượng ở nơi khác đến hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Nạn nhân mà các đối tượng này nhắm tới là người đam mê cờ bạc, cá độ, người có tư tưởng lười lao động nhưng thích ham chơi, đua đòi hoặc những người làm ăn thua lỗ,...

Các đối tượng cho vay với mức lãi suất “cắt cổ” 20%/tháng và khống chế người vay thế chấp tài sản nhà ở, ruộng, đất... Nếu người vay không trả được nợ sẽ đem giấy tờ này đi công chứng, hợp thức hóa. Nếu như người vay không có tài sản thì đối tượng cho vay sử dụng băng nhóm đòi nợ thuê uy hiếp, đe dọa, gây thương tích đối với người vay tiền. Khi sự việc xảy ra, người vay tiền vì nhiều lý do nên không khai báo các cơ quan chức năng xử lý. Còn người cho vay dựa vào yếu tố này để chiếm dụng tiền cho vay,...

Phát triển tín dụng chính sách

Hiện Công an tỉnh Bến Tre đang thụ lý làm rõ 3 vụ nghi là băng nhóm bảo kê cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre Trần Thị Bé Nhân, việc xử lý đối tượng cho vay nặng lãi cũng gặp khó khăn như phải chứng minh được đối tượng cho vay nặng lãi đang làm nghề cho vay nặng lãi là nghề mưu sinh.

Trước tình trạng này, đoàn thể ở Bến Tre cho rằng nhà nước nên tạo điều kiện để thành lập thêm các quỹ tín dụng nhân dân để người dân được vay ở nơi an toàn. Ngoài ra, ngành ngân hàng nên giảm các thủ tục hành chính gây khó khăn cho người dân khi muốn vay vốn.

Ngoài ra, các ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường quản lý, siết chặt các hoạt động cho vay, huy động vốn tự phát; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giúp tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân nâng cao hiểu biết, nhận thức và cảnh giác cao trước thủ đoạn của các đối tượng.

Theo ông Nguyễn Văn Đảm, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Bến Tre, để giảm tình trạng người dân bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo tìm đến các hình thức “tín dụng đen”, các ngân hàng cần có cơ chế chính sách thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, tăng cường các nguồn vốn cho đối tượng có nhu cầu tiếp cận vay an toàn, nhanh chóng, thuận tiện hơn,... Cũng theo ông Nguyễn Văn Đảm hiện nay, hầu hết các đoàn thể đều có nguồn quỹ cho vay.

Vì vậy, cần hướng dẫn người dân biết những nguồn vốn có lãi sất cho vay thấp, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận để không phải vay nặng lãi, vay tín dụng đen. Lấy tín dụng tín dụng chính sách để đẩy lùi tín dụng đen.

Ông Trương Công Lý, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Bình Đại đề xuất các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vay tín dụng với những chế tài xử lý cụ thể, rõ ràng và cần bổ sung hình phạt đối với nhóm hành vi vi phạm liên quan đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi để có cơ sở pháp lý khi xử lý trong thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín dụng đen hoành hành, người nghèo khốn khổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO