Bắc Giang: Khẳng định thương hiệu vùng trái cây an toàn

Ngọc Ánh 06/12/2017 09:15

Những năm gần đây, giá quả vải giảm, người nông dân ở Bắc Giang đã tìm cách gia tăng giá trị của cây trồng bằng việc tập trung đầu tư phát triển cây có múi (cam canh, cam Vinh, bưởi da xanh, bưởi Diễn…). Thu nhập ổn định từ việc trồng quả sạch đã giúp đời sống người dân nơi đây ngày càng khởi sắc.


Hiện nay cây có múi đã đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân Lục Ngạn, Bắc Giang.

Đột phá từ trồng quả sạch

Chỉ sau một thời gian ngắn diện tích trồng cây có múi của tỉnh Bắc Giang đã tăng đáng kể (7.000 ha với những loại quả cho sản lượng và giá trị kinh tế cao). Với lợi thế về khí hậu cũng như địa hình Bắc Giang xác định cây có múi sẽ là cây để phát triển kinh tế gia đình hộ gia đình nhằm giảm nghèo bền vững.

Đến Lục Ngạn những ngày này là tràn ngập các loại trái cây đang vào vụ thu hoạch. Các nhà vườn đang tất bật chuẩn bị thu hoạch sản phẩm. Gia đình anh Nguyễn Duy Tuấn (xã Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang) có một sào vườn trước đây chuyên trồng vải. Năm 2010, nhận thấy trồng cây ăn quả có múi sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao, anh đã mạnh dạn trồng bưởi da xanh. Đến nay từ một sào vườn anh đã có khoảng 3 ha trồng bưởi với khoảng 2.000 cây. Điều đặc biệt là vườn cây của anh Tuấn rất hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu.

Chia sẻ về phương pháp trồng cây có múi anh Tuấn kể: Chúng tôi dùng tỏi ớt, rồi thuốc lá thuốc lào, thảo mộc để phun là cây hết sâu không ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt đến mùa mưa nhiều côn trùng là tôi mua cóc về thả vườn… Nhờ có phương pháp này tôi không phải dùng thuốc trừ sâu, sản phẩm sạch an toàn bán được giá cao hơn. Nhờ đó kinh tế ổn định không phải lo tái nghèo.

Cũng giống như hộ anh Tuấn, gia đình ông Ðinh Mạnh Nhâm, thôn Kim Thạch (xã Thanh Hải, Lục Ngạn), một trong những hộ đầu tiên của huyện đưa cây bưởi Diễn về trồng từ 12 năm trước. Thời điểm đó dù cây vải thiều đang cho thu nhập ổn định nhưng vẫn mạnh dạn chặt bỏ hơn 2 ha vải thiều để trồng 200 cây bưởi Diễn. Sự “dũng cảm” của ông Nhâm đến giờ được đền đáp bằng nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Nhâm cho biết, ở xã Thanh Hải, cũng có khoảng mười người chuyển đổi cây trồng đến nay đều là những tỷ phú từ cam, bưởi. Nhờ đó mà vụ bưởi Tết vừa qua, vườn nhà ông Nhâm thu hơn 10 nghìn quả, theo thời giá ước đạt 300 triệu đồng. Ngoài ra, số tiền bán cây giống cũng mang về cho gia đình ông từ 50 đến 70 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Văn Dũng- giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (huyện Lục Ngạn) cho biết, trước đây các thành viên của HTX này trồng chủ yếu là vải thiều do có nhiều diện tích trồng vải không đem lại hiệu quả kinh tế nên đã mạnh dạn chuyển sang trồng cam. Với phương châm sản xuất sản phẩm sạch nên các thành viên trong hợp tác xã đã được chính quyền địa phương hỗ trợ quảng bá sản phẩm, nhằm xây dựng thương hiệu để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

“Từ thành công của ông Nhâm, đến nay, xã Thanh Hải đã trồng được 132 ha (trong đó 2/3 đã cho thu hoạch, doanh thu ước đạt khoảng 30 tỷ đồng/năm), chiếm khoảng 20% số diện tích cây ăn quả toàn xã”- ông Dũng cho biết.

Theo ông Tăng Văn Huy- trưởng phòng NN&PTNT huyện Lục Ngạn, hiện nay không chỉ ở Thanh Hải, một số xã khác như Hồng Giang, Tân Quang, Phượng Sơn, Nghĩa Hồ, thị trấn Chũ... cũng phát triển mạnh cây ăn quả có múi. Riêng diện tích trồng bưởi Diễn đạt khoảng 1.137 ha (trong đó có khoảng 600 ha cho thu hoạch), tăng 534 ha so với năm 2015, năng suất bình quân 12 tấn/ha. Diện tích cam đường Canh tăng nhẹ hơn do yêu cầu cao về kỹ thuật cũng như vốn đầu tư đối với loại cây này khiến ít người trồng hơn.

Vựa trồng quả thương hiệu

Thực tế cho thấy, nhiều loại trái cây trồng tại Lục Ngạn cho chất lượng thơm ngon hơn nơi khởi sinh ra nó. Theo thống kê của UBND huyện, hàng năm sản lượng cây có múi đạt khoảng 30 nghìn tấn và sẽ còn tăng lên nhiều trong các năm tiếp theo. Năm 2017, dự kiến doanh thu từ các loại cây có múi sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, đó là chưa kể đến doanh thu từ các dịch vụ và ngành nghề phụ trợ. Theo đánh giá của các chuyên gia, Bắc Giang có vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc với 47.000 ha, trong đó diện tích trồng cây có múi là 7.000 ha. Bắc Giang đã triền khai nhiều giải pháp để cây có múi góp phần phát triển kinh tế địa phương nói chung, kinh tế gia đình và hộ gia đình nói riêng nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững.

Trong mục tiêu phát triển 5 cây chủ lực của tỉnh, cây ăn quả có múi của Lục Ngạn là một trong những trọng tâm. UBND tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, gắn kết doanh nghiệp vào các khâu, nâng cao vai trò của hợp tác xã Lục Ngạn trong việc quản lý tốt giống cây, đồng thời quan tâm xử lý tốt vấn đề môi trường.

Đánh giá việc triển khai mô hình trồng cây có múi, ông Nguyễn Thanh Bình- chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Với hơn 5.000 ha, đến nay cây cam, bưởi và các loại cây có múi trên địa bàn huyện lục ngạn đã khẳng định được chất lượng cái thương hiệu ban đầu của mình. Năm 2017 dự kiến có khoảng 40 nghìn tấn cây có múi các loại. Con số này cho thấy việc phát triển cây có múi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó cùng với chính sách phát triển phù hợp của tỉnh, huyện trong xây dựng thương hiệu nông sản, nông dân Lục Ngạn cũng đang từng bước ứng dụng tiến bộ KHKT, quản lý tốt dịch bệnh, sử dụng phù hợp thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học… để hướng đến việc đưa Lục Ngạn thành vùng trái cây an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Bắc Giang phấn đấu đến hết năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh 2%/năm, các xã đặc biệt khó khăn 4%/năm. Phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 4% và hết năm 2018 không còn hộ nghèo là gia đình người có công với cách mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bắc Giang: Khẳng định thương hiệu vùng trái cây an toàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO