Áp lực của vương miện

Trịnh Bá Duy 09/12/2020 19:00

Trong lịch sử các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, cuộc thi năm 2020 là rất đặc biệt. Nó diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn bủa vây toàn thế giới. Tổ chức cuộc thi hoa hậu trong khi Việt Nam ở “trạng thái bình thường mới” cũng gây ít nhiều áp lực cho Ban Tổ chức (BTC), nhất là luôn phải dự phòng “kịch bản” cho một điều không may xảy đến.

Tìm “hoa” trong mùa Covid

Đêm chung kết là những vòng thi tranh tài cuối cùng của 35 người đẹp đến từ khắp mọi miền đất nước, đã vượt qua các vòng loại khu vực. Chung cuộc, thí sinh Đỗ Thị Hà, số báo danh 245, đến từ Thanh Hóa, đã trở thành cô gái đẹp nhất Việt Nam.

Đỗ Thị Hà cao 1,75m, số đo ba vòng 80-60-90, sinh năm 2000, hiện là sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Hai người đẹp đăng quang Á hậu 1 và Á hậu 2 lần lượt là Phạm Ngọc Phương Anh và Nguyễn Lê Ngọc Thảo.

Nhưng để tìm ra các nhan sắc ấy, áp lực đè nặng lên những người tổ chức cuộc thi. Mặc dù báo Tiền Phong là đơn vị tổ chức đã nắm trong tay nhiều bí quyết cũng như kinh nghiệm tổ chức, song với cuộc thi năm nay, lại xuất hiện mối lo lớn. Đó là đại dịch Covid-19 vẫn còn vây bủa thế giới, có thể bùng phát bất cứ lúc nào, dù Việt Nam là một quốc gia đến thời điểm này đã có sự chủ động đối phó và thu được những thành công bước đầu.

Lẽ ấy, khi chiếc vương miện được đội lên đầu tân hoa hậu Đỗ Thị Hà, ai nấy đều thở phào.

Thế nhưng, theo dõi đêm chung kết, người ta vẫn thấy có vẻ đã bị kéo quá dài. Nếu làm gọn hơn, chắc nhiều khán giả sẽ thích thú hơn và cảm giác “oải”, thậm chí muốn “chuyển kênh” không xuất hiện ở nhiều người. Mặc dù sau đó, đại diện BTC cũng đã lý giải rằng, cuộc thi có nhiều cuộc thi thành phần, tiến hành nhiều hoạt động quảng bá cho các địa phương mà nó đi qua và nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện, dự án nhân ái rất có ý nghĩa, đồng thời muốn khán giả có cái nhìn lại toàn cục nên đã đưa vào khá nhiều clip tổng kết; rồi thì trong đêm chung kết, nhiều thí sinh lại kéo dài sự có mặt của mình trên sân khấu nên khiến chương trình kéo dài v.v…, nhưng công chúng vẫn ít thấy thuyết phục.

Không chỉ bị soi về kịch bản, trang phục của thí sinh dự thi hoa hậu, dù nghe nói đã có nhiều cố gắng và sáng tạo, nhưng vẫn chưa làm thỏa mãn người xem. Đặc biệt, Top 3 lúc đăng quang mặc áo dài trắng thay vì váy dạ hội lộng lẫy cũng khiến có luồng ý kiến cho rằng “không đã”. Thậm chí có người còn bảo, trang phục ấy đã kéo màn đăng quang của Hoa hậu Việt Nam gần lại màn kết của cuộc thi… Hoa khôi Sinh viên Việt Nam!

Việc chọn trang phục áo dài trắng là ý tưởng trước tiên của Tổng đạo diễn chương trình Hoàng Nhật Nam, sau đó được BTC gật đầu với lý do: để thí sinh ở màn kết cuộc thi mặc áo dài trắng, và hoa hậu cũng đăng quang trong trang phục đó nhằm khẳng định rằng tà áo dài là giá trị truyền thống của Việt Nam. Vừa qua, có nơi người ta cố tình dùng áo dài của Việt Nam như là trang phục bắt nguồn từ họ. Bên cạnh đó, màu trắng còn là màu biểu tượng của ngành y tế, cho nên qua màn áo dài này, như lời tri ân gửi tới đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu trong công cuộc chống dịch Covid-19.

Mong muốn vẻ đẹp “không tì vết”

Một áp lực khác không thể không nhắc tới đó là “so bó đũa” để chọn ra thí sinh xứng đáng nhất trao vương miện hoa hậu. Năm nào, câu chuyện này cũng khiến Ban Giám khảo (BGK), BTC nâng lên đặt xuống, cân nhắc nhiều chiều. Và năm nào, sau đêm chung kết, tân hoa hậu cũng bị “soi” một cách kỹ lưỡng. Soi từ cách trả lời ứng xử, cách ăn mặc, giọng nói, dáng đi, mái tóc cho đến soi đời sống riêng, thậm chí “đột nhập” nhà tân hoa hậu để xem góc học tập, tủ quần áo… Và tân hoa hậu Đỗ Thị Hà năm nay cũng không ngoại lệ.

Ngay sau khi thí sinh Đỗ Thị Hà số báo danh 245 được xướng lên, thì cũng là lúc cộng đồng mạng xã hội “lục tung” trang cá nhân trên facebook của cô và phát hiện ra rất nhiều “bí mật”. Một trong những điều được nhiều người nhắc tới là những dòng trạng thái kiểu như “Cuộc đời tôi là một câu chuyện buồn”, hay những bình luận trước đây cho thấy cô gái sinh năm 2000 này “ưa nói tục”. Ngay sau đó, nhiều trang thông tin điện tử cũng chụp màn hình và đưa ra ra dẫn chứng.

Trong buổi giao lưu sau ngày đăng quang, khi được hỏi về điều này trong quá khứ, Hoa hậu Đỗ Thị Hà thừa nhận: “Về những thông tin đăng tải trên mạng xã hội trước đây thì đúng là thời đó tôi còn là một cô gái khá vô tư nên có những hình ảnh hoặc câu nói vui đùa chưa chuẩn mực”. Cô gái 20 tuổi chân thành: “Có thể, mọi người sẽ nghĩ tôi chưa xứng đáng nhưng chắc chắn khi chiếc vương miện được trao cho mình, trở thành Hoa hậu Việt Nam thì trách nhiệm và nỗ lực hàng ngày để thay đổi bản thân để vươn tới hình tượng hoa hậu của công chúng, hoa hậu đầy lòng nhân ái sẽ tăng lên gấp bội”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, có lẽ BGK, BTC cuộc thi năm nay đã không để tâm đến việc tìm hiểu về những ứng xử của các thí sinh tham gia cuộc thi trên không gian mạng. Vì thế, mới để lọt ra câu chuyện trớ trêu này.

Việc công chúng đòi hỏi những á hậu, hoa hậu phải hoàn hảo, mang một vẻ đẹp “không tì vết” là điều có thể hiểu được. Và khi hoa hậu, á hậu không được như mong muốn nên họ bày tỏ sự băn khoăn, thất vọng cũng rất dễ hiểu.

Theo TS Khuất Thu Hồng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), “nếu coi hoa hậu chỉ là người đẹp Việt Nam thôi thì công chúng sẽ không thắc mắc. Nhưng cách truyền thông về hoa hậu như hiện nay cứ thổi lên là đại diện cho phụ nữ Việt Nam và gán cho đủ thứ tiêu chuẩn, phẩm chất khiến công chúng muốn hoa hậu phải là người đẹp, là thánh nữ và là nhà thông thái. Và khi phát hiện ra trong quá khứ có cô hoa hậu từng dùng những ngôn từ thiếu chuẩn mực công chúng thất vọng cũng là điều dễ hiểu”.

Bởi vậy, bà Hồng cũng cho rằng, nếu coi việc sử dụng từ ngữ dung tục, thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội là một tiêu chí của hoa hậu thì BGK, BTC đã tìm hiểu kỹ hơn về các thí sinh trong quá trình thi. Cũng theo bà Hồng, ở thời mạng xã hội như cuộc đời thứ hai thì việc bỏ qua tiêu chí ứng xử trên không gian mạng là điều đáng tiếc.

Vẫn biết, hành trình chọn ra thí sinh xuất sắc để trao vương miện luôn đặt để BTC, BGK vào những áp lực nặng nề. Nhất là đặt trong bối cảnh một năm đặc biệt khó khăn như năm nay. Song công chúng vẫn tin tưởng vào cuộc thi nhan sắc uy tín đã bền bỉ suốt hơn 30 năm qua. Đó là một cuộc thi đã tôn vinh được nhiều gương mặt tiêu biểu. Nhưng càng lâu năm, càng kinh nghiệm thì càng cần sự tinh tường và cẩn trọng, để chiếc vương miện không trở nên áp lực với thí sinh được chọn, và không tạo ra sự hoài nghi trong công chúng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực của vương miện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO