Áp lực nghề điều dưỡng

THANH GIANG 08/10/2022 14:00

Ngày 7/10, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM có buổi làm việc với Sở Y tế TP HCM cùng 25 bệnh viện trên địa bàn thành phố về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập. Tại đây, lãnh đạo Sở Y tế cho hay, Sở đang lo ngại về tình trạng thiếu điều dưỡng trầm trọng tại các bệnh viện công lập trên địa bàn.

Áp lực công việc, thu nhập thấp khiến nghề điều dưỡng không còn hấp dẫn.

Thiếu trầm trọng điều dưỡng

Sở Y tế TPHCM thông tin, tình hình nhân sự trong 6 tháng đầu năm 2022 tại các bệnh viện công lập nhiều biến động và không ổn định do số lượng thôi việc tại các đơn vị tăng nhanh. Trong đó đáng báo động là tình trạng thiếu hụt điều dưỡng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM khẳng định: “Tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ ở các bệnh viện công lập đang giảm dần. Tại các bệnh viện, 1 bác sĩ chỉ có khoảng 1,85 điều dưỡng, trong khi quy định 1 bác sĩ cần 3 điều dưỡng”. Theo ông Dũng, tại Việt Nam nhu cầu trợ lý điều dưỡng là rất cao. Tuy nhiên, tuyển dụng sinh viên điều dưỡng tại các trường những năm gần đây liên tục giảm. Đơn cử, năm 2022 đầu vào tuyển dụng giảm 3 – 4 lần, dẫn đến tình trạng bệnh viện thiếu điều dưỡng trầm trọng. Ở các bệnh viện nhi, bệnh viện cho người lớn tuổi rất cần tăng cường đội ngũ điều dưỡng. Một đêm trực phải chăm sóc 70 – 80 bệnh nhân nhưng chỉ có 3 điều dưỡng.

Cũng theo Sở Y tế TPHCM, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ tại một số bệnh viện công lập đang có xu hướng giảm dần làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc người bệnh, do các bệnh viện gặp khó khăn trong tuyển dụng điều dưỡng mới thay thế cho số điều dưỡng đã nghỉ việc. Vì vậy, tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ tại các bệnh viện công lập là 1,86 và có hơn 55% tổng số khoa lâm sàng có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ dưới 2. Nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt điều dưỡng được lý giải, do chế độ, chính sách hiện nay chưa phù hợp với áp lực công việc của điều dưỡng, hộ sinh và chưa có chế độ, chính sách hỗ trợ thu nhập giữ chân được người có tay nghề, người đang cống hiến cho các đơn vị y tế công lập trực thuộc. “Điều dưỡng ở Việt Nam đang phải làm việc từ A đến Z. Hơn 60% công việc tại bệnh viện do điều dưỡng thực hiện. Thế nhưng thu nhập của họ chỉ khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng. Đây là nguyên nhân chính khiến đội ngũ điều dưỡng nghỉ việc nhiều” - ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói.

Trước đó, sáng ngày 30/9, Sở Y tế TPHCM đưa ra dự báo tình hình thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Tuy nhiên, số lượng tuyển dụng mới không đủ cả lượng lẫn chất để bù đắp số đã nghỉ việc. Cụ thể, nếu năm 2021 có 2.300 người nộp đơn học điều dưỡng thì năm 2022 chỉ có 781 người (giảm 66%) có nguyện vọng nộp đơn đăng ký học điều dưỡng tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Nóng tình trạng biến động nhân viên y tế

Băn khoăn về tình trạng thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế, Giám đốc sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho rằng, biến động nhân viên y tế hiện nay rất “nóng” nhưng chưa có giải pháp hiệu quả. Điều dưỡng nghỉ việc ngày càng nhiều, thiết nghĩ Việt Nam nên triển khai hình thức trợ lý điều dưỡng nhằm giảm tải công việc cho các điều dưỡng hiện nay. Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Anh Dũng chia sẻ, loại hình điều dưỡng cũng có nhiều chức danh, nhiệm vụ khác nhau trong bệnh viện. Trên thế giới, ngoài điều dưỡng chính còn có trợ lý điều dưỡng. Điều kiện để trợ lý làm việc khá đơn giản, chỉ cần giấy chứng nhận, không cần chứng chỉ hành nghề; thời gian đào tạo tối thiểu 3 tháng. Trợ lý điều dưỡng thực hiện dưới sự phân công của điều dưỡng. Trợ lý điều dưỡng có thể làm việc hỗ trợ người bệnh về vệ sinh, ăn uống, hỗ trợ bệnh nhân di chuyển trong nội bộ bệnh viện. Ở Việt Nam những việc này điều dưỡng đều phải đi kèm, trong khi lượng điều dưỡng hiện hiện nay không nhiều.

Ông Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức) cho hay, trước đây chỉ đào tạo hộ lý, điều dưỡng sơ cấp. Quy định mới yêu cầu, đến năm 2025 tất cả điều dưỡng phải tốt nghiệp bậc cao đẳng, đại học. Điều này đồng nghĩa, thời gian học kéo dài, áp lực công việc nhiều, thu nhập lại thấp. Theo ông Khanh, bệnh viện tuyến trung ương hay những bệnh viện hạng đặc biệt, tỷ lệ điều dưỡng có trình độ cao đẳng hoặc tương đương có thể chiếm tỷ lệ phần trăm nhiều hơn. Còn lại các bệnh viện tuyến cơ sở, tỷ lệ điều dưỡng trình độ cao đẳng, đại học thì tầm 40-50% là đủ. Ngoài ra, ông còn đề xuất đào tạo nên giao cho các bệnh viện, các viện từ hạng hai trở lên có đào tạo hộ lý, điều dưỡng sơ cấp phục vụ cho bệnh viện. Còn điều dưỡng từ trung cấp trở lên giao cho các trường cao đẳng, đại học. Như vậy sẽ có thêm nguồn lực để cho các cơ sở y tế nâng cao tỷ lệ giữa bác sĩ và điều dưỡng.

Theo Sở Y tế TPHCM, trước tình hình nghỉ việc của nhân viên y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022, các bệnh viện trên địa bàn TPHCM đã tăng cường tuyển dụng viên chức với số lượng: 1.307 người. Trong đó bác sĩ 613 người, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y tế là 459 người, chức danh khác 235 người. Tuy nhiên, do số lượng nghỉ việc nhiều nên số lượng người làm việc tại các đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm 318 người so với năm 2021.

Bộ Y tế ghi nhận, tỷ lệ điều dưỡng trên dân số Việt Nam đang rất thấp so với thế giới, trung bình 11,4/10.000 dân; số điều dưỡng trên một bác sĩ cũng rất thấp. Trong khi đó, ở một số nước cứ một bác sĩ có 3 – 4 điều dưỡng, ở Nhật Bản một bác sĩ có đến 9 – 10 điều dưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực nghề điều dưỡng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO