Áp lực lãi suất cho vay

Thúy Hằng 13/12/2018 06:23

Cuộc đua lãi suất huy động đã chính thức bước vào mùa “nóng”, điều này dồn gánh nặng lên lãi suất cho vay. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã bắt đầu lo lắng.

Mới đây ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank) đã tăng mạnh lãi suất huy động VND thêm 0,1% - 0,7% đối với kỳ hạn từ 13 tháng trở lên của các sản phẩm tiết kiệm thường, tiết kiệm lĩnh lãi định kỳ, tiết kiệm trả lãi trước, tiết kiệm trực tuyến, bảo chứng thấu chi… Mức lãi suất cao nhất lên tới 8,5%/năm đối với kỳ hạn từ 13 tháng và 8,6%/năm với kỳ hạn từ 18 tháng thuộc sản phẩm Phát Lộc Thịnh Vượng. Ở sản phẩm tiết kiệm thường, lãi suất cao nhất cũng lên tới 7,6%/năm với kỳ hạn từ 13 tháng và 7,8%/năm với kỳ hạn từ 18 tháng. Đây được xem là mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường ngân hàng hiện nay.

Không chỉ có VPbank, MBbank cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Theo đó, MB tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng lên 4,7%/năm, 3 tháng lên 5,3%/năm, 6 và 9 tháng lên 6%/năm, tăng 0,1-0,2% so với biểu lãi suất cũ. Tại ACB, khách hàng gửi kỳ hạn 6 tháng được hưởng lãi suất 6,1%/năm, tăng 0,2% so với trước.

Bên cạnh tăng lãi suất hút tiền gửi, phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cấp 2 cũng rất sôi động ở nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, ACB, HDBank, VIB, MB… và chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn với mức lãi suất cũng tăng mạnh lên đến 9,8%/năm.

Có nhiều phân tích được đưa ra lý giải cho việc chạy đua tăng lãi suất huy động dịp cuối năm, trong đó có các yếu tố như thanh khoản ngân hàng thương mại (NHTM) sụt giảm như yếu tố mùa vụ (tín dụng tăng trong khi huy động thường giảm vào những tháng cuối năm), mua ngoại tệ phục vụ nhu cầu thị trường và giải ngân vốn ngân sách tăng, làm giảm lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước. Ngoài ra, các NHTM cũng cần chuẩn bị cho yêu cầu giảm giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% hiện nay xuống 40% từ 1/1/2019. Vì vậy, mặt bằng lãi suất trong ngắn hạn sẽ đứng ở mức cao.

Việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng xuất phát từ yếu tố chủ quan và khách quan. Ngoài việc các ngân hàng tăng cường huy động vốn đáp ứng nhu cầu thời vụ giai đoạn cuối năm, chuẩn bị nguồn vốn nhiều hơn, kể cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn thì còn có lý do các ngân hàng không thể đứng yên khi nhìn các ngân hàng bạn tăng lãi suất được. Do vậy làn sóng lãi suất huy động dàn rộng ra.

Trước tình hình đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có phương án ngay từ bây giờ đến cuối năm để đảm bảo không tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng, thu hút mạnh mẽ kiều hối; đẩy mạnh cung ứng hàng hóa, bình ổn giá, không để khan hàng trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực lãi suất cho vay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO