Bác Hồ và 100 năm Đảng Cộng sản Pháp

Thái Duy 17/03/2020 14:19

Những năm hoạt động cách mạng ở Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc đó là Nguyễn Ái Quốc) đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sách Hồ Chí Minh toàn tập (tập 12, trang 591), đã có đoạn như sau:

Bác Hồ và 100 năm Đảng Cộng sản Pháp

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua, tháng 12/1920.

“Đại hội Tua (Tours) từ ngày 25 đến ngày 30/12/1920 tại thành phố Tua (Pháp). Vấn đề quan trọng Đại hội thảo luận là Đảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế thứ ba hay ở lại Quốc tế thứ hai. Với đa số phiếu tuyệt đối (3208 tán thành 1022 phiếu chống) Đảng Xã hội Pháp tán thành gia nhập Quốc tế thứ ba.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội với tư cách là đại biểu thuộc địa Đông Dương. Tại Đại hội, Người đọc tham luận lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với các thuộc địa, kêu gọi giai cấp vô sản Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Đông Dương. Người bỏ phiếu tán thành việc Đảng Xã hội Pháp gia nhập quốc tế thứ ba. Cùng với những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp, Người trở thành một trong những thành viên tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp”.

Trả lời phỏng vấn của báo Humanité (Nhân Đạo) của Đảng Cộng sản Pháp về cuộc đấu tranh chống ách thống trị của thực dân Pháp tại Việt Nam, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trả lời:

“Đồng chí biết rằng tôi sang châu Âu từ trước chiến tranh thế giới thứ nhất. Tôi đã sống nhiều năm ở Paris, sống chật vật bằng cách làm những nghề vặt: giúp việc cho một người thợ chụp ảnh, sơn đồ cổ Trung Quốc. Hồi đó nước chúng tôi đang ở dưới ách chủ nghĩa thực dân Pháp, bị bóc lột ghê gớm và khổ sở vô cùng. Trong nội bộ Đảng Xã hội Pháp mà tôi tham gia, thường xuyên có bàn cãi sôi nổi có nên ở lại Quốc tế thứ hai hay tham gia Quốc tế thứ ba. Một số đồng chí lại đề nghị thành lập Quốc tế thứ hai rưỡi. Tôi càng lúng túng vì trong cuộc bàn cãi người ta rất ít nói đến sự đoàn kết với các dân tộc thuộc địa. Nhưng đó lại là vấn đề mà tôi quan tâm hơn hết và do đó mà tôi đã tìm ra con đường đúng. Khi tôi nêu câu hỏi: “Ai khẳng định rõ ràng là mình đoàn kết với các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân áp bức?” thì người ta trả lời “Quốc tế thứ ba”. Rồi một đồng chí đưa cho tôi đọc “Luận cương về các vấn đề thuộc địa và dân tộc” của Lênin, vừa đăng trên báo Nhân Đạo. Bản Luận cương làm cho tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi xúc động đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy, đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.

Từ đó tôi không còn chỉ dự các cuộc họp của Đảng một cách thụ động nữa. Tôi lao vào cuộc chiến đấu hăng hái, bàn cãi, tiến công mạnh mẽ những kẻ chống lại Lênin và Quốc tế thứ ba. Tôi không chỉ tranh luận trong chi bộ tôi mà còn đi đến các chi bộ khác nêu câu hỏi: “Nếu các đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu các đồng chí không đoàn kết với các dân tộc thuộc địa thì các đồng chí làm thứ cách mạng gì?”

Ở Đại hội Tua, tôi tham luận, đặt vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp, tố cáo những tội ác của nó ở Đông Dương. Một nghị sĩ xã hội ngắt lời tôi và nói rằng ông ta đã phát biểu để bênh vực dân bản xứ, nhưng tôi bảo im đi và tôi tiếp tục kêu gọi giúp đỡ nhân dân Việt Nam và tất cả các dân tộc thuộc địa. Và dĩ nhiên là tôi đã bỏ phiếu cùng những đồng chí tán thành Quốc tế thứ ba, cũng cái đa số sau đó thành lập Đảng Cộng sản Pháp. (Hồ Chí Minh toàn tập -Tập 12 -Trích trong bài “Trả lời phỏng vấn của Sáclơ Phuốcniô, phóng viên báo Humanité (Pháp) - Trang 471 và 472).

Người Việt sống ở Pháp, một số đã tham gia Đảng Cộng sản Pháp, về nước thường được giới thiệu sinh hoạt trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Hai đảng ở hai chế độ hoàn toàn khác nhau, đế quốc Pháp còn đang thống trị Việt Nam nhưng hai đảng lại cùng Quốc tế thứ ba, Quốc tế cộng sản do Lênin đứng đầu. Không phải người Việt Nam nào là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp cũng về nước, một số đã nằm lại mãi mãi trên đất Pháp. Chiến tranh thế giới lần thứ hai, phát xít Hit-le đưa quân sang xâm chiếm nước Pháp, một nước đồng minh với Liên Xô: Đảng Cộng sản Pháp đã chiến đấu vô cùng dũng cảm chống phát xít Đức và một số đảng viên là người Việt Nam đã hy sinh rất anh hùng. Một số trở nên bất tử, được Nhà nước Pháp tuyên dương công trạng.

Đầu tháng 10 năm 1941, một sĩ quan Đức bị ám sát tại thị xã Chateaubriant Đức đã vây bắt 27 đảng viên cộng sản trong đó có đảng viên Việt Nam Huỳnh Khương An, quê ở Vũng Tàu. Huỳnh Khương An có vợ là một phụ nữ Pháp, Germaine Baryon cũng là đảng viên cộng sản. Ngày 23/10/1941, phát xít Đức đã đưa 27 đảng viên Pháp bị bắt ra xử bắn tại mỏ đá Sabrière ở thị xã Chateaubriant. Trước khi chết, Huỳnh Khương An đã viết một thư tuyệt mệnh rất ngắn gửi vợ. Nội dung thư như sau:

“Hãy can đảm, em yêu của anh. Đây chắc là lần cuối cùng anh viết cho em. Ngày hôm nay anh sẽ lìa đời. Anh và các bạn khoảng 20 đồng chí đang bị tạm giam trong một gian nhà trống, sẵn sàng hy sinh trong tư thế dũng cảm và nhân cách. Em sẽ không hổ thẹn vì anh. Em sẽ cần rất nhiều dũng cảm để sống nhiều hơn là anh cần để chết. Bởi vì con, đứa con trai bé nhỏ của chúng ta, khi nào gặp lại con em hãy hôn nó cho anh, thật chặt. Từ nay em phải sống bằng kỷ niệm đẹp của chúng ta. Năm năm trời hạnh phúc ta đã sống với nhau. Vĩnh biệt em yêu”.

Thư rất ngắn nhưng quý giá vô cùng từ một người sắp hy sinh vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, chỉ mong người vợ trẻ sống dũng cảm dù không còn có anh nữa. Hơn 70 năm sau, ngày 24/10/2014, Đảng Cộng sản Pháp làm lễ tưởng nhớ tới tấm gương hy sinh của đảng viên Huỳnh Khương An và dựng bia kỷ niệm tại nhà vợ chồng anh ở dẫy nhà số 6 Đường Porte de Branchon ở quận 15-Paris. Cán bộ Đại sứ quán ta ở Pháp đều có mặt tại lễ tưởng niệm. Đại sứ ta tại Pháp lúc này là đồng chí Dương Chí Dũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bác Hồ và 100 năm Đảng Cộng sản Pháp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO