'Bà con tin tưởng Mặt trận lắm!'

Nguyễn Chung (thực hiện) 08/05/2016 09:05

Trong khi công tác giám sát và phản biện xã hội trong nhiều lĩnh vực tại các địa phương trên toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn hạn chế, thì tại huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), UBMTTQ huyện đã tổ chức đoàn giám sát pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện. 

'Bà con tin tưởng Mặt trận lắm!'

Ông Hà Hữu Khang.

Thành công từ đợt giám sát đã góp phần không nhỏ đối với việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, chấn chỉnh hoạt động, kinh doanh, sản xuất vốn đang được xem là đề tài “nóng”, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. PV Báo Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi với ông Hà Hữu Khang- Chủ tịch UBMTTQ huyện Triệu Sơn xung quanh kết quả của đợt giám sát.

PV: Được biết, UBMTTQ huyện đã tổ chức đợt giám sát độc lập trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện. Ông có thể cho biết một số kết quả cụ thể của đợt giám sát này"?

Ông Hà Hữu Khang: Những ngày cuối năm 2015, sau nhiều chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng tôi đã tổ chức đoàn giám sát độc lập, tiến hành giám sát công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thức ăn chăn nuôi đối với UBND xã Đồng Tiến, UBND thị trấn; UBND xã Thọ Dân, UBND xã Hợp Thành.

Qua đợt giám sát trong lĩnh vực này tại 4 đơn vị đã phát hiện có 8/10 cơ sở hộ kinh doanh vi phạm đối với các mặt hàng như: phân bón, thức ăn chăn nuôi; thuốc BVTV quá hạn sử dụng; giấy chứng chỉ hành nghề đã hết hạn, giấy phép kinh doanh thì ghi thêm lĩnh vực mặt hàng kinh doanh. Khi kiểm tra, giám sát phát hiện các lỗi vi phạm trên tại các cơ sở kinh doanh, đoàn đã thống nhất giao cho đội quản lý thị trường số 6 tiến hành lập biên bản và tịch thu số hàng hóa đã quá hạn sử dụng về đội quản lý thị trường để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhìn chung các hộ chấp hành tương đối đầy đủ các quy định trong kinh doanh. Các cửa hàng đều có giấy phép đăng ký kinh doanh và chứng chỉ hành nghề đối với kinh doanh thuốc BVTV, thuốc thú y theo quy định. Hàng hóa đều có nhãn mác rõ ràng ghi trên bao bì, nằm trong danh mục được phép kinh doanh, đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, việc thực hiện pháp luật về kinh doanh phân bón, giống, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi đại đa số các cơ sở kinh doanh vẫn chưa có kệ bày hàng hóa riêng biệt, đặc biệt là phân bón, thuốc BVTV vẫn còn bày chung với các loại hàng hóa khác, có hộ thức ăn chăn nuôi, phân bón còn bày bán cùng lương thực, thực phẩm gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm; các cửa hàng hầu hết không có hóa đơn xuất xứ; không có hợp đồng mua bán đại lý với cơ sở sản xuất; chưa có bảng niêm yết giá bán cụ thể treo ở nơi khách hàng dễ nhìn, dễ thấy.

Mốt số hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp tự phát nhỏ, lẻ hoạt động mang tính thời vụ và nằm phân tán ở các khu dân cư hoặc các chợ cóc, phần lớn các hộ này không có giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề. Đây là các điểm kinh doanh trà trộn hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng nhái, rất khó kiểm soát.

Có thể nói, việc giám sát độc lập và hơn nữa lại là giám sát trong các lĩnh vực có phần khá “nhạy cảm” là khá khó khăn. Vậy khó khăn nhất hiện nay đối với cán bộ Mặt trận làm công tác giám sát là gì, thưa ông?

- Trong công giám sát, phản biện xã hội chúng ta rất cần có những cán bộ có năng lực chuyên môn chuyên sâu, vì phải biết mới nói được, biết mới có thể chỉ ra những sai phạm nên theo tôi, cái khó nhất hiện nay của người làm công tác giám sát, phản biện là đội ngũ cán bộ yếu về năng lực chuyên môn.

Đồng thời, các địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc quản lý nhà nước, bước đầu mới dừng lại ở việc thống kê các cơ sở kinh doanh, chưa quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở, tuyên truyền đến các hộ kinh doanh mà coi đây là việc của các cơ quan quản lý chức năng cấp trên. Vệc quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp ở cơ sở còn lúng túng, chưa nắm vững hết các văn bản quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, giống, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi nên chưa hiểu hết về thẩm quyền quản lý của mình.

Qua thực tế cũng cho thấy, hiện nay đối với vấn đề quản lý chất lượng các mặt hàng vật tư nông nghiệp, cả hệ thống chính trị tại địa phương còn buông lỏng, chưa thực sự vào cuộc.

Qua những đợt giám sát độc lập này, Mặt trận “được” gì nhất thưa ông?

- Cái được trước nhất là được cho người dân. Qua đợt giám sát này, nhận thức của bà con nhân dân được nâng lên trong quá trình thực hiện các pháp lệnh và các quy định của nhà nước trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Từ nhận thức của người tiêu dùng, nhà sản xuất phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, người kinh doanh cũng phải có trách nhiệm, đạo đức hơn, nếu không muốn bị người tiêu dùng tẩy chay.

Cái được thứ nữa là tình cảm của bà con giành cho mặt trận. Nhân dân tin tưởng, phấn khởi lắm! vì qua công tác của mình, mặt trận đã chỉ ra được những hạn chế trong quản lý của các địa phương, từ đó các địa phương có cách quản lý thực tế, hiệu quả hơn trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp.

Cũng qua đợt giám sát, vai trò vị trí của mặt trận được cấp ủy, chính quyền đánh giá rất cao bởi tính thuyết phục, chi tiết và hiệu quả đợt giám sát.

Phân bón, giống, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi là các loại vật tư quan trọng trong sản xuất trồng trọt và chăn nuôi có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp và sức khỏe người tiêu dùng. Vậy, để giám sát có hiệu quả hơn trong lĩnh vực này, chúng ta cần chú trọng vào điều gì, thưa ông?

- Việc tăng cường công tác quản lý chất lượng phân bón, giống, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi chính là góp phần ổn định và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo ATTP và môi trường sinh thái.

Trước mắt, UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cần ra chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về mặt hàng vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng và thức ăn gia súc. Phòng Nông nghiệp phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, thường xuyên thanh tra, kiểm tra về chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn để thông tin kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hộ kinh doanh; thường xuyên kiểm tra các cửa hàng và các mặt hàng, làm tốt công tác phối hợp liên ngành, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, kiên quyết xử lý, đình chỉ kinh doanh với các cơ sở không đảm bảo các điều kiện về kinh doanh như không có giấy đăng ký kinh doanh; không có giấy chứng chỉ hành nghề đối với kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vi phạm chất lượng, nhãn mác hàng hóa; nếu phát hiện vi phạm vượt quá thẩm quyền của cấp mình đề nghị lên cơ quan cấp trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

UBND xã cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các ngành, đoàn thể để cả hệ thống chính trị vào cuộc đối với việc thực hiện pháp luật về kinh doanh phân bón, giống, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Phải công bố danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, giống, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Bà con tin tưởng Mặt trận lắm!'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO