Áp lực nhà ở đô thị

Thành Luân 14/12/2019 07:00

TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với bài toán về nhà ở đô thị khi dân số tăng quá nhanh. Trung bình 5 năm, thành phố đông dân nhất nước lại đón thêm một triệu dân, chưa kể lực lượng lao động và dân di cư từ các tỉnh chưa thể thống kê đầy đủ. Áp lực nhà ở đô thị khá nặng nề.

Áp lực nhà ở đô thị

Áp lực về nhà ở đô thị tại TP HCM được xác định là bài toán phải tìm ra lời giải thường xuyên và lâu dài.

Gia tăng người nhập cư

Vấn đề bức bách về nhà ở đã được bàn luận trong nhiều phiên họp của HĐND TP HCM vừa diễn ra, đồng thời mới đây được các lãnh đạo Sở ngành của TP HCM tiếp tục kiến nghị tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về tăng cường quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Trước áp lực về nhu cầu nhà ở cho 1 triệu dân mỗi chu kỳ 5 năm, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận, các cán bộ của thành phố đã phải trăn trở suy nghĩ rất nhiều để tìm cách đáp ứng.

Một trong những vấn đề thành phố phải đối mặt, đó là tình trạng người nhập cư vào thành phố gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Các Sở, ngành chức năng của TP HCM đã tính toán các giải pháp về quy hoạch, trong đó cấp phép cho nhiều dự án cao tầng, chung cư, nhà ở xã hội. Thế nhưng, vẫn chưa thấm gì so với nhu cầu thực tế.

Theo người đứng đầu Đảng bộ TP HCM, nhu cầu này có thể lên đến 11 triệu người cần nhà ở trong khoảng 10 năm tới. Áp lực về nhà ở đô thị được xác định là bài toán phải tìm ra lời giải thường xuyên và lâu dài. Trong đó, một đề án tổng thể để phát triển nhà ở cho người dân TP HCM trong 10 năm tới cũng đã thành hình và được dự thảo. UBND TP cũng được tham mưu từ các Sở ngành chuyên môn để vận dụng Nghị quyết 54 vào quá trình hoàn thiện văn bản hướng dẫn các loại hình xã hội hóa về nhà ở, giải quyết các nhu cầu cấp bách trước mắt về nhà ở cho người dân, tránh dẫn đến các hệ lụy lâu dài.

Áp lực nhà ở đô thị - 1

Hàng loạt dự án căn hộ cao tầng được xây dựng trong năm 2019 nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu nhà ở tại TP HCM.

Vận dụng cơ chế đặc thù

Lãnh đạo chính quyền TP HCM cũng nhấn mạnh việc vận dụng cơ chế đặc thù riêng để thúc đẩy, kêu gọi được dòng vốn xã hội hóa vào xây dựng nhà ở cho người dân đô thị lớn nhất nước.

Hiện nay, vấn đề thủ tục hành chính, quy trình quản lý trong lĩnh vực đất đai cũng còn tương đối cồng kềnh, thường xuyên thay đổi, dẫn đến những đợt “đóng băng” thất thường của thị trường, tác động không nhỏ đến cung - cầu nhà ở. Chính vì vậy, các Sở TNMT, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc đều kiến nghị cần rút ngắn thủ tục/quy trình theo hướng tạo điều kiện cho người dân có nhà ở; có chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế/thủ tục, cơ chế giá để kích thích sự tham gia của nhà đầu tư vào xây dựng nhà ở xã hội. Đây là vấn đề tuy không mới, nhưng khiến chính quyền TP HCM đau đầu tìm giải pháp tháo gỡ suốt thời gian qua.

Ngay cả việc cải tạo các khu nhà ở hiện hữu cũng gặp nhiều khó khăn bởi rào cản thủ tục hoặc quy trình, dẫn đến những ách tắc. Có nơi như Q.4, nhiều nhà ở diện tích nhỏ, người dân muốn xây cao lên để đáp ứng nhu cầu nhà ở nhưng hiện các thủ tục, giấy tờ cấp phép lại bị hạn chế, dẫn đến lực bất tòng tâm.

Bên cạnh đó, dù người dân luôn thiếu nhà ở thế nhưng tình trạng một số cán bộ, lãnh đạo tham nhũng, tham ô, lạm dụng dẫn đến các sai phạm về đất đai, cấp phép xây dựng bị thanh tra phát hiện nhan nhản tại nhiều quận/huyện (Thủ Đức, Q.12, huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi), gây bức xúc rất lớn trong cử tri, nhân dân thời gian qua.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ lo ngại, khi nhu cầu của người dân tăng cao nhưng chưa được đáp ứng mà các vi phạm đất đai của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm trục lợi vẫn diễn ra, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp. Có nơi như huyện Bình Chánh phát hiện xây không phép, sai phép mỗi năm lên đến 3.000-4.000 trường hợp vi phạm. Trong đó, người dân là đối tượng phải chịu thiệt hại đầu tiên, tiếp đến là gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quy hoạch và công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội của TP HCM.

Dù chịu áp lực lớn về nhu cầu nhà ở, thế nhưng chính quyền TP HCM tự tin sẽ cải thiện được tình hình bằng các mục tiêu mang tính đột phá về chính sách đất đai, nhà ở. Trong đó, kết quả bước đầu trong thực hiện Chỉ thị số 23 được đánh giá giảm được 50% số vi phạm trật tự xây dựng. TP HCM hi vọng với cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 54 sẽ tiếp tục hạn chế tối đa các bất cập, tiêu cực trong lĩnh vực này nhằm đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu ngày càng tăng cao về nhà ở của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực nhà ở đô thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO