Bắc Giang: Bảo đảm quyền của cử tri và an toàn trong ngày bầu cử 23/5

23/05/2021 06:20

Xác định bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa to lớn. Do vậy, để tổ chức thành công Cuộc bầu cử đúng pháp luật, bảo đảm quyền của cử tri và an toàn vào ngày 23/5/2021, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát lại lần cuối danh sách cử tri; xác định rõ danh sách bầu cử hai cấp, bầu cử bốn cấp.

UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Văn bản hỏa tốc thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương tại hội nghị giao ban về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ đời sống của công nhân ngày 22/5/2021.

Ngày 22/5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì hội nghị giao ban với các huyện, thành phố về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ đời sống của công nhân.

Sau khi nghe Sở Nội vụ báo cáo về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố báo cáo về kết quả thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử, công tác phòng, chống dịch Covid-19 và công tác hỗ trợ đời sống công nhân các doanh nghiệp trên địa bàn; ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Sơn và các đại biểu tham dự hội nghị. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang kết luận như sau:

Về công tác bầu cử

Xác định bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa to lớn. Do vậy, để tổ chức thành công Cuộc bầu cử đúng pháp luật, bảo đảm quyền của cử tri và an toàn vào ngày 23/5/2021, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát lại lần cuối danh sách cử tri; xác định rõ danh sách bầu cử hai cấp, bầu cử bốn cấp.

Về danh sách cử tri, giao Sở Y tế rà soát danh sách cử tri là tình nguyện viên đang hỗ trợ trên địa bàn tỉnh; Công an, Quân sự rà soát danh sách cử tri là cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang; các huyện, thành phố rà soát danh sách cử tri là công nhân theo phương châm “Địa phương nào chịu trách nhiệm rà soát
địa phương đó”; cách làm là phải thông báo đến toàn bộ công nhân bằng nhiều hình thức: gửi thông tin trực tiếp, qua Zalo, SMS,... để công nhân đăng ký danh sách, nhận thẻ cử tri; không được để “Công nhân mất quyền bầu cử của mình”.

Đối với cơ sở đang điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, ngành Y tế rà soát theo phương châm bệnh viện ở xã/phường/thị trấn nào thì rà soát, đăng ký danh sách cử tri ở địa phương đó; rà soát bệnh nhân nặng và người nhà bệnh nhân ở lại các bệnh viện; ngành lao động cùng với chính quyền địa phương rà soát các đối tượng ở trong các đơn vị bảo trợ xã hội.

Đối với người trong các khu cách ly tập trung do tỉnh quản lý, Bộ Chỉ huy Quân sự chịu trách nhiệm rà soát. Các khu cách ly tập trung còn lại, trên địa bàn địa phương nào thì địa phương đó rà soát; đối với người đi làm nhiệm vụ thì chuyển danh sách đến các nơi làm nhiệm vụ của người đó.

Về phương án tổ chức bầu cử, yêu cầu các điểm bầu cử đều phải tổ chức khai mạc với số lượng dưới 30 người; thời gian tổ chức khai mạc ngắn gọn và tối thiểu phải có 2 cử tri chứng kiến việc niêm yết hòm phiếu bầu.

Đối với những nơi thực hiện cách ly y tế, giãn cách xã hội, cách ly xã hội thì tiến hành bầu cử thông qua hòm phiếu phụ; cách làm tương tự như vậy đối với người, hộ gia đình cách ly tại nhà. Lực lượng đi làm nhiệm vụ phải được trang bị điều kiện chống dịch; danh sách ứng cử viên phải được cấp phát để cử
tri ở nhà nghiên cứu, lựa chọn; phát miễn phí không thu lại bút viết, thước kẻ...

Đối với những nơi không phải khu vực cách ly, thực hiện bầu cử giãn cách, không được để tập trung đông người. Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát đến từng điểm bầu cử; quá trình tiến hành bầu cử bảo đảm đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình tổ chức bầu cử.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức bầu cử phải phù hợp với tình hình thực tế, phản ứng nhanh về biến động cử tri do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đưa ra nhiều tình huống để linh hoạt, ứng biến theo tình hình dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, sâu sát đến từng điểm bầu cử.

Về công tác phòng, chống dịch bệnh

Hiện nay, có nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng. Do vậy, thời điểm này có ý nghĩa quyết định để tỉnh Bắc Giang khống chế dịch, do vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền để Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không được chủ quan, lơ là; thực hiện khai báo y tế toàn dân (lần
2) thông qua ứng dụng, mạng internet (http://tokhaiyte.vn) hoặc gọi điện thoại đến số 18001119. “Ý thức người dân quyết định thắng lợi cuộc chiến chống dịch bệnh”. Mỗi người dân cần nêu cao tinh thần “Ở nhà là tham gia phòng, chống dịch”; “Hãy ở nhà vì tỉnh Bắc Giang và vì cả nước”.

Tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly y tế, cách ly xã hội tại 4 huyện (Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng); đối với thành phố thực hiện giãn cách xã hội và các huyện còn lại phải thực hiện như giãn cách xã hội; tiếp tục phát huy vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng cùng với các lực lượng y bác sĩ, lực lượng vũ trang,...trong phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “Tổ Covid-19 cộng đồng là thành trì phòng, chống dịch”. Kết hợp tăng cường hơn nữa xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định cách ly, phòng chống, dịch bệnh.

Tiếp tục đẩy nhanh xét nghiệm, nhất là việc trả kết quả; tăng cường phối hợp giữa các Tiểu ban phòng, chống dịch của tỉnh, huyện, các lực lượng Công an và Tổ Covid-19 cộng đồng để truy vết nhanh, chính xác; tổ chức rà soát lại việc truy vết. Đặc biệt là, chủ động sẵn sàng xây dựng bệnh viện dã chiến, các khu cách ly dự phòng theo tinh thần “Luôn đi trước một bước”, “Phòng dịch tiết kiệm hơn chống dịch”.

Đối với, các địa phương chưa thực hiện cách ly xã hội thì việc sản xuất, kinh doanh diễn ra bình thường nhưng phải tổ chức ngay Tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng y tế trong doanh nghiệp để hướng dẫn, kiểm tra, quản lý và giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch.

Về hỗ trợ đời sống công nhân

Xác định việc hỗ trợ đời sống công nhân lúc này là quan trọng. Do vậy, yêu cầu các huyện, thành phố (trọng tâm là các huyện Việt Yên, Yên Dũng) cần quan tâm hơn nữa đến đời sống công nhân với tinh thần “Không để công nhân thiếu”; tổ chức tốt hơn nữa việc hỗ trợ như: thành lập “Siêu thị 0 đồng”, “ATM gạo”, trao tận tay công nhân nhanh nhất các nhu yếu phẩm, hạn chế trao thông qua trung gian,...
Liên đoàn Lao động tỉnh và các Ban, ngành, đoàn thể phát huy vai trò của mình trong hỗ trợ đời sống của công nhân, người lao động.

Về thu hoạch, tiêu thụ nông sản

Một số huyện đã có cách làm linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong việc thu hoạch, tiêu thụ nông sản, hàng hoá như huyện Tân Yên; nhiều phóng viên đã tích cực tuyên truyền tiêu thụ nông sản cho tỉnh.

Để bảo đảm việc thu hoạch, tiêu thụ nông sản, nhất là vải thiều được thuận lợi, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cùng các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác quảng bá, kết nối lưu thông hàng hoá nhưng phải bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch như: Phun thuốc khử trùng phương tiện vận chuyển; xét nghiệm và cấp giấy xác nhận cho người lái xe, người áp tải hoặc cả chủ hàng (nếu thu mua trực tiếp), thực hiện thu mua trong ngày hoặc thực hiện qua điểm trung chuyển,…

Tại các khu vực cách ly cần linh động để người dân có thể thu hoạch được nông sản; các điểm chốt kiểm soát dịch cần xác định rõ các phương tiện được vào, ra trong các khu vực cách ly, ưu tiên phương tiện vận chuyển nông sản đủ điều kiện an toàn phòng dịch.

Giao các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế cùng các địa phương phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện thu hoạch, tiêu thụ nông sản, hàng hoá trong bối cảnh dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bắc Giang: Bảo đảm quyền của cử tri và an toàn trong ngày bầu cử 23/5

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO