Áp lực xét nghiệm nhanh

Đoàn Xá 06/10/2021 06:15

Những ngày qua, do nhu cầu của người dân, chủ yếu là vì điều kiện di chuyển nên hàng trăm địa điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 xuất hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, giá xét nghiệm nhanh ở các cơ sở cũng có sự khác nhau, chênh lệch theo từng ngày. Nhiều người dân và doanh nghiệp cho biết đang bị áp lực vì chi phí xét nghiệm nhanh rất tốn kém.

Tốn tiền triệu vì đi xét nghiệm nhanh

Theo quy định, khi di chuyển người dân TP HCM phải có giấy xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19. Đây là quy định cần thiết trong công tác phòng, chống lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, khoảng 1 tuần nay, tình hình TP HCM đã nới lỏng, giấy xét nghiệm nhanh vẫn là điều kiện bắt buộc nếu người dân cần di chuyển, đặc biệt khi qua các địa phương khác. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều địa điểm, hầu hết là bệnh viện, phòng khám tư nhân đã mở dịch vụ xét nghiệm nhanh và cấp giấy chứng nhận kết quả cùng mốc thời gian ngày tháng.

Anh Nguyễn Văn Phước, 42 tuổi, ngụ tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP HCM) cho biết do làm nghề tài xế chở hàng nên thời gian vừa qua anh thường xuyên đi xét nghiệm nhanh. “Có đợt thì giá là 350 ngàn một lần, xong rồi giảm xuống còn 300 ngàn, rồi giảm nữa còn 250 ngàn nhưng hiện giờ có mấy phòng khám chỉ lấy 200 ngàn mỗi lần xét nghiệm mà thôi. Mình phải đi lại nhiều nên cứ vài ba ngày lại test một lần, tháng vừa rồi chắc hết ba triệu tiền xét nghiệm quá. Mà lần nào cũng âm tính hết trơn”, anh Phước kể. Cũng theo anh Phước, dù có tốn tiền nhưng sau khi xét nghiệm có kết quả âm tính thì anh thấy an tâm và tự tin khi di chuyển, làm việc hơn.

Nhưng không chỉ người làm nghề phải di chuyển, mấy ngày qua đã có hàng chục ngàn người ở TP HCM di chuyển về quê và toàn bộ đều phải có giấy xét nghiệm nhanh âm tính. Chị Nguyễn Thị Hồng, ngụ tại phường Tân Thới Nhất (quận 12) cho biết cách đây ít hôm chị thấy nhiều người về quê nên gia đình cũng chuẩn bị về quê dưới Tràm Chim (Đồng Tháp).

Chị Hồng kể, từ ngày hôm trước 5 người trong gia đình đã đi xét nghiệm nhanh ở 1 phòng khám gần nhà hết hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên do chồng chị tiêm vaccine chưa đủ ngày nên không được qua chốt. Gia đình chị đành quay về đợi mấy hôm sau đi tiếp thì phải xét nghiệm lại vì giấy cũ hết hiệu lực.

Cũng theo chị Hồng, dù lần nào xét nghiệm các thành viên trong gia đình cũng âm tính nhưng bắt buộc phải có giấy mới được di chuyển.

Ghi nhận thực tế của chúng tôi tại một số phòng khám ở quận Gò Vấp, 12 hay huyện Hóc Môn, Củ Chi, các địa điểm xét nghiệm Covid-19 luôn đông đúc, chật kín dòng người đứng xếp hàng chờ tới lượt. Việc xét nghiệm diễn ra khá nhanh, thường chỉ kéo dài khoảng 10 phút có kết quả. Đại diện một phòng khám đa khoa ở huyện Hóc Môn chia sẻ, theo quy định các phòng khám tư nhân, doanh nghiệp được tự chịu trách nhiệm về giá cả, chất lượng khi xét nghiệm nhanh.

“Hiện với biến chủng Delta thì phương pháp xét nghiệm nhanh gần như chính xác 100%. Tuy nhiên, việc xét nghiệm chỉ có ý nghĩa khẳng định từ thời điểm xét nghiệm trở về trước người đó không nhiễm virus SARS-CoV-2 còn sau đó thì không có ý nghĩa khẳng định. Bởi vừa có kết quả test âm tính nhưng anh lại đi tiếp xúc với nguồn lây và nhiễm bệnh thì kết quả xét nghiệm không xác định được. Vì vậy nên nhiều người test âm tính nhưng trên đường di chuyển, tiếp xúc nguồn lây và xét nghiệm lại bị dương tính là bình thường. Còn quy định hiệu lực xét nghiệm 3 ngày hay 7 ngày/lần là tùy từng địa phương, cơ quan. Nó chỉ mang ý nghĩa tương đối, giảm thiểu nguy cơ”, người này chia sẻ.

Chi phí xét nghiệm nhanh là áp lực của nhiều người. Ảnh: Đoàn Trí.

Doanh nghiệp xin bỏ xét nghiệm nhanh

Thực tế, không chỉ tốn chi phí của người dân mà với các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam, quy định xét nghiệm cũng ảnh hưởng rất nhiều, nhất là giai đoạn mở cửa như hiện nay. Cụ thể, 4 hiệp hội gồm lương thực - thực phẩm, dệt may thêu đan, cơ khí - điện, mỹ nghệ và chế biến gỗ vừa gửi văn bản lên UBND TP HCM kiến nghị sửa quy định về việc về việc xét nghiệm Covid-19 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn. Theo đó, 4 hiệp hội này mong muốn thành phố bỏ quy định về việc phải có giấy “xét nghiệm nhanh âm tính” khi di chuyển qua lại giữa 5 địa phương là TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An.

Theo 4 hiệp hội trên, hiện nay các doanh nghiệp thành viên của các hội ngành hàng đều có nhà máy đặt tại các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh nên số lượng chuyên gia, lãnh đạo các phòng ban cùng công nhân của các doanh nghiệp thường xuyên di chuyển qua lại mỗi ngày rất lớn. Trong khi đó, văn bản của UBND TP HCM (ban hành ngày 1/10) yêu cầu công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón hoặc tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa các tỉnh trên dù đã được tiêm đủ liều vaccine, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng vẫn phải bắt buộc “có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần)”. Đây là quy định bất cập, gây khó cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo các hiệp hội trên trong thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp gặp áp lực rất lớn về tài chính và đang huy động toàn bộ nguồn lực để tái sản xuất trở lại thì việc tiếp tục yêu cầu người đã tiêm 2 mũi vaccine vẫn phải xét nghiệm định định kỳ 7 ngày/1 lần giống như trước đây là một sự lãng phí rất lớn nguồn vaccine và nguồn lực của doanh nghiệp.

Tới thời điểm này TP HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam đã dần kiểm soát được Covid-19, tỷ lệ phủ vaccine gần như 100% mũi 1 và mũi 2 cũng đã có hàng triệu người. Vì vậy, việc bắt buộc phải xét nghiệm nhanh khi di chuyển trong bối cảnh đang mở cửa gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực xét nghiệm nhanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO