Áp dụng khoa học công nghệ, bệnh nhân hưởng lợi

Đức Trân 06/10/2019 08:00

Ngành Y tế đã có nhiều ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác khám, chữa bệnh, khiến người dân được hưởng nhiều lợi ích thiết thực khi điều trị tại các bệnh viện.

Áp dụng khoa học công nghệ, bệnh nhân hưởng lợi

Có nhiều ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác khám, chữa bệnh.

Robot chữa bệnh ở bệnh viện tuyến tỉnh

Ngày 28/9, các BS Khoa Ngoại Thần kinh, BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ áp dụng robot vào phẫu thuật cột sống, đây là BV tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ này. Người bệnh Trương Thanh Bình (nữ, 43 tuổi, Hạ Hòa, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng đau nhiều vùng cột sống thắt lưng, không tự đi lại được, uống thuốc giảm đau nhiều tháng dẫn đến viêm dạ dày cấp. Trên hình ảnh X quang và cộng hưởng từ cho thấy người bệnh bị hẹp ống sống L4-L5 có chỉ định phẫu thuật. Các BS đã quyết định áp dụng robot trong mổ để định vị chính xác vị trí bắt vít cột sống L4, L5. Đây cũng là ca phẫu thuật cột sống đầu tiên bằng robot được triển khai.

TS.BS Nguyễn Văn Sơn - Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ - cho biết: Trong phẫu thuật cột sống, xác định đúng vị trí cần bắt vít rất quan trọng. Sử dụng robot sẽ giảm những tổn thương không cần thiết đến các vùng mô và tế bào xung quanh. Trước khi tiến hành phẫu thuật, các BS sử dụng hệ thống robot hoạch định trước kế hoạch cho ca mổ dựa trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính mô phỏng 3D và hình ảnh chụp cộng hưởng từ cột sống, giúp người bệnh giảm nguy cơ phải mổ lại, mất máu ít hơn, ít sẹo hơn, ít đau hơn, hồi phục nhanh hơn. Hệ thống robot giúp BS định vị chính xác vị trí bắt vít và thực hiện các thao tác phẫu thuật với độ chính xác cao nhất.

Kế hoạch lập trình mổ cho người bệnh được thực hiện ngay tại phòng mổ, người bệnh được gây mê; tiến hành gắn khung định vị trên xương sống. Tiếp theo là đồng bộ hoá hình ảnh 3D (hình ảnh X quang đứng và xiên với ảnh chụp CT của bệnh nhân trước mổ kết nối thông tin với nhau để máy hiểu và thực hiện); chọn trạm điều hành cho robot (robot hoạch định chính xác hướng của vít, vị trí đặt vít). Nếu như trước đây, để bắt 4 vít, với một phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm cần 1 tiếng 30 phút. Nay với hướng dẫn của robot, bắt 4 vít chỉ diễn ra trong vòng 30 phút.

Sau mổ 2 ngày, chị Bình đã khỏe trở lại và ngồi được, dự kiến xuất viện sau 10 ngày tới.

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt

Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến “Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành Y tế” tại điểm cầu trung ương Hà Nội và 62 điểm cầu tại các UBND tỉnh. Hội nghị tập trung quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, đó là thanh toán không dùng tiền mặt đối với viện phí, học phí; và giải pháp, cơ hội cho người dân, bệnh nhân trong xã hội không tiền mặt.

PGS.TS Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế - cho biết: Hiện nay dịch vụ thanh toán điện tử là phổ biến trên thế giới và ở nước ta. Thanh toán điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chi trả các hoạt động giao dịch mua bán mà không dùng tiền mặt thông qua các hình thức như chuyển khoản, thẻ tín dụng, thẻ nội địa, ví điện tử, ứng dụng di động (mobile banking)… đã được chứng thực và được sự bảo đảm của các ngân hàng. Nếu chỉ tính riêng thời gian chờ đợi, xếp hàng để được nộp tiền viện phí, chi phí xét nghiệm, chi trả các hoạt động cận lâm sàng… mất khoảng 30 phút.

Ứng dụng khoa học trong hỗ trợ sinh sản

Tại họp báo "Ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ sinh sản", ThS. Susanna Brandi - Chuyên gia Khoa học Y sinh, đại diện Merck KGaA - cho biết: Hệ thống tủ nuôi cấy phôi công nghệ Time-lapse là những ứng dụng công nghệ tiến bộ trong điều trị vô sinh hiếm muộn đang sử dụng tại châu Âu, Mỹ và nhiều nước phát triển.

Cho tới hiện nay, sự phát triển về công nghệ của các tủ nuôi cấy phôi đã trải qua 3 giai đoạn cơ bản, từ tủ nuôi cấy lớn một cửa, đến tủ nuôi cấy nhiều ngăn và cải tiến gần nhất là tủ nuôi cấy nhiều ngăn tích hợp hệ thống kính hiển vi soi ngược và camera (công nghệ Time-lapse).

Về quy trình nuôi cấy phôi trong tủ Time-lapse: Mỗi phôi sẽ được nuôi cấy riêng biệt và được camera ghi nhận hình ảnh phôi ở các giai đoạn phôi phân chia; dữ liệu hình ảnh phôi này sẽ được truyền vào máy vi tính; vì vậy, chuyên viên phôi học có thể đánh giá chất lượng phôi dựa vào hình thái cũng như động học của phôi mà không cần phải lấy phôi ra ngoài, quá trình nuôi cấy phôi sẽ không bị gián đoạn. Thông tin chi tiết của mỗi phôi giúp các chuyên viên chọn lựa đúng phôi có khả năng làm tổ cao nhất. Phần mềm trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligene, AI) cũng đã ra đời, giúp việc đánh giá phôi được nhanh hơn và khách quan hơn.

Theo nghiên cứu của B. Aparicio Ruiz và cộng sự, vào năm 2018, trên 4.010 ca chuyển phôi tại cùng một trung tâm IVF ở châu Âu cho kết quả tỉ lệ phôi nang bình thường và phôi nang tốt trong tủ Time-lapse lần lượt là 47,2% và 27,9%, cao hơn có ý nghĩa thống kê so nuôi cấy phôi thông thường trong tủ nhiều ngăn với tỉ lệ lần lượt là 41,3% và 22,1%.

Theo nghiên cứu phân tích tổng hợp của tác giả Pribenszky và cộng sự năm 2017 cho thấy kết quả nuôi cấy phôi trong tủ Time-lapse cải thiện kết cục lâm sàng (tỉ lệ có thai, sẩy thai sớm, tử sản và tỉ lệ sinh sống) so với nuôi cấy thông thường. Phân tích tổng hợp này gồm 5 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (n=1637) cho kết quả là nuôi cấy phôi trong tủ Time-lapse có tỉ lệ thai lâm sàng hơn so với nuôi cấy thông thường (51% so với 39,9%), giảm đáng kể tỉ lệ sẩy thai sớm (15,3% so với 21,3%) và tăng đáng kể tỉ lệ sinh sống (44,2% so với 31,3%).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp dụng khoa học công nghệ, bệnh nhân hưởng lợi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO