Áo phao lên đò

Ngọc Quang 04/07/2016 14:10

Trong số những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7 này, rất đáng chú ý là Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Hành khách có thể bị xử phạt 200.000 đồng nếu đi trên phương tiện chở khách ngang sông mà không mặc áo phao cứu sinh, hoặc không mang theo dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân. 

Áo phao lên đò

Những chuyến đò ngang với nhiều ẩn họa khó lường.

Đây là quy định nhằm ứng phó với tai nạn giao thông đường thủy nội địa có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, việc áp dụng thế nào, tác dụng tới đâu thì lại cần thời gian.

Nghị định cũng quy định, người lái phương tiện, thuyền viên có trách nhiệm phát, hướng dẫn cách sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cho hành khách. Trường hợp không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị và dụng cụ an toàn cho người và hành khách trên phương tiện, thuyền viên sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với các phương tiện chở đến 12 khách.

Mức phạt đối với hành khách và chủ thuyền như vậy là tương đương, có nghĩa là mỗi bên nếu không tuân thủ nguyên tắc an toàn giao thông đường thủy thì đều có thê bị phạt tới 200.000 đồng. Đây được coi là giải pháp cần thiết để kéo giảm tai nạn sông nước nếu không may xảy ra. Người ta nói rằng, nếu như vụ tại nạn trên sông Hàn mới rồi người trên tàu mang áo phao thì không đến nỗi dẫn đến những cái chết thương tâm.

Việt Nam là quốc gia nhiều sông và số lượng người tham gia giao thông bằng đường thủy hàng ngày cũng không hề nhỏ. Các tuyến đường thủy nội địa cũng khá chằng chịt, trong đó nổi lên là những con sông chính như:sông Hồng, sông Đà ở miền Bắc; sông Tiền, sông Hậu ở Tây Nam Bộ và sông Đồng Nai, sông Sài Gòn ở Đông Nam Bộ.

Tổng chiều dài của tất cả các loại sông, kênh, rạch trên lãnh thổ Việt Nam khoảng 42.000km, dài nhất là sông Hồng (khoảng 541km) và sông Đà (khoảng 543km).

Sông Hậu là con sông có khúc rộng nhất (ở huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng) và Cầu Kè (Trà Vinh) với chiều ngang gần 4km. Đất nước có 392 con sông chảy liên tỉnh được đưa vào danh mục quản lý của Cục Đường sông Việt Nam theo Quyết định số 1989 ngày 1/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, 191 tuyến sông, kênh với tổng chiều dài 6.734,6 km được xem là tuyến đường sông quốc gia

Dẫn ra những con số để thấy đường sông là tuyến giao thông quan trọng trong việc vận tải hàng hóa cũng như chuyên chở người. Nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ thì tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào.

Riêng với việc chở người, vận tải đường thủy thời gian qua đã xảy ra không ít vụ tai nạn. Những vụ “đình đám” thường rơi vào những con tàu chở khách du lịch. Khi tai họa đến, người ta mới ồn ào tìm hiểu nguyên nhân, tìm ra những lý do thật lãng xẹt ví dụ như người lái không có bằng, tàu không được đăng kiểm, “nhồi” khách gấp 2, gấp 3 lần quy định của con tàu...

Cách đây vài năm, ở tỉnh Quảng Ngãi, khi thanh tra giao thông tiến hành kiểm tra các phương tiện thuỷ nội địa ở hai huyện Sơn Tịnh và Sơn Hà, tới bến đò Khê Tân - Cổ Lũy, người ta đã “té ngửa” khi phát hiện người đàn ông 55 tuổi lái đò máy công suất 12CV chở khách nhưng lại... cụt một chân. Không hiểu, ngộ nhỡ xảy ra tai nạn thì chủ đò làm sao cứu được hành khách. Cũng trong đợt kiểm tra ấy, ở bến đò Chòm Rau (xã Sơn Nham) có một con đò ngày nào cũng chở 20 học sinh đi về nhưng trên đò chỉ có 4 áo phao cứu sinh.

Đó là thực trạng rất đáng lo ngại với những con đò ngang vùng quê. Khi mà hệ thống cầu chưa thể phủ khắp thì những con đò ngang ấy vẫn tồn tại. Người ta cho rằng việc băng qua sông trên những con đò không có gì nguy hiểm, vì ngày nào cũng đi.

Nhưng ai nào biết trước một lúc nào đó đò sẽ lật. Cũng chính vì quá quen đi lại kiểu đó nên cả chủ đò lẫn khách không ai nghĩ đến cái áo phao cứu sinh. Nhắc đến mặc áo phao khi lên đò là phản ứng. Chủ đò thấy khách không mặc thì cũng kệ, tạo nên cảnh như thể cả hai bên thông đồng với nhau trước việc sống chết.

Cũng cần thấy rằng, việc “thả nổi” tính mạng hành khách trước hết là do chủ đò. Phải mua phao cứu sinh đồng nghĩa với việc họ phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy, họ lờ việc mua áo phao cho khách. Lỗi chính là ở chủ đò, nhưng mức phạt chỉ là nhắc nhở hay là phạt tối đa đến 200 ngàn đồng xem ra là quá nhẹ.

Các con đò ngang ở những vùng quê không dễ kiểm soát vì nó rất nhiều, đội ngũ thanh tra giao thông chuyên ngành không thể đủ người để kiểm tra, phạt. Vậy thì, việc đó cần được giao cho địa phương, lãnh đạo thôn xã phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Nếu vẫn cứ ứng xử với nhau theo kiểu “tình làng nghĩa xóm”, để kệ các chủ đò không mua phao cứu sinh cho khách và cũng để mặc hành khách xuống đò không mặc áo phao, thì có thể nói là tình hình không biến chuyển.

Hãi nhất là những chuyến đò lèn chặt người lừ lừ trôi, nước lúc nào cũng chực tràn vào lòng thuyền. Quá đông người, đò nặng đã đành, lại rất dễ mất thăng bằng, nghiêng ngả giữa dòng nước là... chuyện thường.

Các cụ ngày xưa dặn rằng “sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua” nhưng khách thì vội cố chen lên cho bằng được, còn chủ đò thì càng nhiều khách càng vui vì thu được nhiều tiền. Đã thế, nhiều chủ đò lại không biết gì về kĩ năng cứu nạn khi không may khách bị rơi xuống sông.

Một lần, đi đò trên sông Đà, người viết bài này hỏi chủ đò: Nếu không may thuyền lật, tôi bị rơi xuống sông thì sao? Chủ đò hỏi ngược lại: Biết bơi không? Nếu biết bơi thì tự tìm cách bơi vào bờ. Khi biết tôi không biết bơi, chủ đò nói: Không sao! Cứ túm tóc lôi lên, rồi cầm cẳng dốc ngược, khi nào nôn ra thì sống (!).

Sau lần ấy, mỗi khi có việc qua đò lại thấy chờn chợn.

Trở lại chuyện phạt tiền cả khách lẫn chủ đò là việc cần thiết nếu không sử dụng áo phao cứu sinh. Tuy nhiên, quan trọng nhất phải là bắt buộc các chủ đò trang bị đủ áo phao cho khách. Nếu khâu này không làm được thì những khâu tiếp theo cũng không còn nhiều ý nghĩa. Và, cuối cùng là phải buộc trách nhiệm đối với chính quyền xã trong việc để xảy ra tai nạn. Có như vậy, sự việc mới được giải quyết từ gốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áo phao lên đò

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO