Bà Rịa – Vũng Tàu: Sẵn sàng tâm thế phát triển du lịch sau dịch Covid-19

Hữu Vinh - Mạnh Thìn 16/08/2021 17:01

Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 đã gây ra ảnh hưởng nặng nề đối với ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy dịch bệnh hoành hành, nhưng ngành công nghiệp “không khói” của địa phương này vẫn trong tâm thế sẵn sàng mở cửa khi mọi thứ trở về trạng thái bình thường.

Biển bãi sau, TP Vũng Tàu dịp lễ 30/4 và 1/5 đón một lượng khách du lịch lớn - Ảnh: Hữu Vinh.
Biển bãi sau, TP Vũng Tàu dịp lễ 30/4 và 1/5 năm 2021 đón một lượng khách du lịch lớn. Ảnh: Hữu Vinh.

Khi du lịch hè “ngủ đông”

Ông M.H. Giám đốc một khách sạn 3 sao trên đường Thùy Vân, TP Vũng Tàu cho biết, khách sạn của ông có tổng cộng 104 phòng, thời điểm hè năm ngoái, công suất phục vụ cao điểm có thể đạt 300 khách/ngày. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 bùng phát, từ sau đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay đã khiến việc kinh doanh của khách sạn rơi vào trạng thái “đóng băng”.

“Không chỉ riêng khách sạn của tôi mà gần như mảng dịch vụ du lịch nói chung ở Bà Rịa - Vũng Tàu đều rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn ngay mùa cao điểm du lịch hè. Nôm na là du lịch hè “ngủ đông” khi dịch Covid-19 bùng phát”, ông M.H. nói.

Bà Vũ Thị Huỳnh Trang, Tổng giám đốc Công ty T2P Travel chia sẻ, trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, doanh nghiệp đã lên kế hoạch mở rộng việc kinh doanh khi thấy những tháng đầu năm, du lịch trong nước có dấu hiệu phục hồi, nhưng kế hoạch giờ chưa thể triển khai trọn vẹn như dự định.

“Nhiều chương trình đã được công ty triển khai cho mùa du lịch hè 2021, nhưng mọi thứ đã bị “đóng băng” khi dịch Covid ập đến. Sau nhiều đợt giãn cách, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến sức đề kháng của nhiều doanh nghiệp ngành lữ hành, trong đó có chúng tôi thêm phần lao đao”, bà Trang lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Cường, CEO của hai công ty TNHH đầu tư phát triển du lịch Phương Anh và doanh nghiệp tư nhân du lịch Kiều Anh (TP Vũng Tàu) than thở: “Từ đầu tháng 5 đến nay, cả hai đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch của tôi gần như đứng im. Không có một giao dịch nào. Chúng tôi có 1 khách sạn 4 sao và 1 khách sạn 3 sao với hơn 300 phòng thì tất cả 100% khách hủy phòng trong 3 tháng qua”.

Những trường hợp kể trên là minh chứng rõ nét nhất cho sự tàn phá kinh khủng của đại dịch Covid-19. Và du lịch, lữ hành là một trong những ngành phải chịu hậu quả nặng nề nhất.

Trạm thu phí số 3, trên Quốc lộ 51 hướng về Bà Rịa Vũng Tàu đông đúc xe cộ du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 - Ảnh: Hữu Vinh.
Trạm thu phí số 3, trên Quốc lộ 51 hướng về Bà Rịa Vũng Tàu đông đúc xe cộ du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 năm 2021. Ảnh: Hữu Vinh.

Đa phần các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành tại Bà Rịa - Vũng Tàu vì nguồn lực cạn kiệt buộc phải cho nhân viên tạm nghỉ, chỉ giữ lại lực lượng nòng cốt để làm việc với các đối tác nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho khách hàng.

Sẵn sàng tâm thế đón “sóng”

Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp dịch vụ du lịch, lữ hành, ngay từ sau Tết Nguyên Đán, họ đã dành toàn bộ nguồn lực, tâm huyết để chuẩn bị hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới với mức giá hợp lý nhằm đón đầu mùa du lịch hè 2021. Dường như tất cả niềm tin, hi vọng sẽ có một mùa du lịch bội thu đã bị dập tắt sau đợt dịch thứ 4 bùng phát.

Biển bãi sau, TP Vũng Tàu vắng lặng trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành - Ảnh: Hữu Vinh.
Biển bãi sau, TP Vũng Tàu vắng lặng trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành. Ảnh: Hữu Vinh.

Tuy nhiên, không vì thế mà các doanh nghiệp này chịu cảnh “nằm im” đợi chờ. Ngay từ trước 25/8, thời điểm Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu khống chế được dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch để đón “sóng”.

“Khó khăn tất nhiên là có rồi, nhưng doanh nghiệp chúng tôi luôn sẵn sàng tâm thế để tăng tốc khi dịch được khống chế. Về cơ sở vật chất, con người, chúng tôi vẫn duy trì đảm bảo. Chỉ cần tỉnh khơi thông lại luồng xanh cho du lịch, tùy vào tình hình, dooanh nghiệp sẽ có kế hoạch cụ thể cho từng thời điểm”, ông Nguyễn Văn Cường, CEO công ty TNHH đầu tư phát triển du lịch Phương Anh nói.

Với Công ty T2P Travel, doanh nghiệp lữ hành này ưu tiên làm việc với các đối tác như hàng không, khách sạn, nhà hàng để giữ chính sách tour, trong đó đề xuất xem xét gia hạn hoặc bảo lưu các tour trong tháng 6, 7, 8 để hỗ trợ khách hàng, cũng như các công ty du lịch. “Đảm bảo uy tín của tất cả các bên là điều chúng tôi nghĩ đến đầu tiên, bởi vì chỉ có tạo niềm tin cho khách hàng, thì khi dịch được khống chế, lúc đó khách hàng mới sẵn sàng đi du lịch để giải tỏa không khí ngột ngạt sau những ngày chống chọi với dịch bệnh”, bà Vũ Thị Huỳnh Trang, TGĐ Công ty T2P Travel khẳng định.

Những con đường du lịch không một bóng người, xe qua lại - Ảnh: Hữu Vinh.
Những con đường du lịch không một bóng người, xe qua lại. Ảnh: Hữu Vinh.

Ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có những kế hoạch cụ thể nhằm khôi phục lại lĩnh vực thế mạnh của địa phương này khi dịch được khống chế.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, ông Trịnh Hàng. Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện nay ngành du lịch đã xây dựng kế hoạch theo chủ trương chung của tỉnh.

Cụ thể, sẽ có 1 số kịch bản tương ứng tùy theo tình hình thực tế. Ví du, kịch bản thứ nhất là khi tỉnh kiểm soát được dịch, mà các tỉnh thành phía Nam, thị trường du lịch trọng điểm của Bà Rịa-Vùng Tàu chưa kiểm soát được thì địa phương sẽ thực hiện chương trình “Bong bóng du lịch”.

Theo đó, tỉnh sẽ thí điểm mô hình này ở một số khu du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch đảm bảo được cơ sở vật chất; nhân lực được tiêm vaccine, thực hiện đầy đủ xét nghiệm và đảm bảo được phương án “3 tại chỗ”. Đối với du khách phải đảm bảo điều kiện là đã tiêm vaccine. Trước khi đi du lịch phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Cơ sở du lịch phải có xe đưa đón khách tận nơi về khu của mình. Trong thời gian ở đó thì trải nghiệm dịch vụ ngay tại đó… “Sau thí điểm, thấy hiệu quả và an toàn thì mình nhân rộng ra”, ông Hàng nói.

Kịch bản thứ hai đó là Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh thành phía Nam, cụ thể là khu vực Đông Nam Bộ đã kiểm soát được dịch, lúc này, địa phương sẽ thực hiện chương trình kích cầu thu hút khách du lịch. Sẽ phát triển một số chương trình truyền thông như: hội chợ du lịch trực tuyến; chương trình giới thiệu về điểm đến du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu trên các kênh media. Cùng với đó tổ chức hội chợ liên hoan văn hóa ẩm thực… Tất cả đều đã có phương án, tùy theo tình hình diễn biến, Sở sẽ trình kế hoạch để tỉnh phê duyệt.

Thiên đường du lịch Vũng Tàu im lìm về đêm - Ảnh: Hữu Vinh.
Thiên đường du lịch Vũng Tàu im lìm về đêm. Ảnh: Hữu Vinh.

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ tập trung khắc phục tình trạng các sản phẩm du lịch nhàm chán; nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp và hấp dẫn với du khách.

Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều thế mạnh du lịch, điểm đến hấp dẫn, cảnh quan đẹp, vì vậy cần nhắm vào thị trường khách chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao là những giải pháp lâu dài để lấy lại đà tăng trưởng du lịch.

Do dịch bệnh nên khách du lịch sẽ quan tâm chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Phát triển điểm đến có sự kết hợp giữa du lịch và chăm sóc sức khỏe là sản phẩm du lịch mà tỉnh cũng sẽ chú trọng sau khi dịch được khống chế.

Lãnh đạo Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, dịch Covid-19 bùng phát là điều không ai mong muốn. Trong “nguy” có “cơ”. Trước mắt cần xem việc chuyển hướng tập trung khai thác và phát triển du lịch nội địa và nên xem đó là giải pháp cứu cánh cho doanh nghiệp dịch vụ du lịch, lữ hành tồn tại trong giai đoạn dịch bệnh.

Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, dịch Covid-19 đặt ta vào một tâm thế mới, buộc ngành công nghiệp không khói vào thế phải chuyển mình. Hôm nay là Covid, thời gian sau có thể sẽ là những dịch bệnh khác, vì vậy qua đợt dịch này, cũng sẽ là bài test thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh nhạy thích ứng với các tác động; xây dựng một chiến lược phát triển dài hơi.

Infografic số lượng khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021. Nguồn: Tổng cục thống kê.
Infografic số lượng khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021. Nguồn: Tổng cục thống kê.

Theo Tổng cục Thống kê, do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam. Tính chung sáu tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành sáu tháng ước tính đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Thành phố Hồ Chí Minh giảm 53,6%; Hải Phòng giảm 46,5%; Hà Nội giảm 44,3%; Đà Nẵng giảm 43,5%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bà Rịa – Vũng Tàu: Sẵn sàng tâm thế phát triển du lịch sau dịch Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO