Áp lực phân bón ngoại

Lam Hồng - Quang Minh 08/08/2017 09:25

Lượng phân bón nhập khẩu giá rẻ từ nước ngoài, nhất là phân bón có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đà tăng mạnh. Đây là nỗi lo lớn của các doanh nghiệp (DN) phân bón nội địa khi phải cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà.

Câu chuyện đạm Ninh Bình mới đây do thua lỗ nghìn tỷ đồng phải xin Chính phủ hỗ trợ trả nợ thay cho họ khoản vay 125 triệu USD từ một ngân hàng của Trung Quốc không chỉ phản ảnh những bất cập trong vấn đề đầu tư của DN nhà nước mà còn cho thấy những khó khăn lớn của DN phân bón nội địa hiện nay trên thị trường phân bón trước áp lực từ phân bón ngoại nhập. Điều này đã cho thấy rõ sự cạnh tranh gay gắt giữa các DN nội địa trên mảng thị trường phân đạm.

Nếu tính chung về lượng phân bón nhập khẩu trong nửa đầu năm nay, khối lượng và giá trị nhập khẩu đã đạt 2,34 triệu tấn và ước đạt 628 triệu USD, tăng 23,7% về khối lượng và tăng 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Đầu năm nay, Bộ Công thương từng dự tính nhập khẩu phân bón sẽ không thua gì ở mức 1,1 tỷ USD. Theo ước tính, mỗi năm có trên 10 triệu tấn phân bón được sử dụng.

Lượng phân nhập khẩu, theo thống kê, 2/3 sản lượng dùng cho lúa, còn lại dành cho ngô, cà phê và cao su. Phân bón là khoản chi phí lớn nhất trong tổng chi phí cho các loại cây trồng này. Với 180 kg/ha, mức độ sử dụng phân bón tại Việt Nam cao hơn từ 30% - 200% so với các nước Đông Nam Á khác. Nhu cầu cao là vậy, thế nhưng các DN phân bón nội địa, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, đã không đáp ứng được nhu cầu, giá cả thiếu cạnh tranh và nhường thị phần cho phân bón ngoại.

Cách đây 2 năm, Bộ Tài chính phân loại mặt hàng phân bón từ danh mục chịu thuế VAT 5% sang danh mục không chịu thuế VAT ((Luật thuế 71 sửa đổi). Quy định này khiến các DN phân bón nội địa không còn được khấu trừ thuế đầu vào tác động xấu đến lợi nhuận mà còn khiến cho giá thành sản phẩm tăng cao.

Cuối năm ngoái, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và Bộ Công thương từng có đề xuất để Chính phủ điều chỉnh mặt hàng phân bón từ diện miễn thuế VAT sang thuế suất 0%. Nếu được chấp thuận việc hạch toán của DN sản xuất phân bón sẽ thay đổi thành được khấu trừ thuế VAT đầu vào thay vì phải ghi nhận vào chi phí như trước đây. Trong trường hợp chính sách này được thông qua, ước tính các DN sản xuất phân bón có thể tiết kiệm đến 2.500 tỷ đồng chi phí mỗi năm (theo Bộ Công thương), từ đó tạo sức cạnh tranh tương đối đáng kể về giá với phân bón nhập khẩu.

Trong khi đó, từ cuối năm 2016, Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách thuế xuất khẩu mới đối với các mặt hàng phân bón bao gồm không áp dụng thuế xuất khẩu đối với sản phẩm phân urê, DAP, TSP; giảm từ 30% xuống còn 20% thuế suất đối với NPK. Sản lượng phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 46% tổng lượng nhập vào Việt Nam. Do vậy, chính sách mới này của họ sẽ tác động đến nhu cầu nhập khẩu phân bón trong năm 2017 ở Việt Nam. Rõ ràng, sự thay đổi trên sẽ tạo áp lực rất lớn đến các DN sản xuất phân bón trong nước về vấn đề cạnh tranh giá bán.

Để hỗ trợ các DN phân bón nội địa trong tình thế khó khăn như vậy, giới chuyên gia khuyến nghị Chính phủ tiếp tục có những thay đổi chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa, thắt chặt quản lý, hạn chế nạn phân bón giả và phân bón nhập lậu qua đường tiểu ngạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực phân bón ngoại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO